Tại sao “Dunkirk” lại là một bom tấn khác biệt nhất của Christopher Nolan?

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/07/2017 11:38 AM

Bom tấn "Dunkirk" là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt đến từ Christopher Nolan.

Với sự thành công của hàng loạt các phim như Inception (2010), Interstellar (2014), Memento (2000) hay trilogy về Kị Sỹ Bóng Đêm, đạo diễn Christopher Nolan đã để lại dấu ấn cực mạnh trong lòng khán giả. Vì thế, Dunkirk từ trước lúc công chiếu đã được số đông đón nhận. Tuy nhiên, Dunkirk hoàn toàn làm các fan đạo diễn Christopher Nolan bất ngờ trước sự khác biệt to lớn so với các tác phẩm trước.

Vậy những dấu ấn nào đã góp phần tạo nên điểm khác biệt ấy?

Câu chuyện “Dunkirk” thuộc mảng đề tài phim “khó nuốt”: Chiến tranh lịch sử

Các tác phẩm trước đây, tiêu biểu như Interstellar (2014), đều xoay quanh dạng phim viễn tưởng, siêu nhiên xen lẫn chút sắc màu huyền ảo. Ngược lại, Dunkirk lấy nền tảng dựa trên mốc sự kiện có thật: trận chiến Dunkirk, một trận đánh quan trọng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Christopher Nolan cũng khẳng định rằng Dunkirk dù lấy bối cảnh từ chiến tranh, nhưng đây không phải là phim chiến đấu, thay vào đó là câu chuyện về sự sống còn. Ông muốn khán giả cảm nhận được sự khốc liệt từ một cuộc chiến thật, nhưng không có quá nhiều cảnh giết chóc.

Một câu chuyện được tạo nên từ ba mảnh ghép riêng lẻ

Đây chắc chắn là điểm nhấn lớn nhất tách biệt Dunkirk với các phim trước đây. Tác phẩm không còn gói gọn trong một nhóm hành động chính, mà đến từ ba câu chuyện khác nhau tạo bởi ba nhóm người trong ba hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều xoay quanh một sự kiện chính. Họ cũng không phải siêu anh hùng, mà chỉ là những người lính, các viên phi công chiến đấu và dân thường người Anh.


3 câu chuyện đan xen được kể xuyên suốt trong Dunkirk

3 câu chuyện đan xen được kể xuyên suốt trong "Dunkirk"

Thú vị hơn, mỗi nhóm nhân vật được xây dựng trên những khung thời gian giới hạn riêng, Nolan cũng từng nói: “Trên dất liền, các đoàn lính mắc kẹt gần một tuần. Trên biển, sự kiện này hầu như kéo dài được vài ngày. Đối với cuộc chiến trên bầu trời, các phi cơ chỉ có thế hoạt động trong vài giờ”.

Không “hack” não, Dunkirk tập trung vào cảm giác thực tế

Nhắc về đứa con tinh thần mới nhất của mình, Christopher Nolan có lúc đã trải lòng: “Khi nhìn thấy cảnh máy bay chiến đấu được làm bằng đồ họa máy tính, tôi luôn khát khao được phá vỡ giới hạn. Nhưng, chúng tôi muốn quay về những quy tắc cơ bản nhất, tôi nói rằng ‘Được, vậy hãy quay một chiếc Spitfires thật, hãy lấy một chiếc Messerschmitts thật, cho chúng bay lên trời và thực hiện những cảnh quay đó’. Chúng tôi thật sự muốn truyền tải đến khán giả sự khó khăn khi phải ở trên trời, bị nhốt trong không gian kín, sự nguy hiểm ấy”.


Đạo diễn Christopher Nolan (Trái) trên phim trường Dunkirk

Đạo diễn Christopher Nolan (Trái) trên phim trường "Dunkirk"

Căng thẳng và hối hả, đó chính là nhịp điệu Nolan nhắm tới. Xuyên suốt toàn bộ thời gian của phim, đạo diễn người Anh khiến người xem “cảm” được mạch cảm xúc, nhịp điệu của sự kiện diễn ra, để từ đó họ có thể đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện.

Đừng trông mong vào những đoạn hồi tưởng

Dunkirk trong định hình suy nghĩ của Christopher Nolan là một bộ phim mang tính chất tường thuật hiện thực, nghĩa là chúng ta chỉ tìm hiểu về nhân vật thông qua mốc thời gian thực mà không có bất kì đoạn hồi tưởng nào. Nhìn lại từ những bộ phim trước, các nhân vật của ông đều có một quá khứ rõ ràng, có lúc còn là những ký ức phức tạp đan chồng lấy nhau. Nhưng Dunkirk thì không như thế.

Ông phát biểu rằng: “Thách thức khi thực hiện dạng phim tường thuật này, đó là nhân vật không thể hiện cho khán giả thông qua những việc họ đã làm. Chúng ta, những người xem, phải sống và trải nghiệm cùng nhân vật trong khoảng thời gian hiện tại, bằng chính đôi mắt của họ.”

75% cảnh phim đều được thực hiện bằng IMAX

Christopher Nolan sử dụng máy quay IMAX 65mm làm đạo cụ chính cho Dunkirk. Theo trang Total Film, xấp xỉ 75% cảnh phim đều được quay bằng máy quay IMAX, nhiều hơn hẳn so với các tác phẩm khác của anh.

Máy quay IMAX thường phát ra tiếng động rất ồn, nên Nolan chỉ sử dụng được cho các cảnh hành động là chủ yếu. Ngược lại, Dunkrik không có quá nhiều mẫu đối thoại đã giúp anh tận dụng được công nghệ quay tân tiến này nhiều hơn bao giờ hết.

Dunkirk không hẳn là bộ phim xuất sắc nhất trong tuyển tập của đạo diễn Christopher Nolan. Nhưng trên hết, tác phẩm đủ can đảm để đứng độc lập và khẳng định tính độc đáo của nó so với các phim cùng chủ đề, giống như mong muốn của Nolan khi anh phát biểu trên TimeOut: “Tôi muốn cuộc đua của riêng mình. Tôi có niềm tin rằng khán giả có thể đánh giá một bộ phim bằng tất cả những gì nó thể hiện”.