Quả cầu từng đưa Ka-ka-lốt tới trái đất trong Dragon Ball Z xuất hiện ngoài đời

Hoàng Hôn  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/06/2016 10:25 PM

Chắc hẳn, nếu là một fan của bộ manga, anime Dragon Ball Z, bạn đọc sẽ không còn xa lạ gì với quả cầu đã đưa Ka-ka-lốt, Ca-đíc và những người Xay-da khác đến trái đất.

Chắc hẳn, nếu là một fan của bộ manga, anime Dragon Ball Z, bạn đọc sẽ không còn xa lạ gì với quả cầu đã đưa Ka-ka-lốt, Ca-đíc và những người Xay-da khác đến trái đất. Trong truyện, đó thực chất là một phi thuyền không gian cá nhân cực kỳ nhỏ gọn dùng để di chuyển ngoài vũ trụ. Và mới đây, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã hiện thực hóa quả cầu này ngoài đời chứ không dừng lại ở một sản phẩm của trí tưởng tượng nữa.

Được biết, quả cầu này có tên gọi là Survival Capsule và được lấy ý tưởng từ chính bộ manga, anime Dragon Ball Z. Mục đích của Survival Capsule là một hệ thống an toàn cá nhân (PSS), được thiết kế để bảo vệ người dùng sống sót qua các thảm họa thiên nhiên như sóng thần, lốc xoáy, bão lũ hay động đất. Khi thảm họa xảy ra, đặc biệt là sóng thần, động đất và Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên gặp phải, có rất ít lựa chọn nơi trú ẩn đảm bảo an toàn thật sự. Chính vì vậy, Survival Capsule ra đời như một giải pháp hữu ích không chỉ cho đất nước Mặt Trời Mọc mà cả các quốc gia khác.

Julian Sharpe, người phát minh ra quả cầu đặc biệt nói trên, cho biết: “Survival Capsule mang lại cho chúng ta một lựa chọn, để có một hệ thống an toàn dễ dàng tiếp cận bất kể ngày hay đêm”. Survival Capsule có khung và vỏ được làm từ nhôm chắc chắn, có khả năng cách nhiệt giúp giữ ấm cho người bên trong. Quả cầu này được thiết kể để có thể nổi trên mặt nước đồng thời sở hữu hệ thống tự cân bằng, hạn chế tối đa các tình huống lộn ngược khi sóng dữ ập đến. Ngoài ra, trên các ghế ngồi cũng có dây an toàn, giữ chặt người ngồi khỏi các va chạm nguy hiểm.

Quả cầu sinh tồn này nặng 136 kg này được trang bị cửa có thể được mở từ cả hai phía, cho phép người dùng ra vào một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ngoài ghế ngồi, bên trong nó còn có các túi khí, bộ định vị GPS, nơi bảo quản thực phẩm, vật tư sinh tồn, hệ thống chiếu sáng và oxy đủ dùng trong 60 phút chìm dưới nước. Người ngồi bên trong hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với bên ngoài. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể trang bị thêm nhà vệ sinh bột khô, hệ thống phát nhạc và tấm pin mặt trời.

Survival Capsule có tổng cộng 5 phiên bản với kích thước khác nhau, từ phiên bản cỡ nhỏ sức chứa 2 người có đường kính 1,4 m, cho đến bản có khả năng chứa đến 10 người lớn, với đường kính 2,4 m. Những phiên bản này sẽ phù hợp với các đối tượng khác nhau, từ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, trường học, sân bay hay dùng làm nơi nơi trú ẩn công cộng. Với sức nổi lên đến 1.800 kg, nó được kỳ vọng có thể nổi lên từ đống đổ nát, sau thảm họa kép động đất - sóng thần. Ngoài ra, Survival Capsule cũng có 2 cửa sổ nhỏ giúp người ngồi bên trong quan sát xem những gì đang diễn ra.

Mặc dù có vẻ khả thi song vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập đối với Survival Capsule. Một số người cho rằng liệu oxy có đủ để cung cấp cho người dùng sóng sót qua thảm họa? Ngoài ra, Patrick Corcoran - chuyên gia về các mối nguy hiểm tại Đại học bang Oregon (Mỹ), cho rằng khi cảnh báo sóng thần được vang lên, mọi người chỉ có 15-30 phút để di chuyển đến quả cầu sinh tồn của họ. Bên cạnh đó, ông Corcoran cũng cho biết không phải ai cũng có thể bỏ ra 10.000 USD cho một quả cầu 2 chỗ ngồi, và hệ thống vẫn chưa được thử nghiệm trong một cơn sóng thần thật để chứng minh tính hiệu quả.

Một số hình ảnh khác của Survival Capsule: