Sau 12 năm, con số mà hàng triệu game thủ vẫn canh cánh khi chơi game đã không còn ý nghĩa

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/10/2016 07:15 PM

Frame per second giờ đây không quan trọng bằng độ trễ giữa các khung hình khi game thủ chơi game

Trong game, hầu hết game thủ đều chỉ quan tâm tới tốc độ khung hình. Nếu không được 60 FPS, chắc chắn game thủ sẽ không thể nào chơi game một cách mượt mà, và thực tế là cũng sẽ không hài lòng với cỗ máy tính chơi game vì phần cứng không đủ để chơi game bom tấn mới ra mắt. Đã từ rất lâu, FPS, hay tốc độ khung hình là thứ quan trọng nhất của việc chơi game. Nhưng sau 12 năm trời, điều đó đang thay đổi.

Một điều cần ghi nhớ, trừ phi cỗ máy của bạn cực khỏe, hoặc game cực nhẹ, nếu không sẽ không bao giờ có chuyện tốc độ khung hình ổn định trong từng giây từng phút không đổi. Ở nhiều cảnh đông vật thể, con người và những hiệu ứng, GPU và CPU sẽ bị vắt sức hết mức có thể. Và thế là trong những bài đánh giá đồ họa phần cứng luôn luôn có hai con số: FPS thấp nhất, và FPS trung bình.

Điều quan trọng nhất là ngay trong khoảng thời gian 1 giây, bản thân tốc độ khung hình cũng không hề cố định, vẫn có trồi sụt nhưng game thủ sẽ không kịp nhận ra nếu chỉ trong 1 giây. Thế nhưng trong DOTA 2 hay LMHT, chỉ cần 1/4 giây, mọi chuyện đã ngã ngũ rồi. Vậy rốt cuộc, trong một giây tưởng ngắn mà không ngắn như thế, những gì đã xảy ra?

Vào tháng 09/2011, Scoot Wasson tại Tech Report đã tìm hiểu những điều xảy ra trong 1 giây khi GPU render những khung hình game: "Xét tới cả tốc độ xử lý của máy tính và tốc độ mắt người, 1 giây là một khoảng thời gian rất dài. Vì thế nên việc tính trung bình số lượng khung hình mỗi giây sẽ khiến việc đánh giá những hệ thống phần cứng máy tính không được khách quan."

Nếu bạn chưa biết thì, luôn luôn có độ trễ giữa số khung hình trong một giây. Cụ thể hơn, một đoạn video chạy ổn định ở tốc độ 60 FPS có độ trễ 11,7 mili giây giữa mỗi frame. Con số này trên những video clip 30 FPS là 33,3 ms. Trong game, độ trễ giữa những khung hình luôn là một điều cực kỳ quan trọng chứ không chỉ riêng tốc độ khung hình trung bình. Và dựa trên phần cứng, độ trễ này có thể được thay đổi.

Lấy ví dụ, nâng FPS là cách đơn giản nhất để giảm độ trễ. Thế nhưng một tựa game chạy ở tốc độ 144 hay thậm chí là 240 FPS trên màn hình có tần số quét 60 Hz không có giá trị. Nó vẫn sẽ hiện ra trước mắt người chơi ở tốc độ 60 FPS mà thôi. Nhưng thay vào đó, một màn hình chơi game có tần số quét 144 Hz hay cao hơn là 180 hoặc 240Hz sẽ đáp ứng được điều này. Một điều nữa game thủ cần nhớ, dù mắt người nhận ra khác biệt giữa 120 và 60 FPS không lớn, nhưng tay cầm chuột lại có thể. Những pha vẩy chuột với độ trễ hình cao chắc chắn khác biệt rất nhiều, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thi đấu của họ.

Rõ ràng mắt người có thể nhận ra những độ trễ như thế này nhất là đối với những game thủ chuyên nghiệp chơi MOBA và FPS. Thế nhưng tốc độ frame per second lại không thể đo được điều này. Về sau, việc quản lý độ trễ giữa từng khung hình trong game ngày càng khó khăn, nhất là với những công cụ benchmark đánh giá phần cứng.

Đương nhiên, trong những bài đánh giá card đồ họa hay hệ thống chơi game, FPS vẫn là con số rất quan trọng. Không có nó thì cũng không thể biết được liệu game có mượt hay không, GPU và phần cứng có đủ mạnh để gánh game hay không. Nhưng giờ đây với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, FPS đã không còn giá trị như trước đây nữa.