Tâm sự thanh niên mê Harvest Moon hẹn báo thức giữa đêm để trồng cây

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/03/2016 06:00 PM

Bài viết dưới đây là tâm sự của một thành viên ban biên tập trang The Verge về tựa game nổi tiếng Harvest Moon.

Người ta thường đề phòng và cảnh báo về những tựa game bạo lực sẽ gây ảnh hưởng xấu tới game thủ. Tuy nhiên họ đã lầm. Chính những tựa game không có chém giết tường chừng thân thiện với mọi lứa tuổi mới chính là thứ cần phải bị dè chừng nhất.

Trong tuần vừa qua, tôi đã gia nhập vào đội quân hàng trăm nghìn người hâm mộ Stardew Valley - tựa game mới phát hành trên Steam cho bạn vào vai một người nông dân chăm chỉ quanh năm chăm sóc mảnh đất do ông nội mình để lại. Bối cảnh, cốt truyện và nền tảng đồ họa dễ thương dành cho mọi lứa tuổi nhanh chóng chinh phục được tôi - một người từng rất yêu thích huyền thoại Harvest Moon trước kia.

Nhưng đồng thời, Stardew Valley cũng gợi cho tôi nhớ lại một bài học trong quá khứ. Vào tháng 10/1997 tức sinh nhật năm tôi 12 tuổi, mẹ tôi quyết định rằng tôi chưa đủ lớn để chơi Resident Evil, tựa game zombie đang rất hot ở thời điểm đó. Trước kia mẹ tôi chưa bao giờ cấm bất kì trò chơi nào, nhưng tôi cảm thấy rằng cố gắng giải thích thêm chỉ mang lại nguy cơ video game bị cấm cửa luôn ở trong ngôi nhà này.

Đòi hỏi chơi các tựa game bắn súng khác tương tự Resident Evil chắc chắn cũng không phải quyết định khôn ngoan, vì vậy tôi cần phải nghĩ đến một tựa game khác nhẹ nhàng hơn, và tôi chọn Harvest Moon. Sản phẩm dành cho hệ máy Super Nintendo phát triển bởi studio nhỏ Amccus mô phỏng lại cuộc sống của một người nông dân vùng quê.

Bạn được giao nhiệm vụ chăm nom khu vườn khô cằn và biến nó trở thành một cơ ngơi rộng lớn thông qua việc trồng trọt, chăn nuôi và tìm cách thích ứng với thời tiết 4 mùa. Chẳng mấy chốc, tôi đã bị ám ảnh bởi Harvest Moon, đến mức độ đặt chuông đồng hồ báo thức vào nửa đêm chỉ để trồng thêm hạt giống, tưới cây và bán nông sản kiếm được từ khu vườn, tất cả chỉ nhằm lấy về những đồng tiền ít ỏi cho vài món đồ uống tại quán rượu trong game.

Quán rượu của ngôi làng cũng là nơi tốt nhất để người chơi có thể bắt gặp và kiếm cho mình một cô vợ xinh đẹp. Hãy nhớ rằng lúc đó tôi mới chỉ 12 tuổi, cái độ tuổi mà bạn gái còn là một khái niệm rất mơ hồ và xa xỉ. Harvest Moon một lần nữa lại đánh trúng điểm yếu của tôi cũng như vô số cậu bé tuổi mới lớn khác, khiến cho chúng như bị mê hoặc và tiếp tục đốt thời gian vào game.

Nhưng sai lầm lớn nhất mà tôi mắc phải từ việc chơi Harvest Moon, đó là cách nhìn nhận phụ nữ như những món hàng có thể mua được bằng tiền hay trao đổi bằng quà cáp. Vào năm lớp 7 trong một chuyến du lịch cùng với nhóm bạn cùng lớp, tôi quyết định mua một chiếc nhẫn và tặng cho đối tượng mà mình để ý đã lâu. Mặc dù nó chỉ là món đồ lưu niệm làm bằng kim loại rẻ tiền nhưng nó vẫn khiến cho túi tiền tiết kiệm của tôi bốc hơi trong nháy mắt.

Với toàn bộ kiến thức về tình yêu "học hỏi" được từ một tựa game, 3 tuần sau tôi đã lấy hết dũng cảm để đến nhà và tặng chiếc nhẫn cho cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ. Sau câu "cảm ơn" ngày hôm đó, chúng tôi không bao giờ trò chuyện với nhau nữa. Buổi tối ngày hôm đó sau khi thuật lại câu chuyện cho bố mẹ, tôi đã được nghe giảng giải rằng: Con gái không phải nhân vật game. Họ là con người và tình yêu không đơn giản là có thể đánh đổi được bằng tiền và quà tặng. Như vậy đấy, vấn đề không phải nằm ở tựa game có bạo lực hay không mới gây ảnh hưởng xấu tới người chơi. Nhận thức sai lầm sẽ dẫn đến hành động sai lầm.

Giờ đây khi ngồi trước màn hình với Stardew Valley, thay vì mải mê theo đuổi những cô gái ảo hay ngày đêm trồng trọt kiếm tiền, nhân vật của tôi cũng có một ngày bình thường như bao người dân khác. Và khi cậu ta chìm vào giấc ngủ, tôi lại quay về với cuộc sống thực của mình.

Nguồn: The Verge

>> Tựa game nhìn tưởng vứt đi này sẽ khiến bạn tốn vài trăm tiếng nếu chơi thử