Tự sự một fan Metal Gear Solid lâu năm sau khi kết thúc phần 5

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/09/2015 06:49 PM

Cả series Metal Gear Solid đã trưởng thành, cùng lúc đó vẫn ẩn chứa những triết lý cao thâm khó cắt nghĩa

Chơi 60 tiếng đồng hồ giờ mới có thời gian viết vài dòng, mà cá nhân tôi gọi là chia sẻ cho anh em mê game, chứ nếu gọi là đánh giá thì cũng chẳng phải. Vì sao ư? Đơn giản là vì tôi sẽ chỉ đề cập đến cốt truyện của phần 5. Lên reddit, lên gamesradar, lên đủ mọi nơi thì ai nào cũng phàn nàn, thậm chí cáu bẳn vì cái kết thúc của Metal Gear Solid V quá nhạt.

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain – Xứng danh kiệt tác

Nếu bạn chưa unlock kết thúc thứ 3 của MGS V, các bạn có thể ngừng đọc ở đây, vì những gì tôi viết sẽ spoil gần như toàn bộ cốt truyện của “Ultimate Story” mà Kojima mất 5 năm để nghĩ ra.

Hãy bắt đầu với Venom. Thanh niên bị cắm sừng bị chê bai là một trong những thể loại Snake nhạt nhất mà anh em game thủ từng được điều khiển. Gia đình Snake mà chúng ta biết, từ ông bố đến mấy cậu con, đều lạc quan tếu, đều nói nhiều và quan trọng nhất là đều triết lý thấy ông bà ông vải. Snake phần này thì cậy mồm ra mới nói được 1 2 câu.

Ấy thế mà cái plot twist mới giải thích được mọi thứ, kể cả cái sừng trên đầu Venom. Người chiến binh được mệnh danh là “trusted soldier” ngày nào giờ đây là một phần của “Big Boss’ Legacy”, mang trọng trách hoàn thành sứ mệnh còn dang dở của The Boss trước lúc chính tay John kết liễu cuộc đời bà chỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Rốt cuộc mọi thứ xảy ra đều chẳng phải ý định của Zero. Một kẻ muốn trả thù cho những gì Mặt Sẹo làm cho khuôn mặt của gã, và một bên là những người lính tin tưởng tuyệt đối vào niềm tin của cá nhân mình, kết hợp cùng Cipher đã tạo ra một câu chuyện gần như hoàn hảo của Metal Gear Solid V.

Thế cái đứa muốn trả thù đấy là ai? Skull Face chứ còn ai. Rốt cục, MSF sụp đổ, Diamond Dogs lao đao tồn tại hóa ra chỉ vì một kẻ bị cướp đi tiếng nói, cướp đi niềm tin, cướp đi gần như mọi thứ, phải sống kiếp tầm gửi, phải làm quen với những thứ ngoại lai chỉ để sinh tồn. The Phantom Pain hóa ra chẳng đơn thuần chỉ là sự mất mát, mất một cánh tay, mất đi người đồng đội vào sinh ra tử. “Ngôn ngữ”, thứ mà những nhà cầm quyền sử dụng để đoàn kết con người, đôi khi lại chính là thứ khiến cho nhiều dân tộc đi đến bờ vực xung đột, chiến tranh.

Và chính Skull Face là kẻ muốn xóa bỏ những rào cản đó, để trả thù kẻ đã cướp đi tiếng mẹ đẻ, cướp đi chính kiến của hắn, để lại trong con người Skull Face một “Phantom Pain” đúng nghĩa đen, tuy mờ ảo vô hình như lại hiện hữu trong từng lời nói, hành động.

Mình vẫn đổ lỗi cho Konami về cái Mission thứ 51, thứ lẽ ra phải có trong cốt truyện chính tuyến. Không có nó, thì những gì xảy ra trong MGS 1 gần như chỉ là trang giấy trắng, không đầu đuôi, không một lời giải thích. Đứa con hoang tàn của Big Boss, kẻ bị coi là thứ phế phẩm quyết tâm không đi vào vết xe đổ của ông bố già, không trở thành tay sai của kẻ muốn làm bá chủ thiên hạ, võ bá độc tôn.

Nhìn anh là nhân vật phụ, chứ không phụ lắm đâu nhé!

Khi Kojima nói rõ ràng trong đoạn trailer, đó là MGS V sẽ đánh dấu sự tha hóa của Big Boss, nhiều người sau khi chơi xong đã phát cáu, vì có vẻ, chỉ là có vẻ như mọi hành động của Venom Snake vẫn đậm chất người hùng, từ việc xây dựng lại cả một đế chế, chặn đứng âm mưu của Skull Face, hay cứu giúp những đứa trẻ khỏi số phận bi đát khi phải cầm súng đứng ở ngoài chiến tuyến.

Thế nhưng đừng hành xử kiểu fanboy như vậy. Hãy dừng việc suy nghĩ theo cảm tính, mà hãy suy nghĩ như một con người có tri giác, có lương tâm. Những hành động mà người chơi khiến Venom làm trong game tất cả đều là thứ phản ánh chính xác nhất mặt tối trong tâm hồn mỗi con người. Từ việc bắt cóc lính trên chiến trường và giam giữ họ cho tới khi họ chịu về dưới trướng của bạn. Hay bạn đưa những đứa trẻ về trong khi chúng không hề muốn như vậy. Trong cốt truyện game, điều này có vẻ hợp lý, nhưng xét cho cùng, theo cảm tính của mỗi con người, liệu những hành vi như thế ngoài đời thực liệu có phải điều đúng đắn?

Không phải tự nhiên mà câu chốt, thứ khiến cốt truyện của Metal Gear Solid V trở thành đắt giá bậc nhất lịch sử ngành game lại là “You are Big Boss”. Phải, bạn là người điều khiển Snake, không ai khác, không phải một nhân vật hư cấu nào, mà chính bạn là một Big Boss thực thụ. Cốt truyện chỉ điều hướng bạn theo cách của nó, còn việc bạn triển khai ra sao để đến được cái đích, đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

“Kaz, I’m already a demon”, câu nói của Snake sau khi cứu được Kazuhira Miller ở nhiệm vụ đầu tiên hóa ra lại chính là dành cho chúng ta. Chúng ta chính là những con quỷ dữ, bị thế thời làm tha hóa, từ đó vin một cách yếu ớt vào chính kiến, vào lòng tin, lý tưởng của bản thân để bào chữa cho những gì chúng ta làm.

Đúng hay sai phụ thuộc vào góc nhìn và lý tưởng của chính chúng ta

Trong đời thực cũng vậy, không phải “nhân vật phản diện” nào cũng giết người như ngóe, cũng là kẻ ác tàn đến tận xương tủy. Bề ngoài họ có vẻ vô cùng nhân hậu, thế nhưng góc nhìn của chính chúng ta mới là thứ đánh giá xem một người là “chính diện” hay “phản diện”. Vì lòng tin của mình, họ sẽ làm những điều họ cho là đúng, nhưng xét trên luân thường đạo lý, điều này có đúng hay không kỳ thực vô cùng tương đối.

Hãy lấy ví dụ nhé. Bạn đi ngoài đường, một người lỡ va phải bạn dù bạn đi đúng đường, và bạn quyết định không chạy lại giúp họ nhấc xe máy lên để không khiến giao thông bị ùn tắc. Về lý lẽ, bạn không sai, nhưng trong mắt họ, đôi khi bạn có thể là một kẻ thờ ơ, bang quan một cách đáng khinh. Cuộc đời vốn chẳng có gì là tuyệt đối, và những gì được thể hiện trong Metal Gear Solid V cũng chân thực một cách hoàn hảo như vậy.

Vậy còn Zero? Kẻ bị coi là nhân vật phản diện đáng ghét bậc nhất cả dòng game, kẻ tạo ra hệ thống The Patriots khét tiếng, thứ mà cả Liquid lẫn Solid phải mất hơn 20 năm để hiểu và đặt dấu chấm hết, hoàn thành ý nguyện của Big Boss hóa ra cũng chẳng ác cho lắm.

Thậm chí bản thân Venom cũng chính là sản phẩm của “ngài đại tá” cơ mà! Zero muốn bảo vệ Snake, bảo vệ kẻ thù lớn nhất của bản thân, đơn giản vì hắn coi Big Boss là một công cụ để đánh lạc hướng dư luận, tạo ra một hình tượng ai cũng sợ hãi để khiến cộng đồng tạm quên đi những vấn đề mà hắn muốn ỉm đi. “Keep your friends close, keep your enemies closer”, câu nói tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại tuyệt đối hợp lý.

Đó mới là tầm nhìn của một kẻ đầy tham vọng, biết nhìn toàn cảnh vấn đề chứ không chỉ lấy quyền lực đáp ứng mục tiêu trước mắt, để rồi khi chúng mâu thuẫn với mục tiêu lớn, nhiều vấn đề cùng lúc nảy sinh, gây khó khăn cho Zero. Cá nhân tôi thấy, Zero và Ocelot mới xứng đáng là hai nhân vật chính của dòng game này. Solid Snake và Big Boss không phải những kẻ vô dụng, nhưng trong một bức tranh toàn cảnh, thì “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”.

Không có Ocelot, thì The Patriots sẽ chẳng bao giờ bị đánh sập như những gì diễn ra trong MGS 4, dù rằng kết cục của gã siêu điệp viên này cũng chẳng tốt đẹp gì khi bị Fox Die trong cơ thể Snake, thứ được The Patriots lập trình để hạ những mục tiêu cụ thể, xóa sổ khỏi cõi đời.

Hãy quay lại với Metal Gear Solid V. Nếu là một fan cuồng của cả dòng game, bạn vẫn sẽ thần tượng Snake, cho dù đó là Venom, gã y sĩ cơ động, hay John, kẻ đã trở thành huyền thoại. Việc tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng của mình cũng khiến bản thân tôi cảm phục những con người trên. Thế nhưng nếu nhìn lại, thì The Phantom Pain kỳ thực là một tựa game chẳng có một ai là nhân vật chính diện cả, thậm chí là cả gã khoa học gia Huey. Hắn bức tử người tình, dùng cậu con trai nhỏ để thử nghiệm Metal Gear… Kaz thì mờ mắt vì mục đích trả thù mà chẳng phân biệt được đúng sai.

Còn Venom, anh phải ra tay hạ gục chính những người đồng đội vào sinh ra tử, dù việc đó để khiến cho họ có một sự ra đi nhanh chóng và thanh thản. Cá nhân tôi khẳng định, nhiệm vụ thứ 43 của MGS V sẽ là một trong những cảnh tượng khó quên nhất của thế giới game từ nay về sau.

Không một ai có lương tâm trong sạch trong game, không ai dám tự nhận mình là một người hùng. Ấy mới là sự cao tay của Kojima ở phần game cuối cùng mà ông phát triển này. Ông đã gián tiếp thông qua tựa game biến chúng ta trở thành những “con quái vật” đúng nghĩa đen, khiến chính bản thân chúng ta phải tự hỏi lại lương tâm của mình, đâu là đúng, đâu là sai giữa sự đời vạn biến.

Khi chúng ta còn nhỏ tuổi, hình tượng người hùng trong chúng ta khác. Và khi chúng ta trưởng thành, tư duy của chúng ta cũng khác biệt. Metal Gear Solid cũng vậy. Cả series game đã trưởng thành, cùng lúc đó vẫn ẩn chứa những triết lý cao thâm mà đến giờ bản thân tôi cũng chưa thể nào cắt nghĩa hết, giống như mọi tựa game được thực hiện dưới bàn tay của Kojima. Cám ơn ông, và tạm biệt, một tượng đài.