The Long Dark: Một mình cô đơn giữa thế giới Hậu tận thế đầy khắc nghiệt

Thanh Lâm  - Theo Helino | 28/04/2018 07:33 PM

Nếu đã từng xem series truyền hình thực tế nổi tiếng Man vs Wild kể về hành trình sống sót khắc nghiệt của nhân vật chính Bear Grylls thì tựa game The Long Dark chính là trò chơi khắc họa thực tế nhất show truyền hình này. Kể về cuộc hành trình sống sót chống chọi với thiên nhiên của nhân vật chính thông qua hệ thống mô phỏng môi trường cực kỳ chân thực, The Long Dark thực sự sẽ là ác mộng đối với người chơi nào thích cảm giác sinh tồn.

Thông tin game

Thể loại: Sinh tồn

Nhà phát triển: Hinterland Studio

Ngày phát hành: 22/9/2014

Hệ máy: PlayStation 4, Xbox One, PC

Cấu hình tối thiểu

Hệ điều hành: Windows 7/8/10

CPU: Dual-Core Intel i5 CPU 2GHz trở lên

Ram: 4 GB

Card đồ hoạ: Intel 4xxx Series, 512MB VRAM

1. Cốt truyện

Như mọi tựa game sinh tồn khác, The Long Dark vẫn cho người chơi tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất, đó chính là sống thật lâu nhất có thể. Cốt truyện của tựa game này cũng đi theo những motip cũ, người chơi sẽ được đặt vào một nhân vật đã thoát khỏi cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, và cố gắng tìm cách sống sót lâu nhất có thể giữa thế giới hậu tận thế với một mùa đông vĩnh cữu. Nhưng điểm đặc biệt của trò chơi này là bạn chỉ có một mình, chính vì sự cô đơn này sẽ khiến sự khó khăn cũng như yếu tố sinh tồn khắc nghiệt của tựa game được đẩy lên cao hơn nữa.

Thực sự thì tựa game có hai cốt truyện, nếu người chơi đi theo phần chơi campaign thì người chơi sẽ vào vai một phi công trẻ và bị tai nạn máy bay trong lúc đi làm nhiệm vụ, anh ta bị kẹt giữa một vùng đất lạnh giá không bóng người và cố gắng sống sót lâu nhất để đợi đội cứu hộ đến giúp đỡ. Phần này sẽ giải thích cho bạn những sự kiện trước khi thảm kịch hạt nhân thế giới xảy ra. Tuy nhiên đa phần game thủ sẽ chọn chế dộ chơi shadbox sinh tồn tự do, vì khi đó người chơi sẽ được trải nghiệm tựa game một cách trọn vẹn hơn nhiều.

2. Lối chơi

Lối chơi của The Long Dark khá đơn giản, người chơi cũng thu nhặt nguyên liệu, thức ăn,.... để cố gắng sống sót càng lâu càng tốt. Nhưng thực sự tựa game này khác biệt với các tựa game sinh tồn cùng thể loại chính là độ khó của game. Theo thống kê thì chỉ có 1.2% lượng game thủ chơi tựa game này có thể sống sót qua con số 50 ngày. Khác với Don’t Starve hay The Forest, nguyên liệu trong tựa game này cực kỳ giới hạn. Chúng không tự sản sinh ra lại, các dụng cụ có độ bền cực thấp và vũ khí để chống lại các loại thú dữ thì tỉ lệ xuất hiện cực kỳ nhỏ. Thế nên cách sống sót hữu ích nhất trong game đó chính là di chuyển khám phá không ngừng.

Để có thể sống sót bình thường trong The Long Dark thì người chơi phải luôn để ý đến những chỉ số cơ bản của cơ thể: nhiệt độ, lượng calo tiêu thụ, lương thực dự trữ và đặc biệt thời tiết trong game. Vòng xoay ngày đêm trong game cực kỳ thực tế nên khiến cho người chơi dễ quên và rất mau mất thân nhiệt dẫn đến chết cóng vào ban đêm.

Thực sự có nhiều cách để có thể sống tốt trong tựa game này, hãy cầu may trong những chuyến di chuyển, người chơi có thể gặp một xác động vật nào đó, một ít nấm, hoặc may mắn hơn là một ít thức ăn từ những ngôi nhà hoang. Đôi khi, đến những lúc nguy hiểm, người chơi còn phải giành giật thức ăn với những thú săn mồi khác.

Nếu thực sự có thể sống sót qua những ngày đầu khó khăn, người chơi có thể tự tạo cho mình những dụng cụ cần thiết như những chiếc bẫy thỏ nhỏ, cung nỏ để săn bắn thú hoặc tự may áo quần để chống chọi lại với cái lạnh cắt da ở thế giới hậu tận thế này.

Mọi quyết định của người chơi đều mang lại một kết quả nhất định. Đó có thể là kết quả tốt cũng có thể là kết quả xấu khiến người chơi phải chơi lại từ đầu. Vì để tăng độ khó của game, nhà phát hành đã thêm vào chức năng tự động lưu, khiến một khi nhân vật của bạn chết thì đồng nghĩa với việc bạn phải chơi lại từ đầu.

Yếu tố may mắn cũng xuất hiện ở trò chơi này, nếu may mắn thì bạn sẽ tìm được những dụng cụ cần thiết như thức ăn, dao,... ở những căn nhà hoang. Hoặc nếu không may mắn như vậy, việc đụng độ những thú dữ chính là cái kết không mấy tốt đẹp cho nhân vật của chúng ta. Nhưng với kinh nghiệm nhiều lần chết, người chơi có thể theo dõi những hung thần này và kiếm được một bữa ăn nhờ thức ăn thừa của chúng.

3. Hình ảnh, âm thanh

Với phong cách đồ họa Cell shading cùng tông màu xanh trắng, tựa game đã khắc họa được thế giới khắc nghiệt và nguy hiểm của một thế giới mùa đông hậu tận thế, tuy nhiên không biết vì lý do gì, các chi tiết nhỏ trong game lại không được chăm chút khiến cho trải nghiệm người chơi không được toàn vẹn cho lắm.

Âm thanh là một điểm sáng cho game, tiếng gió vù vù qua tai mang đến cảm giác lạnh lẽo cô đơn, tiếng sói tru lên trong đêm tới khiến cho người chơi sởn gai óc trong sợ sệt, tiếng gỗ và thịt cháy lách tách tạo cảm giác ấm áp an toàn,... tất cả được làm rất tỉ mỉ chăm chút khiến cho người chơi như thực sự sống trong thế giới khắc nghiệt này vậy

4. Kết

Nếu là một người chơi muốn trải nghiệm độ khó cực hạn của tựa game này mang lại, The Long Dark chính là tựa game sinh tồn bạn nên thử. Hãy cố gắng hòa mình vào thiên nhiên khắc nghiệt và cảm nhận sự khó khăn cũng như thõa mãn khi chơi tựa game này.