Sở hữu chiêu cuối chẳng gây ra 1 damage nào, thế nhưng những vị tướng này vẫn là "ông trùm" giao tranh trong LMHT

Zed  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/03/2017 11:40 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Không gây sát thương nhưng chiều cuối của những vị tướng dưới đây vẫn quyết định lớn đến cục diện trong giao tranh.

Ngoại trừ một số vị tướng chuyển dạng chiến đấu như Jayce, Elise, Nidalee,… thì chiêu cuối luôn là chiêu thức mạnh và quan trọng nhất trong bộ kỹ năng của bất cứ vị tướng nào trong Liên Minh Huyền Thoại. 134 vị tướng là 134 chiêu cuối đa dạng, muôn hình muôn vẻ. Trong bài viết lần này, hãy cùng đến với Top 5 vị tướng sở hữu chiêu cuối chẳng cần gây sát thương vẫn tạo ảnh hưởng cực lớn trong giao tranh.

Janna

Janna, quân bài hỗ trợ có lối chơi truyền thống, sở hữu bộ kỹ năng thiên về bảo kê chủ lực cực tốt. Với chiêu E Mắt Bão tạo lớp khiên giúp chống chịu lẫn tăng sát thương vật lý, W Gió Tây làm chậm chọn mục tiêu và Q Gió Lốc hất tung diện rộng, tướng chủ lực dưới sự bảo kê của Janna như hổ mọc thêm cánh.

Chưa hết, cô nàng Cơn Thịnh Nộ Của Bão Tố còn chiêu cuối Gió Mùa rất bá đạo. Không gây chút sát thương nào nhưng khả năng hồi máu trên diện rộng cho đồng minh và hất văng kẻ địch xung quanh cho phép Janna tạo ảnh hưởng lớn trong giao tranh. Thường sử dụng để bảo kê chủ lực, hồi máu cho tuyến sau trước những kẻ hung hăng lao vào.

Cũng có thể luồn ra đằng sau hoặc kết hợp Tốc Biến + chiêu cuối hất mục tiêu yếu máu về để đồng đội làm thịt. Janna sử dụng hợp lý trong giao tranh thì cả team hưởng lợi rất nhiều nhưng cũng cần cân nhắc, tính toán thật kỹ vì Gió Mùa là chiêu thức rất dễ bóp đồng đội với những pha hất văng đối phương đôi khi bay tới vị trí không mong muốn.

Kindred

Kindred có lẽ thuộc nhóm tướng đi rừng giàu sát thương bậc nhất trong Liên Minh Huyền Thoại. Đòn bắn tay chất lượng, cơ động cao, thêm khả năng gia tăng sức mạnh vô hạn từ những điểm Đồng Nguyên Ấn săn được. Kindred đang outmeta nặng nề nhưng đây vẫn là quân bài có tiềm năng gánh đội rất cao với lượng sát thương dồi dào sở hữu.

Kindred không chỉ là vị tướng chỉ có sát thương, cô nàng Thợ Săn Vĩnh Hằng còn có thể đóng góp cho đội chiêu cuối Cừu Cứu Sinh gây đột biến rất mạnh trong giao tranh. Tạo một vùng rộng lớn ngăn lượng máu tất cả đơn vị trong đó, bao gồm cả đồng minh lẫn kẻ địch bị hạ xuống dưới mức 10% trong 3s. Hồi máu cho mọi đơn vị khi kết thúc hiệu ứng.

Công cụ để cò quay trong những pha tay đôi, câu kéo giao tranh, tổ chức băng trụ hay cứu đồng đội hoặc chính bản thân khi bị dồn sát thương rất hay. Quá nhiều tình huống lật kèo giao tranh không tưởng đã được thực hiện trên Đấu Trường Công Lý khởi đầu với một pha sử dụng Cừu Cứu Sinh hợp lý của Kindred.

Taric

Taric là vị tướng hỗ trợ có lối chơi khá đặc biệt, rất cứng cáp, trâu bò nhưng lại chơi thiên về bảo kê chủ lực chứ không quá mạnh trong khoản tấn công, mở giao tranh. Taric rất phụ thuộc vào sự ăn ý với đồng đội mới đạt được hiệu quả. Cần sự tương tác tốt xoay quanh chiêu W Pháo Đài Kiên Cố để bộ kỹ năng với độ hồi phục, tạo giáp và làm choáng bất ngờ của Taric phát huy công dụng.

Ngoài ra nhắc đến Taric giờ đây không thể bỏ qua chiêu cuối Vũ Trụ Rạng Ngời đã làm nên thương hiệu. Chiêu thức tạo một vùng năng lượng kích hoạt sau 2,5s, đưa đồng đội đứng trong đó vào trạng thái miễn nhiễm sát thương trong 2,5s rõ ràng là vô cùng bá đạo. Kết hợp cùng W Pháo Đài Kiên Cố thì Taric có thể tạo ra tới 2 vùng chiêu cuối, đưa cả đội hình vào trạng thái bất tử.

Thử tưởng tượng hàng trên đội hình với những tanker trâu bò càn lướt không cần đắn đo về sát thương, hàng sau với dàn chủ lực cũng thoải mái xả sát thương vào đối thủ mà không cần quan tâm việc bị đe dọa. Gần như không thể thua giao tranh nếu Taric dùng chiêu cuối đẹp trên cả 5 thành viên.

Bard

Taric có bộ kỹ năng khá thú vị nhưng công bằng mà nói giai đoạn đi đường của vị tướng này khá nhàm chán khi bộ kỹ năng không cho phép Taric tạo quá nhiều đột biến đầu trận. Bard thì khác, trận đấu với Ông Bụt Vũ Trụ luôn cực kỳ sinh động từ đầu đến cuối với lối chơi độc đáo, đòi hỏi người chơi cần kỹ năng cao, động não, sáng tạo liên tục để tạo ảnh hưởng.

Chơi Bard cần tính toán di chuyển hợp lý để vừa nhặt chuông gia tăng sức mạnh, kiểm soát bản đồ hoặc tiện thể thiết lập những pha gank ở vị trí bất ngờ bằng E Hành Trình Kỳ Diệu. Chiêu Q Mắt Xích Không Gian cũng cần sử dụng thật chính xác mới làm choáng được mục tiêu. Tuy nhiên chiêu thức tốn nhiều nơ ron thần kinh nhất khi dùng của Bard chắc chắn là chiêu cuối Thiên Mệnh Khả Biến.

Khả năng đưa tất cả đơn vị (đồng minh, kẻ địch, trụ, lính, Baron,…) trong vùng ảnh hưởng vào trạng thái ngưng đọng trong 2,5s là con dao hai lưỡi thực sự. Hoặc là Bard sẽ thiết kế 1 giao tranh đẹp như mơ cho cả đội với một pha “Đồng Hồ Cát” những mục tiêu quan trọng, hoặc sẽ tạo ra tình huống dở khóc dở cười khi ném chiêu cuối sai chỗ. Hỗ trợ gánh team đích thực nhưng cũng có thể trở thành kẻ bóp team đáng ghét nếu sơ sẩy.

Ryze

Vị tướng luôn ám ánh mỗi giấc ngủ của đội ngũ cân bằng game Riot Games là cái tên cuối cùng. Đợt làm lại thứ 2 trong 2 năm liên tiếp của Ryze xem chừng chưa đủ khiến vị tướng này trở về trạng thái cân bằng khi đây vẫn là lựa chọn cực mạnh ở đường giữa trong mọi meta. Tuy vậy thì cũng có vài điểm tích cực trong đợt làm lại, chiêu cuối Vòng Xoáy Không Gian là điểm sáng lớn.

Tạo ra một cổng dịch chuyển, sau vài giây mang theo tất cả đơn vị đồng minh đứng trong chiêu cuối đến vị trí chỉ định. Tầm sử dụng khá ngắn nên Vòng Xoáy Không Gian chỉ cải thiện đôi chút độ cơ động của Ryze, sức mạnh của chiêu thức này nằm ở độ đa dụng tuyệt vời.

Công cụ để Ryze ép góc, truy đuổi, bỏ trốn hữu ích. Cao siêu hơn là kết hợp với đồng đội, đưa những vị tướng cần tiếp cận như Maokai, Kennen vào giữa đội hình đối thủ trong giao tranh hoặc mang cả đợt lính đi theo để thực hiện những pha công trụ bất ngờ. Quá nhiều công dụng, thiên biến vạn hóa thích nghi với mọi tình huống. Rất hay nhưng có thể nói chiêu cuối đa dụng này lại góp phần khiến Ryze thêm bá đạo, công cuộc cân bằng gã Pháp Sư Cổ Ngũ càng thêm khó khăn.