Ryse Son of Rome: "Chân dài não ngắn"

Đạt Nguyễn  - Theo PLXH / PLXH | 01/12/2013 10:00 AM

Ryse: Son of Rome tận dụng được những thế mạnh của next-gen, nhưng bị phá hỏng bởi cốt truyện vô thưởng vô phạt và hệ thống combat tẻ nhạt.

Từ bối cảnh cũng như cốt truyện về một cuộc báo thù đẫm máu, Ryse: Son of Rome được trông đợi sẽ là một đối thủ nặng kí với thương hiệu God of War của Sony. Với sự trợ giúp từ công nghệ CryEngine đầy mạnh mẽ của nhà phát triển Crytek, Ryse: Son of Rome thậm chí còn có ưu thế hơn so với người anh em bên kia chiến tuyến về mặt đồ họa.
 
Thế nhưng, thực tế thì mặc dù có một số ưu điểm nổi bật, Ryse: Son of Rome có vẻ như vẫn chưa tận dụng được hoàn toàn những khả năng phần cứng mạnh mẽ của chiếc console được phát hành cùng ngày. Nói cách khác, game không mang lại cho bạn cảm giác vượt trội nào xứng tầm danh hiệu next-gen so với các game khác trên thị trường hiện nay.
 
Ryse: Son of Rome Review - Polygon.

Cốt truyện của game được viết dựa trên lịch sử của đế chế La Mã, kể về câu chuyện của Marius, một chiến sĩ trong quân đội với một quá khứ đầy bi kịch. Sau khi cuộc đời anh bị giày xéo tan nát bởi một cuộc xâm lược của lũ Barbarian man rợ, Marius trở thành một chiến binh điên cuồng nhất của quân đội Rome, luôn dẫn đầu trong những cuộc chiến mở mang bờ cõi đế chế.

Và lại một video game với nhân vật chính điên cuồng theo đuổi sự báo thù, một mô típ đã khá “cũ kĩ”. Trong một vài cảnh ở đầu game, khi còn có gia đình, Marius là một nhân vật hòa nhã và có nhiều điểm thú vị hơn, nhưng anh nhanh chóng biến chất, trở thành một vị tướng chiến trường chỉ biết chiến đấu và trung thành tuyệt đối. Cốt truyện cũng có một số nút thắt, bí ẩn và các nhân vật mới hầu cố gắng khơi gợi sự hứng thú của người chơi, nhưng bao nhiêu đấy vẫn chưa đủ, dẫn đến một kết cục trống rỗng và nhàm chán – cũng may ít nhất đoạn kết này không cố gắng “úp mở” cho người chơi về một phần tiếp nối của game.

Ryse Son of Rome: "Chân dài não ngắn" 1

Trên thực tế, hầu hết những mảng khác của Ryse: Son of Rome cũng đều nhàm chán y như cốt truyện, mặc dù cũng có một vài điểm sáng trong phần combat của game. Cơ chế chiến đấu có vẻ khá thú vị vào lúc đầu: bạn có thể thoải mái luồn lách giữa hàng tá kẻ thù, thay đổi giữa những đòn tấn công bằng kiếm thông thường, những cú tạt khiên khiến kẻ địch mất thăng bằng, hay dùng khiên để đỡ đòn của đối phương. Khi đã chém trúng đối phương một số lần nhất định, một biểu tượng đầu lâu sẽ xuất hiện trên đầu của chúng, báo hiệu rằng bạn có thể thực hiện một pha kết thúc – một ví dụ điển hình cho sự “màu mè” nhưng thiếu đi giá trị thực tế của Ryse: Son of Rome.

Những pha kết thúc cơ bản chỉ là một đoạn QTE (Quick time event) dài dằng dặc. Trên người kẻ địch sẽ nhấp nháy các màu sắc, và bạn nhất nút bấm trên controller sao cho đúng với những màu này. Phần thưởng của bạn: Một animation “tiễn bạn lên đường” cực kì máu me và bạo lực, bao gồm những cảnh như chặt đứt tứ chi, xương xẩu trắng hếu bên trong lộ cả ra ngoài hay dùng chân nhấn giữ một tên Barbarian dưới nước khi hắn bị ngã xuống – những cảnh khá thú vị nhưng cũng không kém phần gớm ghiếc. Thế nhưng, cho dù bạn có “sở thích” đặc biệt đối với những thứ như vậy, sự nhàm chán cũng sẽ nhanh chóng xuất hiện.

Ryse Son of Rome: "Chân dài não ngắn" 2

Game có hàng tá những pha kết thúc khác nhau, nhưng nếu bạn là một game thủ cứng cựa – chơi game theo kiểu tiêu diệt kẻ địch nhanh nhất có thể để nhận được nhiều điểm thưởng – bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những pha kết thúc này lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Mặc dù chỉ mất khoảng 5 tiếng ngắn ngủi để phá đảo game nhưng sự nhàm chán vẫn hiện diện cho thấy mức độ thiếu hấp dẫn của gameplay là như thế nào.
Không những vậy, những QTE kết thúc này thực sự không cần một chút kĩ năng nào cả. Mặc dù đúng là bạn cũng phải “rỉa máu” kẻ thù vài nhát mới có thể kết thúc, nhưng một khi pha kết thúc bắt đầu, bạn hoàn toàn có thể bỏ controller xuống và thưởng thức. Việc bấm nút đủ nhanh sẽ giúp bạn nhận được nhiều exp hơn, nhưng đoạn animation sẽ cứ diễn ra ngay cả khi bạn không làm gì cả. Tệ hơn, cả game sẽ chỉ có khoảng 5 hay 6 loại kẻ địch khác nhau, và những màn combat sẽ cứ thế mà lặp lại – né tránh, tạt khiên, dùng kiếm chém, lặp lại, kết thúc...

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận Ryse: Son of Rome có một số khoảnh khắc đáng nhớ, như cảnh Marius cùng với quân đoàn của mình sắp xếp trận hình. Họ tiến về phía trước, nâng cao khiên để chắn những mũi tên lửa bắn xuống và dừng lại để phóng lao khi tới đúng tầm ném - một cảnh tượng chiến tranh khá cơ bản nhưng cũng rất thú vị khi người chơi được trực tiếp tham gia vào đội ngũ.
 
Hay ở một cảnh khác, Marius chỉ huy binh lính trong một tòa thành phòng thủ, lũ Barbarian dựng thang và dùng máy ném đá cố gắng công thành. Những trường đoạn như vậy cho bạn nhiều thứ để làm hơn là những màn combat lặp đi lặp lại, và thậm chí bạn còn có thể tự hò hét mệnh lệnh thông qua hệ thống Kinect mới cực nhạy của Xbox One.

Ryse Son of Rome: "Chân dài não ngắn" 3

Thế nhưng những phân đoạn hay ho như vậy chỉ là ngoại lệ trong Ryse: Son of Rome. Chúng thậm chí còn không hề xuất hiện trong co-op multiplayer của game.

Mang cái tên “Gladiator mode”, chế độ co-op online của Ryse: Son of Rome hướng đến việc kéo dài thêm thời lượng chơi thông qua việc lên level khá chậm và hệ thống item mới hoàn toàn so với single-player. Tuy vậy, tất cả những gì bạn có thể làm vẫn chỉ là những màn chém giết lặp đi lăp lại, và thậm chí sự “màu mè” vốn có cũng bị mất đi khá nhiều. Những màn trình diễn đồ họa bị ảnh hưởng bởi việc phải nhìn các đồng đội của bạn đứng như trời trồng trong khi chính họ cũng đang thực hiện một pha kết thúc tương tự.

Có hàng tá loại áo giáp và vũ khí khác nhau cho phép bạn lựa chọn. Theo lý thuyết việc này sẽ tăng thêm chiều sâu cho game, nhưng thực tế thì hệ thống item của game vừa nhạt nhẽo lại vừa gây khó chịu. Hầu hết các item ảnh hưởng rất nhỏ đến những điểm stat của bạn và theo những cách rất khó có thể nhận ra. Tăng tốc độ nhận điểm Focus để thực hiện các đòn tấn công đặc biệt, tăng tốc độ nhận exp...  – khiến cho việc kiếm được item mới trở nên kém hào hứng đi rất nhiều.

Ryse Son of Rome: "Chân dài não ngắn" 4

Thậm chí, mọi thứ còn tệ hơn khi bạn phải bỏ tiền ra mua mà không nhận được đúng thứ mình cần. Ryse: Son of Rome sử dụng vàng làm tiền tệ. Bạn có thể từ từ kiếm vàng trong game bằng cách chiến đấu trong các đấu trường, hoặc cũng có thể dùng "tiền tươi thóc thật" để mua. Vàng được bán theo từng gói, từ gói 1000 có giá $0.99 cho đến gói 25000 có giá $19.99; còn gói item level cao nhất có giá 6000 vàng với 3 món item ngẫu nhiên.
 
Vấn đề chính là ở đây: ngẫu nhiên. Trong Ryse: Son of Rome, bạn không thể mua chính xác một món đồ riêng lẻ nào cả. Bạn buộc phải mua những gói khác nhau với số lượng và cấp độ item xác định. Vì vậy, rất có thể bạn sẽ phải bỏ phí số gold mà mình vất vả cày cuốc mà không nhận được thứ gì có giá trị cả.
 
Thế mạnh next-gen của Ryse: Son of Rome được thể hiện rõ nhất là ở mặt đồ họa của game, đặc biệt là những khuôn mặt và cơ thể con người. Các nhà phát triển game từ vài năm nay vốn đã có nhiều mánh khóe hoàn hảo để làm nên cảnh vật môi trường trở nên sống động, thế nhưng việc tạo nên cái hồn cho khuôn mặt người lại là một vấn đề khó khăn hơn rất nhiều. Hệ thống CryEngine mới nhất của Crytek đã có những bước đột phá khổng lồ về mặt này.

Ryse Son of Rome: "Chân dài não ngắn" 5

Khuyết điểm duy nhất của game về mặt đồ họa có lẽ là sự lặp lại giữa các mẫu nhân vật. Ryse có khá ít loại kẻ thù, và mỗi loại gần như giống nhau như đúc mỗi khi bạn đối mặt với chúng. Ví dụ, những tên mang khiên luôn sẽ là một gã vạm vỡ, râu ria xồm xoàm – điều này đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy buồn cười khi phải đối đầu với 2 tên giống y hệt nhau cùng một lúc.

Nói tóm lại, Ryse: Son of Rome giống như một cô nàng xinh đẹp chân dài nhưng não ngắn. Với sức mạnh của chiếc console mới, game có chất lượng đồ họa cực cao, các nhân vật rất có hồn, những màn combat cũng cực kì nóng bỏng và đầy máu me. Thế nhưng, tất cả những vẻ đẹp đó đã bị bỏ phí bởi một cốt truyện vô thưởng vô phạt và một hệ thống combat đơn điệu, tẻ nhạt. 
 
Theo Polygon