"Đám mây" có phải tương lai của game PC?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 23/04/2013 12:19 AM

Game đám mây có nhiều ưu điểm nhưng cũng tồn tại nhiều điểm yếu.

 "Game nền đám mây" (Cloud gaming) là một khái niệm đã ra đời từ cách đây khá lâu nhưng cho tới nay chưa nhiều người hình dung được về nó. Về tổng thể, ý tưởng của công nghệ này đó là đưa tất cả mọi tác vụ xử lý mà trước đây game thủ phải cần tới PC, lên các máy chủ "trên mây", lọai bỏ yêu cầu PC chơi game cấu hình mạnh, có card đồ họa rời; hay các máy console chơi game hiện nay.
 
Game đám mây có nhiều điểm tương đồng với công nghệ stream video, tuy nhiên, điểm khác là game đám mây có sự tương tác còn stream video thì không. Về cơ bản, máy chủ game nền đám mây sẽ làm nhiệm vụ chạy game, sau đó truyền gameplay tới người chơi. Các thao tác điều khiển game thông qua chuột, bàn phím, bộ điều khiển sẽ thông qua hệ thống mạng để gửi tới máy chủ từ xa. Máy chủ sẽ làm công việc xử lý các tác vụ nặng, còn PC của bạn chỉ việc nhận các video và âm thanh được nó truyền tới.

"Đám mây" có phải tương lai của game PC? 1
 
Những lợi ích của Cloud Gaming (về lý thuyết)
 
Trên lý thuyết, Cloud gaming có rất nhiều lợi ích, bao gồm:
 
- Giảm chi phí đầu vào cho người chơi: Bạn không cần phải bỏ tiền ra để đầu tư, nâng cấp các phần cứng (PC, Console) đắt tiền nữa. Với game nền đám mây, bạn hoàn toàn có thể chơi các game mới với phần cứng hiện tại của mình. Bạn cũng có thể mua một thiết bị giúp stream game và 1 bộ điều khiển cắm vào TV và mạng tại nhà để chơi game.
 
- Chơi game trên bất kỳ HĐH nào, và trên bất kì thiết bị nào: Phần lớn các game cao cấp hiện nay đều chỉ dành cho nền tảng Windows hoặc console. Tuy nhiên, trên lý thuyết, với Cloud gaming, giới hạn này sẽ bị loại bỏ. Nó có thể giúp bất kỳ thiết bị nào (PC, tablet...) chạy bất kỳ HĐH nào (Windows, Mac, Linux, Android, iOS, Chrome OS, Windows RT...) đều có thể chơi được các game vốn chỉ dành cho Windows.
 
- Tích hợp game vào các thiết bị khác như TV: Các nhà sản xuất TV có thể tích hợp khả năng hỗ trợ dịch vụ Cloud gaming vào các TV thông minh (smart TV) của họ. TV cũng không cần phải có phần cứng cao cấp, đắt tiền. Bất kỳ TV nào với một phần mềm hỗ trợ cùng 1 bộ điều khiển đều có thể cho phép trải nghiệm Cloud gaming thông qua dịch vụ OnLive của BigPicture BigSoud hay Gaikai của Sony. Hiện nay cũng đã có một số mẫu smart TV tích hợp tính năng này như TV của Samsung hay LG.


- Chơi ngay tức thời: Khi chơi game theo cách truyền thống, có thể một số game sẽ yêu cầu người chơi phải tải một lượng dữ liệu khá lớn về máy, có thể là 10 GB hay 20 GB, trước khi có thể chơi. Trong khi đó, game nền đám mây sẽ cho phép bạn chơi game ngay tức thì, bởi các máy chủ đã được cài sẵn trò chơi trên đó.

- Dễ dàng theo dõi: Bạn có thể dễ dàng theo dõi các trận đấu game chuyên nghiệp mà không cần phải cài đặt chúng.

- Hạn chế game...lậu: Đây là một lợi ích, nhưng rõ ràng là cho...nhà phát hành. Khi mà game chạy trên các máy chủ từ xa thay vì chạy trực tiếp trên máy người dùng, gần như không thể có phương pháp nào để chơi game lậu.

"Đám mây" có phải tương lai của game PC? 2

Hạn chế của game nền đám mây

Tuy có nhiều ưu điểm như trên nhưng game đám mây cũng có những hạn chế của nó:

- Chất lượng video: Các video chúng ta thường ngày xem trên Youtube thường là các video đã được nén nhằm tiết kiệm băng thông. Với mục đich tương tự, các video gameplay mà bạn nhận được từ dịch vụ game nền đám mây cũng sẽ được nén lại. Do đó, hình ảnh bạn nhận được sẽ không thể sắc nét và có độ chi tiết cao giống như khi nó được render trên các PC với phần cứng mạnh.

"Đám mây" có phải tương lai của game PC? 3

- Cloud gaming yêu cầu lượng băng thông rất lớn. Chơi game đám mây qua dịch vụ OnLive trên smart TV có thể sẽ tiêu tốn tới 3 GB băng thông mỗi giờ. Thử tưởng tượng nếu nhu cầu chơi game đám mây cao lên, lượng băng thông đòi hỏi là sẽ vô cùng lớn.

- Độ trễ: Đây là điều khó có thể tránh khỏi. Game sẽ cho phản hồi lại nhanh hơn rất nhiều với các lệnh mà bạn đưa ra khi chơi game trên PC so với khi chơi qua Cloud gaming. Điều này thuộc về bản chất của công nghệ: hình ảnh trong game phải được render và nén lại trên máy chủ đám mây trước khi được truyền lại tới thiết bị của người chơi.

- Không thể chơi game...lậu: Đối lập với lợi ích dành cho nhà phát hành đã nói ở trên, chính là hạn chế đối với game thủ.

- Đòi hỏi tốc độ internet cao: Chơi game qua "đám mây" đòi hỏi bạn phải có một đường truyền internet đủ mạnh, điều mà hiện nay chưa thể nói là phổ biến.

Cloud Gaming hiện nay

Hiện nay, nhiều dịch vụ game nền đám mây đã ra đời và đi vào hoạt động. OnLive chính là một trong các dịch vụ được nói tới nhiều nhất, mặc dù số lượng khách hàng của họ cho tới nay vẫn đang rất ít. Theo một báo cáo, trước thời điểm cấu trúc lại hồi tháng Tám năm ngoái, số người sử dụng dịch vụ này chỉ đạt con số 1800 người. Cho tới nay, OnLive nhận được những phản hồi khá tốt về độ trễ cũng như chất lượng hình ảnh. Đồng thời, với 1 máy PC hoặc console cấu hình hợp lý, trải nghiệm OnLive cũng là rất tuyệt vời.

Nếu quan tâm, bạn có thể tải OnLive client về máy để thử trải nghiệm (hiện OnLive client hỗ trợ Windows, Mac, Android, một số smart TV, và một thiết bị chuyên dụng để chơi các game trong hệ thống của OnLive). Tuy nhiên, bạn có thể chơi chơi bản full của mỗi game trong vòng 30 phút, một khoảng thời gian chỉ đủ để cảm nhận được mức độ mượt mà, chất lượng hình ảnh, và độ trễ của game mà thôi.

"Đám mây" có phải tương lai của game PC? 4

Đối thủ lớn nhất của OnLive chính là Gaikai. Gaikai từng sử dụng công nghệ của họ để cung cấp các demo game mà bạn có thể chơi trên trình duyệt - một cách thuận lợi hơn rất nhiều cho game thủ trong việc chơi thử game trước khi quyết định có mua hay không. Tuy nhiên sau khi Gaikai bị Sony thâu tóm vào hồi tháng Bảy năm ngoái với giá 380 triệu USD, tính năng này đã bị vô hiệu hóa.
 
Việc Sony mua lại Gaikai cho thấy họ sẽ tham gia vào lĩnh vực Cloud gaming trong tương lai. Một số tin đồn cho biết Sony có thể sẽ dùng Gaikai để đưa các game PlayStation 4 của mình "lên mây". Các tin đồn khác thì cho rằng họ có thể dùng Gaikai để stream game của PS3 lên PS4.

Tương lai

Cho tới nay, Cloud gaming vẫn chưa thể gọi là thành công. Số lượng khách hàng của OnLive đã nói lên điều đó. Tuy nhiên, với việc Sony mua lại Gaikai cho thấy các "ông lớn" đang rất quan tâm tới công nghệ này.

Nvidia mới đây vừa giới thiệu Project Shield, một chiếc máy chơi game cầm tay chạy Android cho khả năng stream game PC từ máy tính để chơi trên chiếc máy này (PC phải dùng card đồ họa của Nvidia). Ý tưởng của Nvidia là người dùng chỉ cần một chiếc PC chơi game, sau đó họ có thể sử dụng phần cứng của máy tính để chơi game trên TV (Mặt sau của Project Shield có cổng micro HDMI dùng để xuất hình ảnh và âm thanh ra TV), hoặc thiết bị cầm tay tiện dụng như chính Project Shield.


Độ trễ khi chơi game trên Project Shield cũng sẽ thấp hơn bởi bạn đang stream game thông qua mạng gia đình. Nếu kết nối các thiết bị này thông qua mạng nội bộ, vấn đề băng thông cũng sẽ được khắc phục. Nvidia có vẻ như rất hứng thú với ý tưởng của họ bởi cho rằng điều này sẽ tận dụng được điểm mạnh và khắc phục được điểm yếu của Cloud gaming.

"Đám mây" có phải tương lai của game PC? 5
Máy chơi game Project Shield của Nvidia.

Valve, hãng đứng đằng sau hệ thống Steam nổi tiếng, có vẻ lại không quá hứng thú với Cloud gaming. Gabe Newell, người điều hành Valve cho rằng game đám mây đòi hỏi chi phí cao cũng như độ trễ của Cloud gaming trong tương lai sẽ còn cao hơn khi mà game càng ngày càng nặng hơn. "Nếu tất cả các game đều "lên mây", Valve vẫn sẽ ở lại với công nghệ truyền thống để tận dụng các lợi thế của nó" - Gabe Newell cho biết.

Có thể thấy rằng thật khó để dự đoán được Cloud gaming có phải là tương lai của game PC hay không, nhưng có một thực tế hiện nay là các dịch vụ game nền đám mây chưa có dấu hiệu phát triển đủ mạnh để "tiêu diệt" game PC hay console, giống như tablet chưa thể thay thế được máy tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đó vẫn sẽ là một lựa chọn thú vị và đáng trải nghiệm.