Thầy ơi thầy có chơi Liên Minh không?

Nguyễn Đức Nhật  - Theo Helino | 20/01/2018 10:00 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Bài dự thi của độc giả Nguyễn Đức Nhật với tựa game Liên Minh Huyền Thoại.

Mỗi năm học mới, nhận một lớp mới, tôi đều lên lớp và hỏi học sinh là: “Năm nay thầy sẽ phụ trách dạy vật lí chúng ta, vậy bây giờ thầy sẽ dành cho các em một ít thời gian để các em hỏi bất kì thông tin gì về thầy. Thầy xin hứa sẽ trả lời một cách trung thực nhất”. Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra như là: Thầy tên gì? Thầy bao nhiêu tuổi? Thầy có người yêu chưa?... Nhưng có một câu hỏi mà chắc chắn có học sinh sẽ hỏi: “Thầy ơi thầy có chơi liên minh không?”. Đó là câu hỏi mà gần như năm nào mà tôi - người viết bài này cũng nhận được.

Thầy ơi thầy có chơi Liên Minh không? - Ảnh 1.

Những lúc như vậy, tôi chẳng đắn đo gì mà trả lời luôn: “Có chứ, thầy cũng chơi Liên Minh, mà thậm chí chơi từ mùa đầu tiên nữa cơ!”. Nhớ lại thì, tôi bắt đầu chơi Liên Minh từ khi còn trên ghế nhà trường và Liên Minh lúc đó được mọi người đánh giá là một game ăn theo DOTA. Với cỗ máy tính sẵn có và một chút vốn tiếng anh tạm tạm, tôi đã lần mò chơi ở bản Bắc Mĩ. Thú thực thì ban đầu nhìn hình nó chán chán sao ý, nhân vật trông như hoạt hình, các con tướng thời kì đó đều tạo cho tôi có cảm giác mang hơi hướng gì đó của các con tướng trong DOTA.

Với bản chất ham tìm hiểu chuyên sâu, tôi đã dành thời gian đọc hiểu toàn bộ cơ cấu game của Liên Minh mới này trong vài ngày, tìm hiểu các chiêu của tướng, dành thời gian tìm hiểu nó trên mạng thông qua những bình luận của các bạn bè quốc tế để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Càng về sau, các bản nâng cấp của game đều khiến cho các con tướng có đặc trưng hơn và dần thoát khỏi cái bóng của game DOTA ngày trước. Khi Liên Minh về Việt Nam qua kênh Garena cũng là lúc tôi đã bước chân vào cổng trường đại học, và lúc đó tôi cũng đã quyết định thôi không chơi DOTA nữa mà chuyển qua chơi Liên Minh vì ping tốt không lag, nhiều người Việt chơi, lại vì game có thời lượng thi đấu một trận ngắn hơn so với DOTA nên tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn.

Suốt những năm giảng đường đó, có nhiều em học sinh mà tôi kèm học tại nhà, cũng hỏi: “Anh ơi anh có chơi không, chơi với em nhé!” (ngày đó tôi chỉ nhận kèm học sinh nam chứ không kèm học sinh nữ vì sợ có điều tiếng gì với lại người yêu không thích). Thế là tôi cũng đều nhận lời chơi với mấy đứa em - học sinh đó. Thật kì lạ là việc này không những làm chúng học kém đi mà còn khiến các em nghe lời tôi hơn, học tập chăm chỉ hơn vì được làm cùng với người chung sở thích. Đến lúc tốt nghiệp, đi dạy tại một trường THPT, cũng những câu hỏi tương tự, và đương nhiên, để có cơ hội tìm hiểu về các em, tôi cũng nhận lời chơi với chúng nó.

Thầy ơi thầy có chơi Liên Minh không? - Ảnh 2.

Thật buồn cười khi một tháng vài lần, sau giờ học, một thầy giáo lại rẽ vào quán net ngồi với học sinh của mình để chơi Liên Minh. Lúc này, mối quan hệ thầy – trò truyền thống cũng dường như thu hẹp lại, thầy trò chung chiến tuyến tạo thành một đội hình đầy đủ thậm chí là rất "hổ báo". Có trận thì thầy là vị cứu tinh cho bọn học sinh mới tập chơi, có trận học sinh hành thầy lên bờ xuống ruộng xong cứ cười hố hố nhí nhố vô cùng làm thầy cũng hơi cáu một chút. Nhưng rồi sau những trận đấu vui vẻ như vậy, khi quay lại lớp học, các em dường như quý mình hơn hẳn, chúng sẵn sàng chia sẻ những cảm giác của chúng trong việc học tập cũng như trong cuộc sống.

Tôi cũng dần dần nắm được quy luật của các em, tôi biết giờ chơi của từng đứa để tiện nhắc nhở. Nhiều khi, có học sinh ham chơi quá đi học muộn hay nghỉ học tôi đều biết chúng nó chơi ở đâu, đến tận quán tìm gọi về học. Lúc đó tôi thường không quở trách chúng nặng nề mà chỉ khuyên bảo rằng thầy cũng chơi với các em cơ mà, lúc nào học ra học còn chơi thì thầy ra chơi cùng cho vui chứ chơi một mình vui sao được. Thế là, gần như những học sinh tôi chơi cùng đều rất nghe lời và không tái phạm nữa. Nhiều lúc rơi phải tình huống khó khi mà phụ huynh biết tôi chơi cùng các em, họ gọi điện trách tôi là tại sao lại chơi cùng con em họ, làm hư chúng. Nhưng tôi luôn quả quyết rằng việc làm của tôi để dễ dàng hiểu các em, đi kèm với đó là một lời hứa chắc chắn với các phụ huynh rằng tôi sẽ làm cho con em họ khá lên chứ không làm hư chúng.

Thầy ơi thầy có chơi Liên Minh không? - Ảnh 3.

Ba năm đầu đi dạy học với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp giờ nay đều đã có việc làm ổn định, có những em có công việc và thu nhập rất khá, đến những ngày chúng được về thăm trường hay ngày lễ đều đến thăm. Thầy trò lại chuyện trò những câu chuyện vui vẻ về đời sống, công việc của từng đứa, và đương nhiên, cả những câu chuyện khi mà thầy trò còn “chinh chiến” cùng nhau. Có em học sinh còn nói với tôi với cả thái độ trân trọng: “Ngày đó thầy không gọi em từ quán nét về chắc em không được như hôm nay đâu thầy ạ”. Những câu chuyện đó tôi dám chắc chắn rằng không nhiều người thầy người cô được như vậy.

Trong đầu tôi có chút tự hào vì biết cách làm của mình là đúng đắn, chơi cùng học sinh không phải là xấu, đó là cách hữu hiệu nhất để tìm ra sự đồng cảm giữa người thầy và người trò, điều mà nhiều thầy cô khác có khi phải rất vất vả mới có thể tìm được. Đến nay, đã có ít nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, học sinh mới vẫn hỏi thầy khi mới nhận lớp: “Thầy ơi thầy có chơi Liên Minh không?”. Tôi vẫn đều trả lời với một nụ cười và thái độ rất trung thực: “Có, thầy có chơi, thậm chí thầy còn giỏi hơn các em đó chứ”. Các em khi nghe câu trả lời đó thường cười ồ lên vì khoái trí, vì gặp người cũng biết chơi như tụi nó. Còn với tôi, câu trả lời đó là sự khởi đầu cho một chặng đường mới khi mà người thầy – người trò đồng hành trong cả việc học tập cũng như cuộc sống. Thân gửi các học trò năm cũ - 20/01/2018

Để tham gia cuộc thi Cây Bút Vàng, các bạn hãy gửi bài viết về hòm thư info@gamek.vn.

Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY.

Cùng đọc các bài dự thi khác của Cây bút vàng 2018 tại ĐÂY.