Phân tích Pokémon GO: Thành công “thai nghén” trong suốt hai thập kỷ

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 04/10/2016 0:00 AM

Có thể nói Pokémon GO là cơn địa chấn lớn nhất của ngành game trong năm 2016, nó đã có tới hơn 550 triệu lượt cài đặt và tổng doanh thu 470 triệu USD chỉ sau 80 ngày phát hành đầu tiên.

Có thể nói Pokémon GO là cơn địa chấn lớn nhất của ngành game trong năm 2016. Theo báo cáo từ Global Appstore Intelligence, tựa game này đã có tới hơn 550 triệu lượt cài đặt và tổng doanh thu 470 triệu USD chỉ sau 80 ngày phát hành đầu tiên, đưa tên mình và nhà phát hành Niantic Labs lên hàng “ông lớn” trên thị trường game mobile.

Để hiểu rõ hơn về thành công to lớn này, chúng ta hãy cùng phân tích những yếu tố về bản chất, thói quen tiêu dùng, và sở thích của cộng đồng người chơi Pokémon GO. Qua đó, có lẽ bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng đây không phải chỉ là một thành công bùng phát, mà là sản phẩm đã qua “thai nghén” trong suốt hai thập kỷ vừa qua.

POKÉMON GO CÓ PHẢI XU HƯỚNG NHẤT THỜI?

Vừa đúng lại vừa … không đúng. Nếu xu hướng tức là đột nhiên thu hút đông đảo cộng đồng, thì nó là hoàn toàn đúng với Pokémon GO. Khi mà cứ bốn người dùng smartphone hoặc tablet lại có một người chơi tựa game này, thì chắc chắn nó là một hiện tượng đại chúng trên nhiêu địa điểm khắp toàn cầu.

Nhưng nếu là xu hướng nhất thời, ngắn hạn thì chắc chắn không phải Pokémon GO. Doanh thu của tựa game này từng đạt mức cao nhất là 16 triệu USD/ngày, nay đã giảm xuống ổn định ở mức 2 triệu USD/ngày (trừ 30% phí cho app store) trong những tuần vừa qua. Số lượt tải về vẫn còn được duy trì trong khoảng 700,000 lượt mới mỗi ngày. Bên cạnh đó, Pokémon GO vẫn còn chưa được phát hành chính thức tại 2 thị trường khổng lồ là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ông Peter Warman, CEO của Newzoo có bình luận: “Pokémon GO đã khai sáng cho chúng ta nhiều thứ. Nó đã mang lại một làn gió mới cho bảng xếp hạng top game mobile doanh thu cao nhất, vốn đang bị thống trị bởi một lượng nhỏ nhà phát hành và game trong suốt một thời gian dài. Nó đã xóa tan nghi ngờ và chứng minh rằng công nghệ AR có thể thu hút đại chúng. Trên khía cạnh kinh doanh, nó đã mang lại cho Google, nhà đầu tư của Niantic, một lượng lớn dữ liệu mà có thể ứng dụng vào chiến lược quảng cáo và phục vụ dựa theo địa điểm người sử dụng. Thực tế rằng Pokémon GO đã khuyến khích trẻ em và thiếu niên dành nhiều thời gian ngoài trời hơn, kể cả nếu như phải mang cả thiết bị thông minh bên mình.

CÓ PHẢI POKÉMON GO ĐANG THU HÚT (MOBILE) GAMER MỚI?

Thật bất ngờ, câu trả lời là ĐÚNG!

Theo dữ liệu khảo sát từ Newzoo, 24% người chơi Pokémon GO hiện nay không hề chơi bất cứ game mobile nào trong vòng 3 tháng trở lại đây. Như vậy chỉ riêng trong phạm vi 4 quốc gia Mỹ, Anh, Đức và Pháp, Pokémon GO đã thu hút tới hơn 20 triệu mobile gamer mới. Một nhóm trong số họ có chơi game trên những nền tảng khác, nhưng 8% hay 6,6 triệu người thậm chí còn không chơi bất cứ game nào trong phạm vi nghiên cứu là 100 game phổ biến nhất.

Sức hút này đã khiến Pokémon GO trở thành tựa game phổ biến nhất tại mọi quốc gia được khảo sát, khi mà có tới 37% tổng số gamer có chơi Pokémon GO, đẩy Candy Crush Saga xuống vị trí thứ 2 với 27%.

NGƯỜI CHƠI POKÉMON GO CÓ PHẢI LÀ FAN “CỨNG” CỦA POKÉMON KHI HỌ CÒN NHỎ?

Một trong những yếu quan trọng giúp Pokémon GO thành công như vậy là khả năng tận dụng “đòn bẩy thương hiệu” Pokémon nổi tiếng và thu hút cộng đồng fan khổng lồ này. Bằng chứng là 36% người chơi Pokémon GO thuộc độ tuổi từ 16-25 (trung bình là 21%), và 72% đã từng chơi ít nhất một tựa game Pokémon gốc trong đời. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng họ đã từng chơi Pokémon Red, Blue hoặc Green vào khoảng thời gian từ năm 1996 đến 1999 – khi còn là trẻ em với ai độ 25 tuổi, hoặc ít nhất cũng từng trải nghiệm Pokémon Ruby và Sapphire ở giai đoạn năm 2003 và 2004.

Nữ giới chiếm 43% tổng số người chơi Pokémon GO, con số cao hơn hẳn 33% trung bình ở 100 tất cả thương hiệu game phổ biến nhất khác. Điều này cũng cho thấy thương hiệu nguyên bản Pokémon, đã có sự cân bằng giới tính tốt với sự giúp đỡ từ nhiều hình thức khác như anime, đồ chơi. Tất nhiên, nam giới vẫn là đối tượng chi tiêu nhiều hơn trong game, và chiếm 67% lượng người trả phí của Pokémon GO.

Cộng đồng fan “cứng” của thương hiệu Pokémon có đánh giá tích cực hơn về Pokémon GO so với những người chơi khác (cho 8,4 điểm so với mức trung bình là 7,9 điểm). Đồng thời họ cũng là những người dành nhiều thời gian chơi hơn và khả năng chi tiền vào game cũng cao hơn. Không thể phủ nhận rằng thành công hiện nay của Pokémon GO cũng có chút “dựa hơi” vào thương hiệu gốc đã quá nổi tiếng.

NGƯỜI CHƠI THÍCH YẾU TỐ NÀO CỦA POKÉMON GO NHẤT?

Một thông tin vô cùng thú vị về Pokémon GO là nó rất được ưa chuộng bởi người chơi … Dota 2 (80%) và Clash Royale (77%), dù không phổ biến lắm với cộng đồng Candy Crush Saga (46%) trong vòng 3 tháng qua. Tuy yếu tố được nhiều người chơi yêu thích nhất ở Pokémon GO là “dễ chơi” (31%), song tính năng khám phá (25%) và cạnh tranh (20%) cũng đóng góp rất nhiều cho sức hút của tựa game này với cộng đồng gamer hardcore.

KẾT LUẬN

Pokémon GO thành công nhờ lôi kéo được cộng đồng fan hâm mộ đông đảo của thương hiệu gốc – những đứa trẻ ở thập niên 90 vào với thế giới game mobile. Song nếu Niantic không phát triển một tựa game có đầy đủ những yếu tố thu hút, phù hợp với thị trường game hiện đại, chắc chắn họ sẽ không thể biến số lượng cài đặt thành doanh thu khủng khiếp như vậy.

Các công ty game có mong muốn tái hiện lại dù chỉ một phần nhỏ của thành công này với những thương hiệu sản phẩm đã nổi tiếng cũng cần phải tìm ra phương án cân bằng như thế. Tìm kiếm được điểm thăng bằng giữa yếu tố mới lạ của game mobile, sự cốt lõi của một thương hiệu danh tiếng, và một cộng đường người chơi đủ trưởng thành là một việc khó khăn. Nhưng như Niantic đã chứng minh, nó có thể mang lại thành quả không tưởng nếu được làm đúng cách.

Top 10 anime hành động xuất sắc với các màn đấu súng căng thẳng