Top tựa game "Thánh thần" vang danh trong lịch sử

Invisible  | 08/11/2011 10:03 AM

From Dust, tựa God game đầy sáng tạo của Ubisoft, vừa khi ra lò đã gây tiếng vang lớn với lối chơi đầy sáng tạo của mình.

Tất nhiên rằng để tạo nên thành công ngày hôm nay cũng không phải là chuyện một sớm một chiều, chúng ta sẽ cùng điểm qua một lượt lịch sử của thể loại God game thông qua những cái tên nổi bật nhất trong làng game Thế giới.
 
 
Populous (EA/Bullfrog, 1989)

Peter Molyneux, giám đốc phát triển của dự án Populous có lần đã nói đùa rằng, ý tưởng xây dựng nên tựa game chỉ vì lý do ông ta quá lười không muốn gây dựng những mảng địa hình có sẵn và thay vào đó, người chơi mới là nhân vật chính tác động vào thế giới của riêng mình. Và có lẽ rằng không nhờ có sự trùng hợp khá ngẫu nhiên này thì thể loại God game vẫn chưa thể ra đời sớm đến thế.

Ngay sau khi trào đời vào cuối những năm thập kỉ 80 của thế kỉ trước, Populous đã tạo nên cơn sốt lớn và đi với đó là hàng loạt những giải thưởng cao quý như tựa game xây dựng quân đội/chiến thuật hay nhất năm, tựa game hay nhất năm do tạp chí Video Games & Computer Entertainment bình chọn...


Nhìn lại những gì mà EA/Bullfrog đã làm được, chúng ta cũng phải bất ngờ khi mà tại thời điểm đó, Populous đã có một gamplay sâu sắc và sở hữu âm thanh nền đa dạng đến vậy. Hơn nữa, người chơi cũng dễ dàng nhận ra những ảnh hưởng mà “ông tổ” đã để lại cho From Dust cho tới tận ngày nay. Phong cách xây dựng địa hình vô cùng đơn giản nhưng lại có sức cuốn hút lạ kì.
 
Dungeon Keeper (EA/Bullfrog, 1997)
 
Tiếp tục là một sản phẩm nữa của EA/Bullfrog và nhà phát triển game thiên tài Peter Molyneux. Dungeon Keeper vẫn mang đượm phong cách xây dựng và phát triển dễ “gây nghiện” như đúng người đàn anh của nó. Tuy nhiên, tựa game cũng mang đến những cảm nhận vô cùng khác biệt, đem lại một cái nhìn mới về God Game.
 
 
Thay vì xây dựng cốt truyện xoay quanh việc xây dựng thành thị, làng mạc hay bất cứ thứ gì liên quan đến việc ban phát “hạnh phúc và ấm no” cho loài người, Dungeon Keeper ngược lại, chọn cho mình một bối cảnh có thể nói là không giống ai: đào tạo đội quân quỷ dữ để xâm chiếm thế giới!!

Khi mà người chơi vẫn có thể tự xây dựng hẳn một vương quốc dưới lòng đất, chiêu nạp cả một đội quân bóng tối với Imps, Skeletons, Vampire…. thì họ vẫn phải đối mặt với những thứ xảy đến. Những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến chính câu chuyện một cách khá ngẫu nhiên, đầy bất ngờ và dĩ nhiên đôi khi nó nằm ngoài tầm kiềm soát của bạn dù cho bạn được coi là một Vị thần đầy quyền năng.

Majesty: The Fantasy Kingdom Sim (Cyberlore, 2000)

Quay trở lại thời đại trung cổ, thời kì của những lãnh chúa trị vì tại lâu đài nguy nga, những chiến binh bán mạng sống cho chủ nhân và những nông nô làm việc phục vụ suốt ngày đêm. Những nhà độc tài quản trị đất nước bằng sức mạnh của nắm đấm thép mà không cần tới bất cứ sức mạnh thần thánh nào cả. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể khiến Majesty: The Fantasy Kingdom Sim bị loại ra khỏi danh sách những God game có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
 
 
Có lẽ Majesty đóng góp không nhiều trong cách chơi và cũng không có đột phá nào khiến người chơi phải quá ấn tượng. Điều đáng nói ở tựa game này đó là chiến lược bán hàng và phân phối sản phẩm vô cùng thông minh. Phát hành trên rất nhiều hệ điều hành khác ngoài Windows như Linux hay MacOS, tính đến thời điểm này nó vẫn tồn tại như một ứng dụng trên Ipad. Majesty đã mở toang con dường dành cho các nhà sản xuất tựa God game gần hơn với đối tường người chơi thông thường.

Black and White (Lionhead, 2000)

Black and White (tất nhiên là kể cả những phiên bản sau này và những phiên bản mở rộng) không chỉ là một tựa game đỉnh cao đóng vai trò gây dựng lại hình tượng của God game, nó còn có bước tiến mạnh mẽ trong việc gây dựng hệ thống gameplay mang tính đột phá. Nếu bạn đã từng chơi Faber, bạn sẽ cảm nhận được điều tương tự mà Peter Molyneux – đúng vậy, lại là nhà phát triển game đại tài của chúng ta, cũng đã làm với Black and White với 2 chiều tốt xấu song song nhau cùng tác động tới người chơi.
 

Tựa game đầy thành công này còn đem lại nền đồ họa 3D cực kỳ đột phá. Những hòn đảo, những ngọn núi, những ngôi làng đều được khắc họa chân thực và vô cùng hùng vĩ (xét trên tiêu chuẩn đồ họa vào thời điểm bấy giờ). Nó đã đem lại một bộ mặt mới cho God game, không còn là một dòng game 2D đơn giản với góc camera dinamic đơn thuần hay là góc chiếu cố định từ trên xuống.

The Sims (Electronic Arts, 2000)

Nhiều người cho rằng The Sims không xứng đáng để xếp vào dòng God game. Tuy nhiên, hãy nghĩ kĩ lại xem rằng còn có thể xếp chúng vào đâu khác nữa khi mà người chơi thậm chí có thể xây dựng một ngôi nhà không theo bất cứ bản thiết kế nào, cho nhân vật sinh hoạt theo kiểu không giống ai, cho họ vào một phòng tắm mà không đóng cửa, ném đồ điện vào bồn tắm Jacuzzi mà vẫn bình an vô sự!
 
 
The Sims đã chứng tỏ một God game hoàn toàn có thể trở thành một con cá lớn và vẫn sống tốt sau 3 phiên bản. Bên cạnh đó, sản phẩm đặc biệt này của EA cũng giới thiệu cho người chơi đến với thế giới đầy phức tạp, khi mà bạn không phải lúc nào cũng có thể sử dụng bàn tay quyền lực của mình sai khiến những điều “người khác” không thích.

Điểm lại một lượt những God game đã vang danh trong lịch sử, có lẽ vẫn còn thiếu sót một số cái tên nào đó, tuy nhiên chắc phần nào bạn cũng đã hình dung được quãng đường phát triển của dòng game kén người chơi này. From Dust – một sản phẩm đầy sáng tạo đang dần thắp lại hy vọng cho sự hồi sinh của God game, hy vọng rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục được chào đón những sản phẩm ưu tú như vậy nhiều hơn nữa.
 
Tham khảo tại IGN.
Xem thêm:

pc

ps3

xbox 360