Cái chết tất yếu của các công ty game mạng xã hội (Phần 1)

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 24/04/2013 12:20 AM

Sau thời kỳ phồn thịnh, các game mạng xã hội dần bị khai tử vì lối chơi nhàm chán, hệ thống thời gian ngu ngốc cùng rất nhiều thông báo làm phiền người dùng,...

Thời kỳ phồn thịnh
 
Năm 2008 là thời điểm thị trường game mạng xã hội chập chững phát triển và không mấy người lường trước được sự bùng nổ với tốc độ chóng mặt của nó. Zynga là một trong những công ty đầu tiên xâm nhập thị trường và gặt hái được doanh thu lớn từ mảnh đất màu mỡ này, ước tính chỉ với 1 game của Zynga đã mang lại lợi nhuận bằng 9 NPH game khác cộng lại. Facebook chính là cầu nối đưa hàng trăm triệu người chơi đến với Zynga chỉ trong vài tháng. Sự thành công của Zynga đã thu hút rất nhiều NPH game khác lao vào thị trường triệu đô này, trong đó có Electronic Arts (EA) với những tựa game đình đám The Sim Social, SimCity Social, Bejeweld,… 

 
Cái chết tất yếu của các công ty game mạng xã hội (Phần 1) 1
 Zynga là một trong những NPH game thành công nhất trên mạng xã hội.
 
Không thể phủ nhận sức hút của thị trường này khi có tới hơn 65 triệu người đăng ký chơi CityVille. Với lượng khách hàng khổng lồ, mức tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu và độ phủ thị trường rộng lớn, "cửa" kiếm tiền của các tựa game này rất sáng sủa. Bằng chứng là rất nhiều nhà đầu tư "rót" tiền vò Zynga với tất cả kỳ vọng.
 
Nhưng bất chấp tất cả những điều trên, ngành công nghiệp game đang dần đào thải chúng. Zynga đã đánh mất thời hoàng kim, hãng tuyên bố đóng cửa 11 tựa game mạng xã hội đình đàm của mình. Và cũng chỉ ít lâu sau đó, NPH game khác là EA cũng tiếp bước khi cho khai tử 3 game trên mạng xã hội Facebook. Đâu là nguyên nhân khiến các NPH game lớn nói tời tạm biệt với mảnh đất màu mỡ này?
 
Hệ thống thời gian ngu ngốc
 
Nói về sự "ngu ngốc" trong hệ thống thời gian, tôi tin đó không phải một nhận xét quá lời. Về những tựa game của Zynga, các nhiệm vụ trong trò chơi gói buộc vào những khung giờ nhất định, bạn xây dựng trong thời gian này, và sau bao lâu bạn phải đăng nhập lại, nếu không bạn sẽ mất nó. Và trong khi bạn đang xây dựng một toà nhà hay đang trồng một vườn cây, trong thời gian chờ đợi chúng hoàn thành, bạn chỉ có thể ngắm nghía xung quanh mà không có việc gì khác để làm. Tôi đã từng gặp nhiều người chơi phải xếp cả lịch thu hoạch, lịch xây dựng vào thời gian biểu hàng ngày của mình. Liệu điều đó có cần thiết hay không?
 
 Cái chết tất yếu của các công ty game mạng xã hội (Phần 1) 2
Farmville là một trong những game mạng xã hội có hệ thống thời gian ngu ngốc.
 
Bạn không thể sắp xếp trò chơi vào cuộc sống hàng ngày trong thời gian dài, dù chỉ là 5 hay 10 phút ngó vào game để xác thực hay thu hoạch, nó cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công việc và hoạt động thường ngày của bạn. Đó chính là điểm mà trò chơi mạng xã hội có vấn đề.
 
Lối chơi nhàm chán
 
Tôi có thể tóm gọn cách chơi của những tựa game mạng xã hội đình đám hiện nay là: đăng nhập, xây dựng/trồng trọt, ngồi chờ, xác nhận/thu hoạch. Thời gian đầu có thể bạn sẽ thích thú với chúng, nhưng bạn có chắc chắn giữ được sự thích thú ấy sau một vài tháng chơi game hay không? Những tựa game thu hút lượng lớn người chơi hiện nay đều na ná nhau, có chăng chúng khác nhau ở hình ảnh đồ hoạ, và đó chưa phải là yếu tố bù lấp đi cái cốt nhàm chán.
 
 Cái chết tất yếu của các công ty game mạng xã hội (Phần 1) 3
Các game mạng xã hội phần lớn có cách chơi đơn giản dễ nhàm chán.
 
Là một trong những công ty đi đầu trong phát triển game mạng xã hội, Zynga đã đạt được thành công lớn trong thời gian rất ngắn, và có lẽ họ đã "ngủ quên trên chiến thắng" của chính mình. Bằng vốn sẵn có, họ phát triển rất nhiều game khác dựa vào những tựa game ăn khách mà quên mất đi yếu tố quyết định đến vấn đề thành công của một công ty dẫn đầu thị trường là sáng tạo.
 
Bạn có thể chơi những game như The Sims thời gian đầu, nhưng sau đó nhanh chóng là sự nhàm chán. Bạn không thể phủ nhận rằng những trò chơi điều khiển chuyển động đơn giản như Angry Birds luôn thu hút mọi người, trong khi các game mạng xã hội lại làm điều ngược lại, bực bội khó chịu và sẽ đến lúc họ nhận ra trò chơi đó hoàn toàn vô nghĩa.
 
Không chỉ có Zynga, EA cũng theo bước với những tựa game tương tự như The Sims Social, SimCity Social và Pet Society. Cho đến nay, hãng cũng đã phải tuyên bố đóng cửa 3 tựa game này do: "Sau khi thu hút hàng triệu người đăng nhập để chơi các trò chơi trong thời gian đầu. Thì số lượng người chơi và đăng nhập lại vào game của họ đã giảm trong thời gian gần đây".
 
Mở rộng và làm phiền
 
Trước đây khi Zynga mới gia nhập thị trường, các công ty khác còn chưa nhìn ra "mỏ vàng" từ quảng cáo trên Facebook, họ đã có một lượng người chơi khổng lồ khi đầu tư hơn 40 triệu USD vào việc mua quảng cáo trên mạng xã hội này. Khoản đầu tư đó của Zynga ước tính chiếm tới 10% tổng doanh thu của Facebook. Sau bước đi của Zynga, các nhãn hiệu và công ty khác bắt đầu đổ tiền vào quảng cáo trên mạng xã hội và giá trị của mỗi quảng cáo đã tăng lên gấp 3 lần. Giá trị quảng cáo tăng lên cũng đồng nghĩa với việc Zynga không thể tiếp tục thu lời lớn với cách làm cũ, buộc họ phải tìm cách viral miễn phí từ cộng đồng.
 
Chắc hẳn người chơi game trên mạng xã hội không còn lạ gì khi gặp thông báo bạn cần mời bạn bè của mình để vượt qua level hay xây dựng một toà cao ốc nào đó. Không nên quá ngạc nhiên vì đây chính là cách tốt nhất để các game này mở rộng thị trường. Đó là một cách khôn ngoan để lôi kéo người chơi sau khi việc đầu tư mua quảng cáo không mang lại hiệu quả như trước. Nhưng mặt trái của nó lại ảnh hưởng quá nhiều tới người dùng khác trên mạng xã hội. 
 
 Cái chết tất yếu của các công ty game mạng xã hội (Phần 1) 4
Những thông báo mời bạn bè xuất hiện dày đặc trên các game mạng xã hội.
 
Từ khi Facebook phát triển News Feed và App, Zynga đã trở thành một ông trùm viral. Nếu một ngày, bạn đăng nhập vào mạng xã hội và nhận được hàng chục notifications mời chơi game từ bạn bè của mình, tôi đảm bảo việc đầu tiên bạn làm là sẽ tìm cách chặn vĩnh viễn những thông báo như vậy xuất hiện thêm dù chỉ 1 lần. 
 
Vô hình chung, chính những game mạng xã hội đã làm xấu đi hình ảnh của Facebook trong mắt người dùng. Những status, hình ảnh cập nhật từ bạn bè dần bị nhấn chìm bởi lượng request game quá lớn. Hiểu được điều đó, Mark Zuckerberg đã nhanh chóng thêm nút Block App vào ngay trên notifications nếu người dùng cảm thấy mình bị làm phiền. Cập nhật trên của Facebook như một đòn đau cho các NPH game trong đó có Zynga, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của các tựa game này.
 
(còn tiếp - Theo GenK)