Game mobile có còn là "thiên đường" cho các nhà phát triển nhỏ? (P1)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/04/2015 0:00 AM

Tương lai nào cho những nhà phát triển nhỏ trên game mobile? Đó là một câu hỏi mà chúng ta đều muốn lảng tránh, song nó là câu hỏi rất được chú ý thời gian gần đây.

Tương lai nào cho những nhà phát triển nhỏ trên các thiết bị di động? Đó là một câu hỏi mà chúng ta đều muốn lảng tránh, song nó là câu hỏi được đặt ra với nhiều cách nói hay cách tiếp cận khác nhau, trong khá nhiều bối cảnh gần đây. Các nền tảng di động, từng được coi là nơi trú ngụ an toàn trước sự sụp đổ của thị trường PC tầm trung và console, nay cũng cho thấy những triệu chứng tương tự; ngân sách tăng vụt, phụ thuộc vào nhượng quyền kinh doanh hay các IP đã được cấp phép, và biến thành một thị trường ngày càng bị thống trị bởi chỉ một vài game “hit” chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khiến cho phần lớn các game còn lại không kiếm nổi dù chỉ là những miếng “bánh vụn”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự thống trị với tư tưởng “ăn chắc mặc bền” của các công ty lớn

Chúng ta đã chứng kiến điều tương tự diễn ra với các game console trong thời kỳ của thế hệ phần cứng gần đây nhất. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn và không thể biết được nó bắt đầu từ đầu; có phải khách hàng ngừng mua những tựa game hạng thường, và khiến các nhà phát hành ngừng cấp vốn cho chúng? Hay chính các nhà phát hành e sợ trước sự tăng mạnh của ngân sách phát triển, nên đã dồn toàn lực vào một vài tựa game bom tấn chắc ăn, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, tài chính của việc phát triển game hạng thường, và cuối cùng khiến chúng dần biến mất? Có lẽ nguyên nhân chính được đến từ cả hai phía, nhưng chuyện các nhà phát hành chỉ muốn “ăn chắc mặc bền” có lẽ là nguyên nhân lớn hơn.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi chi phí dành cho các sản phẩm top đầu của ngành kinh doanh di động đang tăng vụt, với chi phí phát triển và đáng chú ý nhất là chi phí marketing có xu hướng đi lên với một tỷ lệ khiến cho chi phí gia tăng của sự phát triển console trong những năm 2000 chỉ giống như một bữa ăn “tráng miệng” vậy. Những công ty như King hay Supercell đang chi tới nửa tỷ USD một năm chỉ riêng trong mảng marketing, và những giới hạn đang dần sụp đổ khi mà chi phí đi nhanh hơn cả sự tăng trưởng lợi nhuận. Điều này tạo ra một rào cản 2 lớp cho những “người mới” muốn thâm nhập vào thị trường game mobile.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đầu tiên, sự nâng cấp nhanh chóng của công nghệ mobile đã đẩy cao chi phí phát triển cơ bản. Trái ngược lại với mô hình console, mặc dù sự nâng cấp phần cứng được đóng băng trong khoảng 5 hay 6 năm, nhưng ít nhất nó cũng cung cấp một sân chơi cùng đẳng cấp lâu dài cho các nhà phát triển có cơ hội để làm chủ và sau cùng thu lợi nhuận từ những hệ thống đó.

Thứ hai, kể cả khi bạn đủ khả năng đầu tư cho quá trình phát triển tốn kém hơn rất nhiều của một game mobile hàng đầu, khả năng cao là bạn không còn đủ kinh phí để quảng bá nó. Câu trả lời dường như là “không” khi mà bạn còn phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội từ những chiến dịch marketing chi phí cao từ những “ông lớn” như King, hay chiếm được những không gian công cộng nổi tiếng nhất thế giới như Supercell. Dành được khẩu phần từ những “người khổng lồ” này là điều không tưởng đối với những công ty khởi nghiệp mới “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường game mobile; mặc dù chúng ta đều muốn nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất là ở chất lượng game, song hiện thực phũ phàng là ở đầu bảng xếp hạng thị trường, giá trị thương hiệu có ảnh hưởng hơn nhiều, bởi xu hướng “đám đông” đã ăn sâu vào các game xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tới một mức độ nào đó, những công ty này trở thành nạn nhân của chính thành công trong quá khứ của mình. Phần lớn chi phí marketing đang khiến chi phí vận hành của họ tăng cao không hề dùng để đầu tư vào việc hỗ trợ các game mới phát hành, mà là để duy trì sự tăng trưởng của những game đã phát hành được 3 hay 4 năm. Clash of Clans luôn duy trì vị thế là con át chủ bài của Supercell; Candy Crush Saga vẫn đang “đẻ trứng vàng”, tạo ra lợi nhuận nhiều nhất cho King; GungHo có Puzzle&Dragons, Zynga lại có Farmville. Đây là những game “lão làng”, tuy nhiên chúng vẫn là trọng tâm marketing đối với các công ty chủ sở hữu.

Khó cân bằng trong bài toán duy trì và phát triển mới

Đây thực sự không phải chỉ là một đặc trưng của riêng những công ty đó, mà là một tính chất của toàn bộ thị trường game mobile; nhìn qua phía trên của các bảng xếp hạng App Store trên iOS, ta nhận thấy nhiều game phổ biến nhất hiện nay đã được phát hành từ vài năm trước. Điều này buộc những nhà phát triển game mobile nhìn nhận việc duy trì sự phát triển các “hit” cũ của mình quan trọng không kém gì việc phát triển các “bom tấn” mới; quan trọng hơn, thực tế là bởi lẽ game cũ vốn đã được chứng minh là một thành công, trong khi toàn bộ tiền được chi tiêu vào phát triển game mới lại chỉ là một khoản đầu cơ chưa chắc có lãi.

Rất khó để đạt được sự cân bằng và phải lựa chọn giữa chuyện tập trung nguồn tài nguyên cho những game đang tồn tại, mạo hiểm không có tựa game mới nào để thay thế khi “ngôi sao cũ” cuối cùng cũng bị lu mờ; hay tập trung vào phát triển game mới, cầu trời cho mình lại may mắn giống lần trước, nhưng với rủi ro luôn hiện hữu rằng lần này, bạn có thể sẽ bị mất tất cả. Đây là vấn đề cân bằng mà các nhà phát hành console cũng từng phải đối mặt, điều khiến chúng ta lại phải tự hỏi vòng tròn luẩn quẩn đã dập tắt sự phát triển tầm trung bắt đầu như thế nào. Đối mặt với việc chi phí phát triển tăng, các nhà phát hành có 2 lựa chọn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Họ có thể tiếp tục cấp vốn cho nhiều game, mặc dù biết rằng sẽ có kha khá game trong số đó sẽ trở thành “sao xịt” và có thể sẽ mất tiền; hoặc họ có thể dốc toàn bộ tài nguyên của mình, đầu tư vào chỉ một vài tựa game, đảm bảo rằng mỗi game đó sẽ trở thành một “bom tấn” chỉ cần nhờ vào nỗ lực tài chính, chi tiền để mở rộng danh sách tính năng với mục đích loại trừ mọi rủi ro thị trường có thể tưởng tượng được.

Chúng ta đều biết điều đó hướng tới con đường nào. Thỉnh thoảng người ta vẫn nói rằng những công tư như nhà phát hành game rất ngại “mạo hiểm”, nhưng đó không hoàn toàn là sự thật; thực tế họ chỉ tránh một loại rủi ro cụ thể, mạo hiểm vận hành – rủi ro rằng game sẽ thất bại và mất tiền – trong khi hoàn toàn quá thoải mái với một dạng mạo hiểm khác, rủi ro tài chính – rủi ro rằng việc phát triển và phát hành game ngày càng tốn kém.

(còn tiếp)

 

>>Tìm hiểu cách thức duy trì người chơi trong game online miễn phí