Sự khác biệt về góc nhìn trong game: FPS và TPS

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/08/2015 03:30 AM

FPS và TPS - Đó là hai góc nhìn phổ biến nhất trong game ngày nay và mỗi trong số chúng lại có liên quan mật thiết tới gameplay của trò chơi.

Tưởng tượng rằng, bạn là một nhà phát triển trò chơi và hiện đang làm việc trong dự án thiết kế game bắn súng. Rõ ràng bạn sẽ tạo ra những món vũ khí hầm hố, chương trình AI thật thông minh, môi trường phù hợp cho nhiều loại chiến thuật đa dạng, từ cận chiến tầm gần tới những phát đạn thiện xạ ở khoảng cách xa tít tắp.

Tất cả những yếu tố kể trên đều quan trọng và có thể làm nên sự khác biệt giữa một sản phẩm chất lượng cao và thấp. Nhưng trước khi bước vào công đoạn thiết kế chúng, lập trình viên cần phải đối mặt với lựa chọn đầu tiên khi nhắc tới thể loại game bắn súng, đó là đi theo góc nhìn người thứ nhất hay thứ ba? 

The important differences between first-person and third-person games

Một câu hỏi nghe qua có vẻ đơn giản. Chúng ta muốn người chơi hành động và trải nghiệm thế giới qua con mắt của nhân vật chính, hay sẽ tốt hơn nếu như mô hình anh ta xuất hiện trên màn hình? Điều này có lẽ còn phụ thuộc vào sở thích của từng game thủ.

Dù vậy, sự khác biệt giữa góc nhìn người thứ nhất và thứ ba còn sâu xa hơn thế. Chúng có ảnh hưởng trực tiếp tới gameplay cũng như nội dung mà tựa game muốn truyền tải tới game thủ. Mỗi quyết định thiết kế đều liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau và câu hỏi về camera trong game cũng không phải ngoại lệ. Thực tế, việc coi thường vấn đề về góc nhìn thường xuyên khiến tạo cho các trò chơi cảm giác rời rạc, đặc biệt là trong khâu điều khiển nhân vật.

Bài viết này sẽ đưa ra một vài lý do tại sao việc lựa chọn góc nhìn người thứ nhất và thứ ba có thể thay đổi hoàn toàn một tựa game. Trong thực tế có tồn tại những trò chơi sử dụng cả hai góc nhìn, nhưng chúng ta sẽ không bàn đến chúng mà thay vào đó, chủ yếu đi sâu vào sự khác biệt giữa hai hệ thống hai camera cũng như ưu điểm của từng loại đối với từng trường hợp cụ thể.

Độ nhập tâm khi trải nghiệm game

Yếu tố đầu tiên phân biệt giữa một trò chơi FPS với TPS đó là cảm nhận về thế giới ảo xung quanh. FPS cho phép người chơi dễ dàng quên đi môi trường thực để nhập tâm vào những gì đang xảy ra trên màn hình xuất phát từ việc họ quan sát mọi thứ thông qua đôi mắt của chính nhân vật.

Trong trường hợp game FPS, bạn - người chơi - nhân vật đều là một. Thông qua việc hóa thân trở thành nhân vật chính, các tình huống trong game trở nên thực tế hơn. Lấy ví dụ tựa game kinh dị Alien: Isolation. Bạn điều khiển nhân vật chính Amanda Ripley, hay đúng hơn bạn chính là Ripley. Bạn chứng kiến, đối mặt và giải quyết mọi tình huống trong game. Không khí căng thẳng hồi hộp, những màn hù dọa gây giật mình tỏ ra hiệu quả hơn hẳn dưới góc nhìn người thứ nhất.

Alien Isolation FPS Gameplay.

Tất nhiên theo dõi gameplay của một trò chơi kinh dị trên YouTube sẽ chẳng thể nào bằng với việc trực tiếp trải nghiệm nó, nhưng có một điều chắc chắn là bạn luôn luôn cảm thấy lo lắng khi buộc phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm trong vai Amanda. Cảm giác đáng sợ này không chỉ xuất phát từ hình ảnh và âm thanh tuyệt vời của Alien: Isolation mà còn nằm ở lựa chọn góc nhìn hợp lý của hãng phát triển.

Và hãy so sánh những gì có ở trên với một đoạn gameplay tương tự nhưng được chơi dưới góc nhìn người thứ ba:

 

Đáng sợ? Có thể, nhưng chắc hẳn nhiều người sẽ đồng tình rằng các cảnh quay dưới góc nhìn TPS chắc chắn thiếu đi độ hồi hộp có trong đoạn video đầu tiên. Lý do là bởi con Xenomorph không săn tìm người chơi. Nó đuổi theo Amanda Ripley. Kết quả là người chơi không còn cảm thấy như mình đang bị đặt vào tính thế nguy hiểm và Creative Assembly thật sáng suốt khi đã không lựa chọn góc nhìn này trong tựa game chính thức.

Sự gắn kết giữa người chơi và nhân vật

Nói đến góc nhìn người thứ ba, những trò chơi kiểu này có phương pháp làm người chơi nhập tâm theo một cách khác so với FPS. Chúng cố gắng tạo ra sự gắn kết giữa game thủ với nhân vật trên màn hình thay vì nhân vật và thế giới xung quanh. Điều quan trọng là họ cảm thấy thế nào về nhân vật mà mình đang điều khiển, sự tương tác giữa anh/cô ta với các sự kiện trong game.

Ví dụ điển hình cho một trò chơi góc nhìn người thứ ba trong đó chúng ta chứng kiến những thay đổi trên nhân vật là Spec Ops: The Line. Game thủ điều khiển đại úy Martin Walker, chứng kiến anh ta tương tác với thế giới đầy Dubai hậu tận thế đen tối. Chúng ta cảm thông với sự đau khổ mà Walker phải chịu đựng, quyết định mà anh đưa ra chứ không phải người trực tiếp trải qua những gì đến với nhân vật này.

Spec Ops The Line Ending.

Kết quả, những gì mà người chơi nhớ về Spec Ops: The Line sau đó là đại úy Martin Walker, về hành trình và kết cục của nhân vật này chứ không phải những gì họ được chứng kiến trực tiếp xảy đến với bản thân. Nói tóm lại, TPS tỏ ra hiệu quả khi hãng phát triển muốn xây dựng một hình tượng nhân vật có tính cách, để lại nhiều dấu ấn và có tiềm năng xuất hiện trở lại trong những phiên bản tiếp theo. Bạn cứ thử so sánh giữa John Marston và bất kì nhân vật chính trong game FPS nào mà xem.

Gameplay

Yếu tố thứ hai chịu ảnh hưởng bởi hệ thống camera của trò chơi là cách người chơi vận dụng phản xạ của mình trong việc điều khiển nhân vật. Góc nhìn chuyển đổi nhanh hay chậm, có những gì xuất hiện trên màn hình ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm khi chơi và cần được cân nhắc kĩ bởi các lập trình viên.

Bởi sự khác biệt rõ rệt về mặt hình ảnh hiển thị giữa FPS và TPS trong thể loại game bắn súng, các nhà phát triển cần tính toán, cân chỉnh hệ thống di chuyển lẫn ngắm bắn sao cho phù hợp. Thực tế, FPS hay TPS đều có những ưu và nhược điểm riêng khi nói đến hai yếu tố này.

FPS thường có nhịp độ nhanh bởi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những gì đang xảy ra trên màn hình. Ngắm bắn dù có hồng tâm hay không tỏ ra chính xác hơn nhiều so với game sử dụng góc nhìn người thứ ba, bởi lẽ bạn không phải liên tục di chuyển để tránh điểm mù chính là mô hình nhân vật. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tất cả những game bắn súng đang thịnh hành trong các giải đấu ngày nay đều thiết kế theo phong cách FPS.

Không gì bì kịp FPS khi xét về yếu tố tốc độ và phản xạ. Counter Strike là một ví dụ điển hình.

Vậy game bắn súng người thứ ba chắc chắn sẽ không hay? Hoàn toàn không đúng. Bù lại cho sự hạn chế về khả năng quan sát ở phía trước, TPS mang đến cho bạn tầm nhìn bao quát xung quanh nhân vật rộng hơn hẳn. Đối đầu với số đông kẻ địch cùng lúc, phát hiện vị trí ẩn nấp hợp lý, thám thính những gì đang xảy ra ở phía bên kia góc tường... Đó là những lợi thế mà FPS không thể nào bì được so với TPS.

Thể loại hành động lén lút là một ví dụ. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chơi Metal Gear Solid so với một tựa game FPS có lối chơi tương tự, như Sniper Ghost: Warrior chẳng hạn. Tóm lại, góc nhìn FPS sẽ tốt nhất khi công việc mà game thủ cần làm trong trò chơi chủ yếu là chạy và bắn chứ không cần quan tâm tới bất kì thứ gì khác.

Warhammer 40K Gameplay.

Đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu được một số điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hai phong cách thiết kế: FPS và TPS cũng như ảnh hưởng của chúng tới cách truyền tải nội dung game và gameplay. Góc quay camera đặt ở trong mắt hay sau lưng nhân vật - điều đó đã được hãng phát triển suy tính rất kĩ khi thiết kế sản phẩm nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người chơi. Vì vậy lần sau khi bắn hụt một kẻ địch, đừng nghĩ đến việc quở trách góc nhìn trong game dở tệ mà hay vui vẻ chấp nhận như nó là một phần của trò chơi nhé.

Tham khảo: Kotaku

>> Bedlam: Game FPS dành cho game thủ thế hệ 8, 9x