15 thông số mà mọi nhà phát triển game mobile cần nắm rõ

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 31/07/2015 0:00 AM

Mặc dù không có một chính sách toàn diện nào cho mọi quá trình phân tích game, song một vài thông số hữu ích có thể giúp bạn rất nhiều trong việc phát triển game mobile của mình.

Phân tích game mobile là một quá trình tương đối phức tạp. Khi nhắc tới các thông số, có hàng trăm số liệu cần theo dõi. Những thông số cơ bản nhất phải kể tới là lượng download, lượt chơi, và DAU (Lượng người chơi hoạt động hàng ngày), đây là những số liệu cụ thể được đo lường trực tiếp. Ngoài ra còn có nhiều thông số phức tạp khác như phần trăm người chơi bỏ game, lợi nhuận trung bình trên người chơi (ARPPU), DAU/MAU (Người chơi hoạt động hàng ngày/hàng tháng). Đây là những số liệu cần được phân tích sâu hơn, và chúng có thể làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, ví như:

“Liệu tôi đã đợi đủ thời gian để xác định rằng một người chơi thực sự bỏ game hay chưa?”

“ARPPU tốt là như thế nào?”

Và chúng ta còn chưa đề cập tới những thông số cao cấp hơn như phân khúc thị trường,mô hình phễu, và custom event.

Bây giờ, chúng ta sẽ chỉ bám lấy những thông số và tìm hiểu xem những con số đó thực sự nói gì về game của bạn. Mặc dù không có một chính sách toàn diện nào cho mọi quá trình phân tích game, song một vài thông số hữu ích có thể giúp bạn rất nhiều trong việc phát triển game mobile của mình.

Những thông số cơ bản

Lượng người dùng hoạt động hàng ngày (DAU)

Bắt đầu với những điều cơ bản nhất, DAU là số lượng người dùng vào ứng dụng của bạn ít nhất một lần trong bất cứ ngày cụ thể nào. DAU và các thông số cao cấp khác không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về tình trạng hoạt động của một ứng dụng. Tuy nhiên, nắm bắt được thông số đơn giản này là điểm khởi đầu cho quá trình thảo luận và phân tích.

Hãy lấy ví dụ với một game hardcore có 10,000 người chơi tâm huyết, tất cả bọn họ đều vào game vài lần mỗi ngày và chủ động chi tiền cho game. So sánh với một ứng dụng đọc báo hay tin nhắn có hơn 1,000,000 DAU nhưng không có một cơ chế thương mại hóa nào. Hay một ứng dụng khác có khả năng duy trì người dùng rất kém và có lẽ đang thực hiện một chiến dịch thu hút người dùng mới, ngày hôm nay họ có 500,000 DAU, nhưng ngày mai con số này chỉ còn lại là 100,000. DAU giống như một bức hình được chụp trong một khoảng khắc, và môi trường xung quanh có tầm quan trọng ngang bằng, thâm chí quan trọng hơn so với một lượng người dùng đông đảo.

Thông số DAU

Thông số DAU

Lượt chơi

Mỗi lần bất kỳ một người dùng nào mở ứng dụng của bạn ra, đó được tính là một lượt chơi. Giống như DAU, tổng lượt chơi phải được đặt trong một vài bối cảnh cụ thể mới trở thành một thông số hữu ích. Đặc biệt, hãy tập trung vào số lượt chơi trung bình trên DAU, bởi thông số này có thể cho bạn biết được mức độ tâm huyết của người chơi với game của mình.

Thể loại game có tác động lớn tới số lượt chơi/DAU, bởi nhiều dạng chắc chắn sẽ được chơi thường xuyên hơn. Tuy nhiên, nếu người dùng chơi 5 – 10 lần mỗi ngày, khá chắc chắn rằng họ ưa thích game của bạn. Còn nếu họ chỉ mở game ra 1 – 2 lần trong ngày, có khả năng là sẽ không tiếp tục chơi lâu dài.

DAU/MAU

Tỷ lệ Người dùng hoạt động hàng ngày/ hàng tháng cho thấy ứng dụng duy trì lượng người dùng có ổn định hay không. Thông số này cho bạn biết người dùng đăng nhập vào ứng dụng của mình thường xuyên như thế nào, và sẽ dễ dàng hơn để thảo luận về nó với một ví dụ: giả sử một ứng dụng có 100,000 MAU và trung bình 15,000 DAU. Khi đó, tỷ lệ DAU/MAU sẽ là 15%, nghĩa là trung bình người dùng đăng nhập vào khoảng 15% số ngày trong tháng đó.

Vì đây là tỷ lệ, thông số DAU/MAU chỉ có giá trị từ 0 tới 1. Càng gần tới 1 nghĩa là người dùng mở ứng dụng ra càng thường xuyên. Những mạng xã hội nổi tiếng như Facebook có tỷ lệ DAU/MAU lên tới 50%. Nhưng hầu hết các ứng dụng game thành công thì chỉ cần tỷ lệ gần 20% thôi.

Duy trì người chơi

Duy trì người chơi có thể nói là thông số quan trọng nhất trong một game miễn phí. Những game miễn phí (free-to-play) thành công tạo dựng được mối quan hệ lâu dài với người chơi. Và đương nhiên, những người chơi thỏa mãn với trải nghiệm của mình sẽ sẵn sàng chi tiền để có được nhiều lợi thế cạnh tranh. Một game cần khả năng duy trì người chơi tốt để có thời gian xây dựng mối quan hệ này.

Để tính toán tỷ lệ duy trì người chơi, phân loại họ vào từng nhóm dựa trên ngày tải về ứng dụng. Đó sẽ là Ngày 0. Nếu người dùng mở ứng dụng của bạn vào ngày tiếp theo (Ngày 1), đánh dấu họ là đã được duy trì. Nếu không thì ngược lại. Những ngày thường được kiểm tra để xác định tỷ lệ duy trì người chơi là 1, 3, 7 và 30.

Tỷ lệ duy trì người chơi

Tỷ lệ duy trì người chơi

Tỷ lệ giao dịch

Giờ chúng ta sẽ chuyển sang chủ đề yêu thích của tất cả mọi người: Tiền! Những thông số phía trên tập trung vào việc xác định mối quan hệ của bạn với người dùng, họ sử dụng ứng dụng của bạn có thường xuyên không. Nhưng có lẽ thông số quan trọng nhất đối với nhiều nhà phát triển độc lập là liệu game của họ có kiếm ra đủ tiền không?
Tỷ lệ giao dịch được xác định dựa trên phần trăm người dùng thực hiện bất cứ thanh toán nào so với tổng số người dùng trong một khoảng thời gian xác định. Ngoài ra còn có thể cộng thêm cả tỷ lệ quảng cáo trong một game miễn phí.

Khiến cho người dùng chi tiền thật ra trong một game mà họ có thể chơi hoàn toàn miễn phí là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng, cũng giống như trong nhiều ngành công nghiệp khác, những thanh toán lặp lại tạo ra phần lớn lợi nhuận trong các game miễn phí. Hãy khuyến khích người dùng thực hiện lần giao dịch đầu tiền bằng cách tung ra trước mặt họ một món hàng ảo có giá trị không tưởng.

ARPDAU

Lợi nhuận trung bình trên người dùng hoạt động hàng ngày, hay ARPDAU, là một trong những thông số được thảo luận nhiều nhất trong các game mobile. ARPDAU là một thông số hữu dụng bởi nó giúp bạn nắm bắt được tình trạng vận hành của game trên cơ sở thường nhật.

Nên theo dõi thông số này trước hoặc trong khi thực hiện những chiến dịch thu hút người dùng mới. Trước đó, đảm bảo rằng bạn nắm được ARPDAU và nhịp độ dao động bình thường của thông số này. Trong khi thực hiện chiến dịch, phân loại những người dùng mới của bạn theo nguồn và xem xem mạng hay game nào vận hành tốt nhất trong ứng dụng của bạn.

ARPPU

Lợi nhuận trung bình trên người chơi trả phí (ARPPU) chỉ theo dõi những người dùng đã thực hiện ít nhất một khoản thanh toán trong game. Thông số này có thể vô cùng đa dạng tùy thuộc vào thể loại game. Game hard core thường có những thông số thương mại hóa cao hơn như ARPPU, nhưng chúng cũng thiếu đi sức hút đối với đại chúng so với những game casual.

Tỷ lệ bỏ game

Bao nhiêu người chơi đã tải về game của bạn giờ đây không còn chơi nữa?Thông số tỷ lệ bỏ game hiệu quả nhất với mô hình kinh doanh đăng ký và sẽ có một vài điểm khác biệt nếu ứng dụng nó cho các game miễn phí.

Mối quan tâm hàng đầu là phong cách của người chơi. Với dịch vụ đăng ký, tỷ lệ bỏ game vô cùng rõ ràng, hoặc là người chơi trả tiền để tiếp tục, hoặc là họ dừng hẳn. Còn trong một game miễn phí, vài người dùng chơi nhiều lần mỗi ngày, trong khi số khác có thể chỉ vào một đến hay hai lần mỗi tuần. Để khái quát hóa những khác biệt giữa nhiều người chơi khác nhau, chúng ta sẽ xác định là họ bỏ game nếu không đăng nhập trong vòng 28 ngày liên tục.

Các thông số In-Game

Ngoài việc nắm đượcmức độ tâm huyết của người chơi, tỷ lệ duy trì và thương mại hóa, một yếu tố quan trọng khác là phải tính toán và cân bằng mảng kinh tế trong game. Nếu như quá dễ dàng để kiếm tiền ảo trong game, người chơi chẳng việc gì phải mua bán trao đổi bằng tiền thật cả. Nhưng họvẫn cần có đủ tiền tệ ảo để tận hưởng và khám phá game. Để tạo ra sự cân bằng đó, hãy lưu ý tới những thông số dưới đây.

Source, Sink và Flow

Source là nơi mà người chơi có thể kiếm được tiền ảo. Trên bảng điều khiển GameAnalytics, thông số source cho biết số tiền ảo mà người chơi đã kiếm được. Nó cũng bao gồm bất cứ khoản tiền nào mà người chơi được trao thường bởi bạn - nhà thiết kế game hào phóng.

Sink là thông số đối lập với source. Đây là nơi mà người chơi chi tiền trong game. Cả sink và source đều liên quan tới 2 dạng tiền tệ cao cấp (tiền thật) và thứ cấp (tiền ảo). Hãy tách riêng 2 dạng tiền tệ này ra trong quá trình phân tích của bạn.

Kết hợp source và sink sẽ cho bạn flow. Flow là tổng số cân bằng lượng tiền mà người chơi của bạn đã kiếm được và chi tiêu. Thông thường flow sẽ ổn định như biểu đồ dưới đây.

Source, sink và flow

Source, sink và flow

Nếu biểu đồ luôn luôn hướng lên, người chơi của bạn sẽ có quá nhiều tiền ảo và không cần thiết phải nạp tiền thật vào. Còn nếu biểu đồ hướng xuống tới 0, người chơi sẽ không có đủ nguồn lực để làm bất cứ điều gì trong game của bạn cả.

Bắt đầu, Thất bại và Hoàn thành

Cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài thông số về quá trình tiến triển. Dù các level chơi có được phân định ra rõ ràng hay không, hầu như mọi game đều có cơ chế tăng level. Thông số bắt đầu cho ta biết số lần mà người chơi khởi điểm ở một level mới.

Thông số thứ 2 là thất bại, được tính khi một người chơi bắt đầu level mới nhưng không hoàn thành nó. Cuối cùng là thông số hoàn thành thì cái tên cũng đã quá rõ ràng, được tính khi người chơi vượt qua level đó.

Ba thông số này sẽ giúp bạn hiểu rõ và thực hiện những điều chỉnh phù hợp cho từng level của game. Liệu level này đã đủ độ khó? Người chơi có bị “kẹt” bất ngờ ở một level nhất định nào? Chúng sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.

Biểu đồ 3 thông số "bắt đầu", "thật bại" và "hoàn thành"

Biểu đồ 3 thông số "bắt đầu", "thật bại" và "hoàn thành"

Không có công thức thần kỳ nào cho việc phân tích game, song những thông số trên là các số liệu vô cùng cơ bản có thể giúp bạn bắt đầu công việc quan trọng này. Phần quan trọng nhất của phân tích game mobile là bắt đầu và đặt ra các tiêu chuẩn cho riêng game của bạn. Một khi bạn nắm được các hành vi của người chơi, bạn có thể xác định được những thứ như mức độ ảnh hưởng của một bản cập nhật, hay thay đổi chiến lược thu hút người chơi mới của mình.

Theo GameAnalytics