Các công ty game đừng nên quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/08/2015 0:00 AM

Chúng ta đều có thể đồng ý rằng thị trường game có những đặc trưng riêng, song nó cũng không phải là một “ốc đảo” tách biệt với nền kinh tế nói chung.

Chúng ta đều có thể đồng ý rằng thị trường game có những đặc trưng riêng, song nó cũng không phải là một “ốc đảo” tách biệt với nền kinh tế nói chung. Vậy nên các công ty game đang cân nhắc việc thâm nhập vào thị trường game mobile Trung Quốc có lẽ nên lùi lại một bước và quan sát bức tranh toàn cảnh trước khi thực hiện bất cứ hành động gì.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn, khi tốc độ tăng trưởngtổng thể đang dần yếu đi, đạt mức thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây. Có cả những công ty lớn như Burberry đã báo cáo về mức suy giảm “2 con số” tại các cửa hàng ở Hồng Kông. Tệ hơn, trong vài tuần vừa qua, một vài nhà kinh tế và phân tích tài chính đã xác định tình trạng tổng quan của thị trường Trung Quốc là không lạc quan. Sau khi đạt mức tăng trưởng tới 150% vào năm ngoái, tháng vừa qua Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã chức kiến mức hiệu chỉnh là 26%. Rõ ràng, Trung Quốc là một thị trường không ổn định.

Kinh doanh đặt lên hàng đầu

Xét về mức tăng trưởng, thị trường game Trung Quốc có vẻ vẫn đang rất ổn. Trong tháng 4, các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị vượt mặt Nhật Bản để trở thành thị trường game kỹ thuật số hàng đầu Châu Á. Các số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy tới cuối năm nay, các gamer Trung Quốc sẽ trên đà chi tiêu tới 12,6 tỷ USD vào game. Thêm vào đó, game PC vốn dĩ là nền tảng được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc, nhưng qua các dữ liệu từ đầu năm 2015, game mobile có vẻ sẽ “soán ngôi” của PC tại quốc gia này vào cuối năm.

Kể cả như vậy, sau vài năm liên tiếp với mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, chúng ta đang thấy được những dấu hiệu đầu tiên về sự suy giảm trong tỷ lệ tăng trưởng: năm 2015 thị trường game mobile Trung Quốc sẽ tăng trưởng 19%, song vẫn là giảm so với 44% năm 2014.

Vậy liệu chúng ta có thể “xả hơi” không? Không.

So sánh doanh số của World of Warcraft ở thị trường phương Tây và phương Đông

So sánh doanh số của World of Warcraft ở thị trường phương Tây và phương Đông

Trong bản "Báo cáo Xu hướng Internet" thường niên của mình, bà Mary Meeker, một nhà phân tích đầu tư lỗi lạc, đã chỉ ra một sự khác biệt khổng lồ trong sức chi tiêu: GDP của Trung Quốc chỉ bằng gần 1/3 của Mỹ. Để thu về lợi nhuận tương đương tại Trung Quốc, bạn sẽ phải tiếp cận nhiều gấp 3 lần số gamer, giả sử họ đều chi tiền với cùng một tỷ lệ (mà tất nhiên là họ không rồi).

Đây là nơi mà mọi chuyện trở nên “u ám”: có một sự khác biệt giữa lượng tải về và lợi nhuận. Vậy nên khi chúng ta đọc những báo cáo về Trung Quốc trở thành thị trường có lượt tải về trên iOS lớn nhất, điều này không đồng nghĩa với việc đây là nơi thu về nhiều lợi nhuận nhất. Giống như mọi quyết định khác trong kinh doanh, mức độ quan tâm với thị trường game Trung Quốc cần được dựa trên cơ sở xác đáng.

Nếu lấy World of Warcraft làm ví dụ, bởi lẽ trụ sở của game tại phương Tây và phương Đông là tương đối đồng đều, chúng ta sẽ thấy rằng lợi nhuận thu về từ 2 khu vực chênh lệch khá nhiều.

Việc Trung Quốc là một thị trường lớn và độc đáo thì không có gì là mới cả. Từ trước đến nay, rất nhiều công ty đã cố gắng tiến sâu vào đây bằng cách phát triển những phiên bản được địa phương hóa hoàn toàn cho các game “hit” của mình, như Zynga với một bản FarmVillage dành riêng cho Trung Quốc. Nhưng sau đó đã phải đánh sập trò chơi vào cuối năm ngoái và đóng cửa trụ sở của mình tại Bắc Kinh.

Trung Quốc không thực "mở cửa" cho kinh doanh

Làm kinh doanh tại Trung Quốc, bạn sẽ gặp phải vô vàn trở ngại. Nếu muốn biết về những “tấm rào” cần vượt qua để tiến vào Trung Quốc, hãy nhìn vào Activision khi phát hành Call of Duty Online. Đây là một trong những nhà phát hành lớn nhất thế giới, đã phải tạo ra riêng một phiên bản của tựa game nổi tiếng nhất của hang chỉ dành cho Trung Quốc, và hợp tác với nhà phát hành lớn nhất tại đây – Tencent, một sự kết hợp có thể nói là “bá đạo”.

Hầu hết các nhà phát hành đã tương đối thành công tại Bắc Mỹ và Châu Âu đều đang cố gắng mở rộng thị trường, vẫn biết rằng nó sẽ chỉ đóng góp 10 – 15% tới doanh thu tổng của họ. Những “người gác cổng” ở trung gian (Tencent, Apple,...) sẽ giữ lại ít nhất là một nửa.

Ai cũng muốn ngành công nghiệp này phát triển. Song hãy lưu ý rằng khi tấn công vào thị trường Trung Quốc, bạn buộc phải có câu trả lời cho một vài câu hỏi chiến lược quan trọng.

Bạn “to” không có nghĩa là bạn sẽ được “vào cửa” miễn phí. Trên thực tế, game console mới chỉ được hợp pháp hóa tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Những ông lớn như Microsoft và Sony nhờ vậy mới bắt đầu có “đất sống” tại quốc gia này. Nhưng nửa đầu tháng 7 vừa qua, Niko Partners đã tung ra báo cáo cho thấy doanh số ban đầu của console nói chung là khá thấp. Tất nhiên, điều này là hợp lý, bởi lẽ game console không phổ biến tại Trung Quốc, nhưng như vậy là đã bỏ qua sự thật rằng tồn tại một “chợ đen” các thiết bị lậu khá lớn.

Sự hào hứng về một “vùng đất mới” đang là động cơ chính thúc đẩy thị trường game mobile Trung Quốc. Yêu thì dễ, duy trì tình yêu mới là khó, quả thực điều này đúng với cả con người lẫn kinh doanh. Khi mà thị trường game mobile Mỹ đã bắt đầu bị bão hòa, khí cả chi phí phát triển lẫn marketing tăng cao, chắc chắn là một chân trời cơ hội mới sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Vậy cuối cùng chúng ta có thể rút ra điều gì? Rằng các công ty được lợi nhiều nhất từ sự phát triển của thị trường Trung Quốc là các công ty… Trung Quốc mà thôi.

Theo Gamesindustry

 

 

Tổng hợp tin tức thị trường game đáng chú ý tháng 7/2015