Có thể nói 2018 chính là một năm bản lề của làng stream Việt với rất nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Vui có, buồn có, tai tiếng cũng nhiều mà những điều tích cực cũng không ít. Tuy niên, khi tổng kết lại, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tuy vẫn còn khá mới mẻ nhưng lại tương đối tiềm năng này.


Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 1.

Có thể nói 2018 chính là một năm bản lề của làng stream Việt với rất nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Vui có, buồn có, tai tiếng cũng nhiều mà những điều tích cực cũng không ít. Tuy niên, khi tổng kết lại, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tuy vẫn còn khá mới mẻ nhưng lại tương đối tiềm năng này.

Để làm rõ cụm từ "phát triển vượt bậc", hãy cùng lật lại quá khứ và nhìn về làng streamer vài năm về trước. Ở thời điểm đó, chỉ riêng thuật ngữ "streamer" vẫn còn là một thứ gì đó khá xa lạ với cộng đồng game tại Việt Nam. Chẳng nhiều người hiểu thế nào là streamer. Với họ, việc ngồi trước màn hình máy tính và lải nhải một mình cả ngày giống với một thành phần tự kỷ hơn là công việc hái ra tiền.

Thậm chí, ngay cả các streamer đình đám hiện nay như Viruss hay Pewpew cũng chẳng có tí khái niệm gì về streamer thời bấy giờ. Vài năm trước, Viruss vẫn là tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp, trong khi Pewpew thì được cộng đồng biết tới với cái mác "caster" của bộ môn DOTA 2. Xin nhắc lại, caster chứ không phải streamer vì ở lúc ấy, nào ai đã hiểu streamer là gì, làm sao một streamer có thể kiếm ra tiền.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 2.

Hình ảnh chàng Streamer đa tài Viruss nhận giải thưởng danh giá tại WeChoice Awards 2018

Và dần dần, khái niệm streamer ở Việt Nam bắt đầu được định hình dù rằng vẫn còn rất mơ hồ. Ban đầu, đa phần tất cả đều lựa chọn Talktv – nền tảng phát sóng gần như là duy nhất ở thời điểm ấy để phát triển. Đây cũng là bước đệm để những cái tên đời đầu như Viruss, Pewpew dò dẫm những bước đi chập chững đầu tiên trong sự nghiệp streamer của mình.

Cũng chính họ, những người đã bất chấp tất cả, từ những khó khăn về công nghệ truyền phát lạc hậu, thô sơ cho tới bài toán cơm áo gạo tiền muôn thưở để đặt những viên gạch nền móng cho sự phát triển của làng streamer nước ta.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 3.

Chắc chắn 2018 sẽ là một năm không thể nào quên với làng streamer Việt. Chẳng quá nếu nói rằng nó hội tụ đủ mọi yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" và khiến cho nền công nghiệp streamer không thể không phát triển.

Đầu tiên phải kể tới các tác động khách quan từ bên ngoài. Đó là khi mà thế giới bắt đầu nhận ra sự màu mỡ từ eSports – một nền công nghiệp mới nổi và ước tính sẽ sớm đạt giá trị 1 tỷ đô trong tương lai gần. Để rồi từ chỗ phải chạy vạy đi xin tài trợ, các đội tuyển eSports chuyên nghiệp bắt đầu trở thành công cụ quảng cáo và sinh lời không thua kém gì các môn thể thao truyền thống. Nhiều đại gia tinh đời bắt đầu vung tiền vào eSports như cách mà đội tuyển bóng đá nổi tiếng PSG rót vốn vào LGD.Gaming – thương hiệu lâu đời của người Trung Quốc hay như đội tuyển Schalke 04 của bộ môn LMHT.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 4.

Và như một lẽ đương nhiên, eSports phát triển cũng kéo theo sự bùng nổ của làng streamer trên toàn thế giới. Đó là còn chưa kể tới, 2018 có thể coi là một năm mà trào lưu "Battle Royale" – hay gọi đơn giản là các tựa game theo phong cách sinh tồn phủ sóng cả địa cầu. PUBG, Fortnite rồi Call of Duty: Black Out trở thành những cái tên đình đám và thu hút lượng người chơi đông đảo.

Các phiên bản trên Mobile hay XBOX, Play Station của những trò chơi này cũng trở thành những con gà đẻ trứng vàng cho các nhà phát hành. Phong cách chơi một mình chống lại thế giới, cùng sự mới lạ và thú vị trong từng game đấu khiến cho dòng game này nhanh chóng trở thành trend và có phần lấn át các tựa game MOBA cũ kỹ như LMHT hay DOTA 2. Và khi mà sức hấp dẫn là quá lớn, bên cạnh nhu cầu được trải nghiệm, người chơi cũng đồng thời cảm thấy thích thú khi được xem những streamer tài ba chơi các tựa game yêu thích của mình. Đó cũng là lúc mà một thế hệ streamer nổi tiếng ra đời.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 5.

PUBG, tựa game đi đầu cho làn sóng "Battle Royale" càn quét khắp thế giới

Trước khi Fortnite ra mắt, mấy người biết tới Ninja là ai. Còn bây giờ, anh chàng đã trở thành streamer số 1 trên Twitch. Tương tự như vậy là Shroud. Dù từng gây bão với kỹ năng thượng thừa khi còn khoác áo Cloud9 thi đấu CS:GO thật đấy, nhưng tên tuổi của anh cũng chỉ phủ sóng toàn cầu kể từ khi chuyển sang nghiệp streamer và gắn bó với PUBG. Dr Disrespect cũng thế.

Nước ngoài là vậy, còn ở Việt Nam, dễ dàng nhận ra vô vàn trường hợp tương đồng. Mixi Gaming từng là cái tên khá nổi trong cộng đồng CS:GO, nhưng để nói về độ phủ sóng thì rõ ràng anh chàng chẳng bao giờ có thể sánh được với Pewpew hay Viruss lúc bấy giờ. Nhưng rồi sao, nhờ có PUBG, Mixi Gaming giờ cũng đã trở thành một trong những streamer hàng đầu của Việt Nam. Rồi còn đó là vô vàn những cái tên streamer nổi tiếng bây giờ như Tik, Windy, Mèo Ú hay Rambo, liệu có ai biết tới họ nếu như PUBG không tồn tại.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 6.

Streamer Độ Mixi cùng Refund Gaming từng khiến cả cộng đồng PUBG Việt Nam tự hào trong giải đấu Chung kết Thế giới

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 7.

Xin nhắc lại, khi mà tất cả nhận ra streamer đang là xu hướng mới của thời đại, sự cạnh tranh bắt đầu nổ ra. Nếu như trước đây, khi nhắc tới livestream, đa phần chúng ta thường chỉ nghĩ ngay tới những nền tảng như Youtube hay Twitch thì nay, lợi nhuận màu mỡ từ streamer đã kéo theo sự ra đời của vô số nền tảng phát sóng khác.

Facebook tuy đi sau nhưng cũng thừa khôn ngoan với những toan tính thực dụng của mình cho nền tảng livestream. Đầu tiên, họ tận dụng nguồn lực tài chính để thu hút các streamer nổi tiếng bằng thù lao cực kỳ hậu hĩnh, sau đó tạo ra các thương hiệu stream độc quyền trên nền tảng của mình. Và với thương hiệu mạnh mẽ cùng lượng người dùng đông đảo, không khó để nền tảng livestream của Facebook đạt được những bước tiến thần tốc, trở thành đối thủ xứng tầm của những "tiền bối" như Youtube hay Twitch.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 8.

Ngày nay, rất nhiều nền tảng Stream đã được ra đời

Nếu là một người quan tâm tới làng streamer Việt, bạn có thể thấy, bên cạnh Facebook, năm 2018 còn chứng kiến sự ra đời của khá nhiều nền tảng truyền phát khác như Nimo TV, Cube TV… Và sự cạnh tranh này, đương nhiên cũng dẫn tới sự cạnh tranh về các chế độ, thù lao để thu hút các streamer. Điều này chắc chắn mang tới nhiều lợi ích hơn cho những streamer và cho làng stream Việt.

Và chẳng thiếu những dẫn chứng cho thấy thu nhập của các streamer Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. 2018 cũng là năm đánh đấu khá nhiều cột mốc cá nhân đối với nhiều cái tên nổi tiếng. Khi mà cộng đồng mạng vẫn đang xôn xao với việc Uyên Pu tậu xế hộp 4 bánh thì tiếp đó, Linh Ngọc Đàm lại nhanh chóng khoe ảnh sổ đỏ "căn hộ chính chủ" của mình. Ngay cả Chim Sẻ Đi Nắng, Thần đồng AOE của GTV cũng khoe hình bốn bánh khủng trong những ngày cuối năm. Mới đây nhất, Hot Streamer Quang Cuốn đã "thưởng" cho mình xế hộp Madza CX 5 vì những thành quả đạt được trong năm 2018 cũng như sẵn sàng bước vào chinh phục mục tiêu mới trong năm 2019.

Nào chỉ có nhà xe, 2018 còn là năm chứng kiến một loạt những streamer có tiếng của Việt Nam rót vốn, đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh và trở thành "ông chủ lớn". Đầu tiên là shop TTG của "boss cuối" Dũng CT, quán trà sữa The Alley của Xemesis cho tới tiệm bánh mỳ của Pewpew và gần đây nhất là Cafegame của Viruss.

Đó là còn chưa kể sang năm 2019, Pewpew còn ấp ủ kế hoạch mở rộng quán bánh mỳ với các cơ sở 2,3 ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, trong khi Độ Mixi thì cũng đang triển khai kế hoạch ra mắt quán café mobile game của bản thân. Chỉ từng đó thôi có lẽ cũng đủ để chứng minh tiềm lực kinh tế hùng hậu của giới streamer Việt Nam rồi.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 10.

Phát triển vượt bậc là thế, nhưng không thể phủ nhận rằng 2018 cũng là một năm đánh dấu khá nhiều tai tiếng trong làng streamer Việt, đặc biệt là với các cô nàng streamer xinh đẹp.

Kiều Anh Hera chắc chắn là một trong những cái tên không thể không nhắc tới. Cô nàng streamer từng một thời khá hot này tiếp tục trở thành nhân vật nổi bật của năm sau vụ scandal bị bạn trai cũ tố ngoại tình với 7 người đàn ông khác nhau trong quãng thời gian yêu đương của cặp đôi. Câu chuyện thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng, tốn nhiều giấy mực của báo chí tới mức mà tên của cô nàng thậm chí còn trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất lúc bấy giờ.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 11.

Sau những scandal trong năm 2018, Kiều Anh Hera giờ đã trở lại và xinh đẹp bội phần

Và lại tiếp tục là Kiều Anh Hera gây bão khi những hình ảnh có phần già nua và xấu xí hậu phẫu thuật thẩm mỹ của cô nàng bị lộ ra. Nhiều người cho rằng đó là cách mà Kiều Anh lái dư luận chú ý tới mình với mục đích trở nên nổi tiếng. Nhưng chắc chắn, nổi tiếng theo cách này thì không phải là một ý hay và sau đó, Kiều Anh cũng ít xuất hiện dần và gần như rơi vào quên lãng. Để rồi khi nhắc lại cái tên Kiều Anh Hera, có lẽ tất cả đều chỉ nhớ ngay tới những scandal mà cô nàng vướng phải, thay vì với tư cách là một streamer xinh đẹp, tài năng như đã từng.

Mà năm 2018 nào chỉ có mỗi Kiều Anh Hera, 4 tháng sau, Thanh Hằng Richoco cũng bị tố cắm sừng lên đầu bạn trai. Và đỉnh điểm là ở những tháng cuối năm, vụ việc ồn ào bị bạn trai cũ phát tán ảnh nóng của Lai Lai được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Tất cả những scandal kể trên đều đã góp phần khiến cho bức tranh của giới streamer tại Việt Nam thêm phần drama, thu hút nhiều lượt quan tâm nhưng đồng thời cũng trở nên tiêu cực hơn trong con mắt của nhiều người

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 12.

Và với sự phát triển như hiện nay, không lạ khi ngày càng có nhiều bạn trẻ quyết tâm cũng như có dự định theo đuổi sự nghiệp streamer. Thế nhưng, tạm gạt qua bức tranh màu hồng về mức thu nhập trên mây hay được thỏa mãn đam mê đơn giản là chơi game mà vẫn có tiền, cuộc sống của một streamer liệu có dễ dàng và trải đầy hoa như nhiều người vẫn tưởng.

Tất nhiên là không rồi. Thứ gì cũng cần phải có sự đánh đổi. Và đôi khi, cái giá của danh vọng, tiền tài hay những hào quang của giới streamer Việt cũng khá đắt đấy. Hãy cứ nhìn vào ví dụ từ những streamer tên tuổi nhất.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 13.

Độ Mixi từng thấp thỏm vì bản thân và gia đình có thể bị "trêu" bất cứ lúc nào

Độ Mixi nổi tiếng là vậy, nhưng rồi chỉ một phút giây vô tình để lộ thông tin cá nhân trên Facebook thôi, anh chàng cũng đã phải trải qua những ngày tháng bức bối, căng thẳng và mệt mỏi do sự vô ý thức của một bộ phận cộng đồng mạng. Đó là khi mà Mixi Gaming phải nhận những cuộc gọi nặc danh lúc nửa đêm, tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm khi chuông cửa có thể bị bấm "trêu" bất cứ lúc nào. Hay đó còn là lúc mà Facebook của anh chàng bất ngờ bị hack, và sau đó phải tìm đủ mọi cách, tốn nhiều thời gian và công sức mới có thể lấy lại được. Gần đây nhất thì là vụ suýt bị cấm vĩnh viễn kênh Youtube vì vi phạm vấn đề bản quyền.

Câu chuyện kể trên chỉ là dẫn chứng cho việc khi là một streamer và có lượng khán giả ổn định, được chú ý, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của bản thân có khá nhiều thay đổi. Ừ thì cứ cho là thu nhập tốt lên đi, nhưng liệu bạn đã sẵn sàng để trở thành tâm điểm và đón nhận những đánh giá khắt khe từ cộng đồng mạng chỉ qua môt vài hành động tưởng như rất nhỏ nhặt chưa.

Nếu như ví dụ về Độ Mixi là chưa đủ thì hãy cứ nhìn vào cách mà quán bánh mỳ của Pewpew gánh chịu không ít thị phi ngay khi vừa mở cửa. Hết bị cho là bánh mỳ bán chạy chỉ vì có fame, Pewpew lại tiếp tục bị chỉ trích khi nhiều ý kiến cho rằng bánh mỳ có giá từ 25.000 – 35.000 là quá đắt. Tất nhiên, đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào cảm nhận và đánh giá của từng người, nhưng chỉ một câu nói vu vơ thôi cũng đủ để làm dậy sóng và tạo ra cả một "hội nghị" tranh luận, phán xét giá bánh mỳ của Pewpew.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 14.

Hot Streamer ViruSs ủng hộ quán bánh mì của người bạn thân Pewpew

Hay như cái cách mà các fan hâm mộ cứ tìm cách gán đôi cho Pew và Misthy, tới mức mà anh chàng này phải lên tiếng "vui thôi đừng vui quá" và thừa nhận rằng áp lực từ các fan khiến cho giờ đây làm việc chứ chưa nói đi chơi cùng Misthy cũng sẽ cảm thấy ngại ngùng. Luôn là tâm điểm và sẽ bị phán xét, đánh giá mọi lúc mọi nơi bởi những con người chẳng hề quen biết, bạn đã chuẩn bị chưa?

Và đó còn là sự xáo trộn về mặt thời gian, đồng hồ sinh học nữa. Nên nhớ, là một streamer, bạn có trách nhiệm phải phục vụ khán giả. Thế nên, khi người xem nghỉ ngơi cũng là lúc mà bạn phải lên sóng. Stream đêm hôm liên tục trong nhiều ngày, nhiều giờ chắc chắn là thử thách không nhỏ với bất kỳ streamer tập sự nào. Bạn đã sẵn sàng với thử thách về sức bền?

Mà đó là còn chưa nói tới sự cạnh tranh vốn đang vô cùng khốc liệt giữa bản thân các streamer với nhau nữa. Đương nhiên, thước đo đánh giá sự thành công của các streamer chủ yếu dựa trên lượng view mỗi lần họ lên sóng. Và liệu bạn có chắc, người xem sẽ mãi mãi trung thành với kênh của mình. Khó lắm, nếu như bạn không đầu tư thời gian, công sức, liên tục sáng tạo, làm mới nội dung kênh để tránh đi sự nhàm chán cho viewer.

Tới đây, câu chuyện về tính ổn định lại một lần nữa được mang ra bàn luận. Sẽ chẳng ai dám chắc nếu một ngày, PUBG bị game thủ Việt Nam quay lưng, số phận của những streamer nổi lên nhờ tựa game này sẽ ra sao. Tụt dốc thảm hại hay chuyển sang trào lưu mới và liên tục lặp lại điều này như một vòng xoáy. Khó nói lắm vì chẳng ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao, thế nên dù không thể phủ nhận rằng streamer đang là một trong những xu hướng của thời đại, nhưng hãy cứ cân nhắc thật kỹ nếu như bạn đang có dự định trở thành một streamer trong tương lai nhé.

Đó là còn chưa kể, sau khi đã đủ sức cạnh tranh, một số nền tảng như Facebook bắt đầu thắt chặt chính sách stream của mình, không còn hào phóng và rộng rãi như trước. Nên nhớ rằng không phải ngẫu nhiên mà các streamer sau khi có tiếng tăm như Pewpew, Viruss hay Mixi Gaming đều dần chuyển hướng sang các mảng khác như kinh doanh, đóng phim, quảng cáo, tham gia sự kiện, chương trình thay vì chỉ chuyên stream như trước.

Như đã nói ở trên, nếu chỉ nhìn vào bề nổi, vào những ánh hào quang danh vọng, nhiều người sẽ nghĩ rằng streamer đơn giản chỉ là một nghề việc nhẹ lương cao dễ nổi tiếng. Nhưng đằng sau đó, liệu có bao nhiêu người thấu hiểu được nỗi khổ hay những cố gắng, nỗ lực để những Viruss, Pewpew có được thành công như ngày hôm nay.

Streamer Việt Nam – Hành trình phát triển từ khái niệm mơ hồ cho tới nền công nghiệp đầy tiềm năng - Ảnh 16.

Đằng sau những thành công, liệu có bao nhiêu người thấu hiểu được nỗi khổ hay những cố gắng, nỗ lực để những Viruss, Pewpew có được thành công như ngày hôm nay?

Quãng thời gian ngồi net stream, đi ship đồ ăn để mưu sinh của Viruss hay thời điểm mà Pewpew chấp nhận bỏ lại tất cả, tấm bằng đại học cho tới việc rời xa gia đình để Nam tiến lập nghiệp liệu có đượcc nhiều người nhớ tới. Hay thứ họ nhìn thấy chỉ là những thành công ở thời điểm hiện tại.

Ở đâu và làm gì cũng vậy thôi, nếu bạn không cố gắng, thành công sẽ mãi mãi chẳng bao giờ tới. Thế nên, nếu thật sự đam mê, muốn gắn bó và theo đuổi nghiệp streamer, hãy nỗ lực hết sức và bắt đầu từ những điều nhỏ nhất ngay ở thời điểm hiện tại.

Mặt Trứng
Dũng Bùi
Theo Helino12/3/2019