Razer Blade Pro 2016 - Laptop như thế này mà không max cấu hình mọi game thì... thật phí

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/12/2016 04:12 PM

Thực tế nếu như không lựa chọn màn hình cảm ứng 4K thì Razer Blade Pro 2016 là một con quái vật đúng nghĩa đen, đội lốt một cô nàng đỏng đảnh trong chiếc đầm đen

Năm 2011, Razer tung ra phiên bản đầu tiên của chiếc laptop chơi game mang tên Blade. Và từ đó đến nay, đã 5 năm có lẻ trôi qua, thế nhưng mẫu laptop duy nhất của thương hiệu gaming gear đến từ nước Mỹ này chưa bao giờ phụ lòng người hâm mộ cả. Những phiên bản sau, hoặc rẻ hơn, hoặc mỏng hơn phiên bản trước, nhưng chưa bao giờ có bản Razer Blade nào có cấu hình thấp hơn trước đó, gây thất vọng cho giới game thủ cả.

Cỗ máy được mệnh danh là Macbook của giới game thủ, Blade Pro 2016, với cái giá 3.700 USD, tương đương 84 triệu Đồng này vẫn giữ được phong độ của Razer, từ đó tạo ra cỗ máy chơi game thay thế cho máy tính để bàn (desktop replacement) ấn tượng bậc nhất từ trước tới nay.

Cũng cần nhắc lại lịch sử một chút. Hồi năm 2011, game thủ trên toàn thế giới đã cười khá sảng khoái khi Razer "hét giá" 2.800 USD cho một chiếc laptop chơi game có cấu hình dễ dàng bị qua mặt bởi các tên tuổi đến từ Asus, MSI hay Acer. Tuy nhiên dù rẻ hơn, những chiếc laptop này lại to lớn, cồng kềnh và nặng hơn Blade rất nhiều.

Thế nhưng khi đó, điều hiếm kẻ biết chính là, khi ấy mục tiêu của Razer là tìm ra sự cân bằng giữa cấu hình và kích thước sản phẩm. Họ sẵn sàng hy sinh một vài phần cứng để tạo ra một cỗ máy có độ dày chỉ chưa đầy 1 inch, nhưng chơi được mọi game đỉnh lúc bấy giờ.

May mắn thay, ý tưởng đó của Razer lại là thứ rất nhiều game thủ theo đuổi. Như vậy là, bỗng nhiên chiếc laptop của một công ty không chuyên về phần cứng máy tính lại trở thành một món đồ hot. Đến năm 2013, phiên bản 17 inch được đổi tên thành Blade Pro, còn phiên bản 14 inch được lấy tên Blade. Thậm chí đã có thời kỳ, phiên bản Blade 14 inch còn mỏng hơn cả Macbook Air nữa!

Thiết kế vẫn ngon như xưa

Là một cỗ máy chơi game thay thế PC để bàn, Razer Blade Pro hoàn toàn không đem lại cảm giác cồng kềnh như nhiều đối thủ. Trái lại, dáng vẻ thanh mảnh và lớp vỏ nhôm xước đen, vốn đã trở thành thương hiệu của chiếc laptop, cùng logo Rắn Xanh ngay lập tức chiếm được cảm tình của người yêu PC.

Ở hai cạnh của chiếc máy là những cổng USB 3.0, một cổng Thunderbolt 3, một cổng đọc thẻ nhớ SDXC và một cổng HDMI 2.0. Về cơ bản, bạn có mọi kết nối mình cần để chơi game với chuột bàn phím hoặc headset 7.1, hay thậm chí là kết nối kính thực tế ảo để chơi game (Máy mỏng vậy thôi nhưng vẫn chơi được game thực tế ảo rất mượt mà, chúng ta sẽ nói thêm về điều này ở phần đánh giá hiệu năng).

Màn hình của máy là một panel IGZO 4K cảm ứng đa điểm, kích thước 17,3 inch, hỗ trợ cả công nghệ G-Sync độc quyền của Nvidia.

Trong khi đó, điểm khác biệt lớn nhất về thiết kế giữa Blade Pro 2016 với các model trước đó chính là phần touchpad. Razer đã mạnh tay loại bỏ chức năng thừa thãi nhất trên bàn phím, đó là màn hình LCD cảm ứng cạnh bàn phím. Thay vào đó là một touchpad đa điểm, cùng với một hệ thống nút multimedia và con lăn vật lý. Thậm chí đến bàn phím còn được Razer "tiện tay" tích hợp hiệu ứng đèn LED Chroma của hãng nữa.

Phần cứng như thế này thì PC cũng phải "hoảng"

Bên trong Razer Blade Pro 2016 là con chip CPU Core i7-6700HQ, 4 nhân, clock 2.6 base, 3.5GHz turbo. Thế nhưng "ngôi sao" của cỗ máy là card đồ họa GTX 1080 phiên bản dành cho laptop. Đây, về cơ bản, là thiết bị xử lý đồ họa mạnh nhất mà một laptop có thể trang bị được. Và để tản nhiệt cho toàn bộ những phần cứng thuộc vào hàng quái vật như vậy, các kỹ sử của Razer đã phải thiết kế một buồng hơi tản nhiệt riêng cho chiếc laptop này. Nhỏ nhất thế giới, xét riêng đến những chiếc laptop.

Ở phiên bản cao cấp nhất, Blade Pro trang bị 32GB RAM DDR4, bus 2133MHz, cùng với đó là SSD 512GB, và có thể nâng cấp lên 2TB. Với 4.000 USD, bạn sẽ nhận được một chiếc laptop với 1TB SSD, đủ cài mọi game nhưng cùng lúc lại chạy nhanh như chớp mắt.

Chơi game

Thực tế thì trong nhiều bài test, chơi game 4K với 1 card đồ họa GTX 1080 là lựa chọn không mấy sáng suốt vì nếu set thiết lập đồ họa lên ultra, chiếc card đồ họa sẽ khó lòng gánh nổi 60 FPS mượt mà. Tuy nhiên với một số game đơn giản không đòi hỏi nhiều tài nguyên như Overwatch hay DOTA 2, 60 FPS hoàn toàn không phải là vấn đề với phần cứng của laptop.

Ở khía cạnh đối nghịch, chúng ta có Watch Dogs 2, max đồ họa chỉ được 30 FPS. Doom thì được 50 FPS, khá khẩm hơn một chút. Còn The Division, FPS chỉ loanh quanh hơn 20 một chút mà thôi. Thực tế thì với thiết kế của Blade Pro không cho phép nó trang bị 2 chiếc GTX 1080, và nếu bạn không muốn hạ setting đồ họa xuống, thì vẫn còn một lựa chọn nữa: Chơi game ở độ phân giải 1920x1080.

Như đã đề cập, sức mạnh cấu hình và thiết kế cổng kết nối cho phép game thủ chơi game thực tế ảo ngay với cỗ máy laptop mỏng nhẹ này chứ không cần tới những cỗ máy PC cồng kềnh nặng nề bắt game thủ ngồi ru rú ở góc nhà.

Màn hình

Một vấn đề của nhiều sản phẩm máy chơi game chính là màn hình được thiết kế phục vụ cho game thủ, những người ít đòi hỏi về chất lượng màu trên màn hình có chuẩn hay không, không giống như những nhiết ảnh gia hay người làm phim, hoặc những designer. Trái lại, màn hình IGZO của Razer Blade Pro tái hiện được 100% chuẩn màu Adobe RGB, nghĩa là màu đen không phải là một mảng xám xịt có ánh sáng nhờ nhờ. Nó đen, sâu thẳm. Màu sắc cũng cực kỳ sống động.

Bàn phím

Một laptop 17,3 inch thường được trang bị bàn phím full size. Thế nhưng một điều mà laptop ngày nay không thể sánh được với PC chính là những chiếc bàn phím cơ dùng switch Cherry MX với âm thanh đầy lôi cuốn. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể mua phím cơ rời để dùng với laptop, thế nhưng chúng ta đang đánh giá laptop, và bản thân bàn phím của Razer Blade Pro cũng rất ổn xét đến phạm vi hẹp của những hệ thống bàn phím trang bị trên laptop chơi game.

Tiếng clicky vẫn có, nhưng không quá lớn khiến người bên cạnh cảm thấy bực mình. Hành trình phím thấp, khiến cho bàn phím tạo ra cảm giác gõ văn bản thích hơn cả chơi game nữa. Ấy là chưa kể tới hiệu ứng RGB Chroma tuyệt đẹp mà bạn có thể tùy chỉnh theo ý thích nữa.

Có những điểm chưa hoàn hảo

Thực tế mà nói thì nếu như sửa được hai vấn đề của Razer Blade Pro 2016, mặc định nó sẽ là chiếc laptop tuyệt vời nhất mà Razer hay bất kỳ hãng sản xuất phần cứng máy tính nào từng tạo ra. Đó chính là quạt tản nhiệt kêu quá to, và bản thân máy cũng khá nóng, đặc biệt là trong lúc chơi game. Nói đi thì cũng phải nói lại, việc tản nhiệt trên một laptop trong quá trình chơi game là một điều không hề đơn giản, nhất là với một chassis mỏng và kín như Blade Pro.

Kết

Cấu hình mạnh, bàn phím ngon, màn hình đẹp lung linh, chơi được mọi game ở độ phân giải full HD. Thực tế nếu như không lựa chọn màn hình cảm ứng 4K thì Razer Blade Pro 2016 là một con quái vật đúng nghĩa đen, đội lốt một cô nàng đỏng đảnh trong chiếc đầm đen và bộ trang sức pha lê đủ màu để mê hoặc anh em game thủ.