Resident Evil Revelations 2 Review: Ông vua kinh dị thức tỉnh

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/03/2015 0:00 AM

Resident Evil: Revelations 2 là một tựa game survival horror hay, dù vậy Capcom vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại niềm tin ở Resident Evil.

Ra mắt vào năm 2012, Resident Evil: Revelations khi đó đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ vì mang lại trải nghiệm rất giống với những tựa game đầu tiên thay vì sa đà vào những màn hành động cháy nổ ồn ào. Tiếp nối thành công ấy, Capcom tiếp tục phát triển Revelations 2, lấy bối cảnh giữa những sự kiện xảy ra ở hai phiên bản 5 và 6.

Trò chơi vừa phát hành vào cuối tháng 2 vừa qua theo hình thức từng tập một, và trong bài đánh giá ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng xem, 3 phần đầu tiên của nó đã nói lên được những điều gì (hoặc các bạn có thể theo dõi video review ở phía trên cùng).

Cốt truyện

Trò chơi bắt đầu khi Claire Redfield - nhân vật đã quá quen thuộc đối với fan của dòng Resident Evil và Moira Burton - con gái cựu thành viên biệt đội S.T.A.R.S Barry Burton bất ngờ bị tấn công và bắt cóc. Tỉnh dậy trong một nhà giam cũ kĩ, họ nhanh chóng nhận ra rằng nơi này không bình thường chút nào và cần phải tìm cách thoát khỏi đó càng sớm càng tốt.

Một nửa thời lượng còn lại, bạn sẽ vào vai Barry với mục tiêu tìm kiếm con gái mất tích của mình. Ngay khi vừa đặt chân lên hòn đảo, Barry gặp gỡ cô bé Natalia và bộ đôi bất đắc dĩ này từ đó đồng hành cùng nhau trên hành trình đi tới ngọn tháp bí ẩn - nơi Natalia nói rằng Moira đã chết ở đó từ 6 tháng trước.

Về cơ bản, những gì mà mỗi cặp nhân vật trải qua thực chất đều nằm trên cùng một chặng đường, dù vậy khoảng cách về thời gian sẽ tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Những nơi Claire và Moira đi qua sẽ chỉ còn là đống đổ nát khi Barry đặt chân tới 6 tháng sau, và góc nhìn này cứ liên tục chuyển đổi qua lại theo từng chương khi họ tiến gần tới ngọn tháp. Điều này khiến cho người chơi cảm thấy có một biến cố nào đó thật khủng khiếp đã xảy ra trên hòn đảo và ngày càng tò mò hơn khi cốt truyện dần tiến về phía kết thúc.

Cốt truyện và bầu không khí u ám trong Revelations 2 được làm rất tốt.

Thiết kế một tựa game như vậy không phải là dễ nhưng về mặt cốt truyện và dẫn dắt, có thể nói đội ngũ phát triển Capcom đã thành công trong Resident Evil: Revelations 2. Một điểm đáng thắc mắc là tại sao hãng game Nhật Bản lại chọn hình thức phát hành theo từng tập trong khi trò chơi hoàn toàn có thể ra mắt như một tựa game hoàn chỉnh, như vậy các điểm mạnh yếu trong từng phần rõ ràng sẽ bù trừ cho nhau tốt hơn rất nhiều.

Gameplay

Về gameplay, Resident Evil: Revelations 2 không khác nhiều so với người tiền nhiệm nói riêng và các phiên bản Resident Evil khác nói chung. Vẫn là lối chơi hành động dưới góc nhìn người thứ ba và cơ chế ngắm bắn qua vai. Dù vậy, bạn sẽ điều khiển từng cặp nhân vật thay vì đơn độc một mình. Claire cùng Moira, Barry cùng Natalia sẽ luân phiên nhau khám phá hòn đảo bí ẩn ở từng chương. Claire, Barry là các nhân vật đảm nhiệm vai trò chiến đấu chính trong khi hai cô gái còn lại thực hiện các công việc hỗ trợ. Bạn có thể chuyển sang điều khiển nhân vật bất kì vào mọi lúc bằng một phím bấm đơn giản, khi đó nhân vật còn lại sẽ do AI đảm nhiệm.

Cơ chế bắn súng và điều khiển trong Revelations 2 mượt mà không chê vào đâu được.

Nếu như cô bé Natalia rất được việc với khả năng cảm nhận vị trí kẻ địch từ xa, kể cả sau chướng ngại vật như tường thì Moira lại tỏ ra mờ nhạt khi sở hữu vũ khí gây sát thương duy nhất là thanh xà beng. Mặc dù cây đèn pin cùng khả năng gây choáng trong chốc lát ban đầu có vẻ hữu dụng nhưng càng về sau khi kẻ địch xuất hiện ngày càng đông, nó xem ra chẳng thể hiệu quả bằng vài phát súng chính xác vào đầu mục tiêu. Có lẽ ở cấp độ khó cao hơn khi đạn dược trở nên khan hiếm, người chơi mới cần áp dụng tới chiến thuật này.

Không quá khi nói rằng nhân vật đồng hành chỉ tổ làm vướng chân khi chiến đấu.

Ngoài việc soi sáng đường đi cùng mở các loại hòm chứa item, Moira thực sự là một gánh nặng khi chiến đấu, đó là còn chưa kể đến những ngôn từ chửi tục thô lỗ đậm chất một teengirl nổi loạn dễ khiến bạn phải cảm thấy khó chịu.

Về phần Natalia, khả năng phát hiện quái vật cho phép người chơi có thể lựa chọn lối chơi bí mật tấn công từ phía sau để tiết kiệm đạn dược, nhưng nói như vậy không có nghĩa Revelations 2 được thiết kế như game hành động lén lút thực thụ. Phần lớn thời gian, Barry vẫn cần phải chiến đấu trực diện và ở những tình huống như vậy, khả năng quăng gạch làm choáng từ xa của Natalia cũng tỏ ra hữu ích hơn nhiều so với cây xà beng của Moira.

Revelations 2 cũng có một vài trường đoạn hành động lén lút.

Nâng cấp súng đạn là yếu tố vốn hấp dẫn từ Resident Evil 4 và vẫn được Capcom duy trì tốt trong Revelations 2. Vũ khí đa dạng kết hợp thêm các loại item phụ trợ được giấu trong các loại hòm mang đến rất nhiều lựa chọn cho người chơi trong việc trừng trị lũ quái vật. Bạn thích đàn áp nhanh chóng? Đã có cây shotgun tăng cường hỏa lực. Giữ khoảng cách an toàn từ xa? Hãy dồn những nâng cấp tốt nhất cho cây súng bắn tỉa hoặc tiểu liên và tặng cho kẻ địch vài lỗ xâu khuyên.

Sau mỗi chương, số lượng điểm BP tích lũy từ việc đạt được những mục tiêu mà game đề ra hay thu thập các loại ngọc dọc đường đi có thể được sử dụng để mua các kĩ năng. Thoạt tiên trông chúng có vẻ đa dạng nhưng thực chất, chỉ có vài skill là thật sự hữu dụng như tăng cự li né tránh, tăng sát thương, nâng cao hiệu quả hồi máu còn phần còn lại thực sự không tạo nên nhiều khác biệt.

Được đóng mác Resident Evil, chắc nhiều người cảm thấy thắc mắc liệu Revelations 2 có kinh dị hay không? Và câu trả lời là không. Mặc dù phần lớn các màn chơi đều được thiết kế chật hẹp, đồ họa cũng làm tốt nhiệm vụ của mình với những khung cảnh tối tăm đầy rẫy sinh vật ghê rợn nhưng việc các pha đụng độ trong game dễ đoán trước đã làm giảm tính kinh dị đi rất nhiều. Xuyên suốt 3 phần chỉ có vài tình huống gây bất ngờ buộc người chơi phải ứng biến, còn lại chúng đều được sắp đặt theo kiểu: Bật một công tắc, mở một cánh cửa, quái vật xuất hiện, người chơi tiêu diệt hết và cứ lặp lại như vậy.

Có ai là không lên tinh thần sẵn trước khi kích hoạt những công tắc kiểu này?

Thêm vào đó, sự hiện diện của người bạn đồng hành cùng những câu bình phẩm dọc hành trình, đặc biệt là Moira cộng thêm việc Capcom giảm bớt chi tiết máu me mỗi khi nhân vật tử nạn cũng phần nào khiến Revelations 2 không còn đáng sợ cho lắm.

Một thiếu sót nữa của game là sự thiếu vắng các trận đấu trùm. Phải đến cuối chương hai và chương ba người chơi mới có cơ hội giáp mặt với vài con boss, chưa kể phần lớn chúng nên được gọi là mini boss thì hợp lý hơn. Không cần chiến thuật cụ thể, chỉ cần chạy vòng quanh, tránh né và xả súng cho tới khi chúng gục ngã là những gì có thể nói về đấu trùm trong Revelations 2, ngoại trừ con boss ở cuối chương 3 mà Claire và Moira phải hạ gục. Đây là trận chiến duy nhất cần phải động não cũng như mang lại sự phấn khích cho người chơi.

Phần lớn những trận đấu trùm trong Revelations 2 đều tỏ ra tẻ nhạt.

Về khía cạnh giải đố, nếu như hai chương đầu tiên tỏ ra thiếu vắng yếu tố này thì sang đến chương 3, Capcom đã bù đắp khá tốt cho người chơi. Các câu đố đa dạng không hề lặp lại, logic nhưng không đến mức quá khó, đồng thời tận dụng tốt sự phối hợp giữa 2 nhân vật với nhau.

Trần chông, cạm bẫy rất quen thuộc của dòng Resident Evil.

Ngoài ra, nhiều vật dụng ẩn rải rác dọc đường đi cũng đòi hỏi người chơi phải để ý quan sát để tránh bỏ sót, một số khu vực bí mật dành cho Barry còn đòi hỏi sự chuẩn bị từ trước đó khi điều khiển Claire. Nhìn chung, gameplay của Revelations 2 đã cân bằng khá tốt giữa hai yếu tố hành động và giải đố.

Raid Mode

Sau khi hoàn thành phần chiến dịch, người chơi có thể đến với Raid Mode để tiếp tục trải nghiệm những màn bắn giết quái vật. Giống như phiên bản trước, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc lựa chọn nhân vật, tùy chỉnh kĩ năng và vũ khí trước khi bước vào cuộc chơi. Nhiệm vụ trong Raid Mode rất đơn giản, bạn chỉ cần tiêu diệt một lượng quái vật nhất định, đi từ A tới B mà không để chết là hoàn thành.

Raid Mode là chế độ sẽ giữ chân người chơi thay vì Campaign ngắn ngủi.

Dù vậy, gameplay mang hơi hướng thể loại nhập vai như việc sát thương gây ra sẽ nhảy số trên đầu mục tiêu, những item nâng cấp vũ khí cho phép bắn ra băng, lửa, sét, hệ thống điểm kinh nghiệm và tiền nhận được dùng để nâng cấp kĩ năng và mua vũ khí đã biến Raid Mode trở thành điểm sáng hấp dẫn của Revelations 2. Dọc đường đi mở các rương kho báu, bạn còn nhận được những loại thẻ chưa rõ danh tính cần phải dùng tiền để giám định khi trở về căn cứ. Đó có thể là một cây súng mạnh hơn, một bộ phận nâng cấp hữu ích và cứ như vậy, người chơi bị cuốn vào Raid Mode lúc nào không hay biết.

Một số nhiệm vụ cấp cao trong Raid Mode còn đòi hỏi người chơi phải đạt thành tích nhất định ở phần chiến dịch mới mở khóa được và vì thế làm tăng giá trị chơi lại của game lên rất nhiều. Mặc dù chưa có cơ hội thử nghiệm chế độ co-op nhưng dự đoán Raid Mode sẽ còn vui hơn rất nhiều khi chơi cùng bạn bè.

Đồ họa và âm thanh

Chất lượng hình ảnh của Revelations 2 chỉ xếp ở mức khá, một phần vì game không phát triển phiên bản cho các hệ máy console mới. Bù lại, game yêu cầu cấu hình nhẹ nhàng, gần như luôn ổn định ở mức 60 khung hình với thiết lập cao nhất ở PC tầm trung. Các loại quái vật được thiết kế với diện mạo kì quái vừa phải chứ không đến mức quá kệch cỡm như phiên bản đầu tiên.

Đồ họa Revelations 2 chỉ ngang bằng với các tựa game đời cuối trên PS3, Xbox 360.

Âm thanh trong game đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Nhạc nền mang âm hưởng ma quái sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho những giai điệu dồn dập khi đụng độ quái vật. Xuyên suốt quá trình chơi, những tiếng rên rỉ, âm thanh kì lạ luôn đồng hành theo từng bước chân của các nhân vật, khiến bạn không rõ nó phát ra từ kẻ địch hay chỉ là chiêu hù dọa của game, vì thế mà thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, cảnh giác cao độ.

Đáng tiếc, yếu tố kinh dị lại chưa được phát huy hết vì thiếu đi tính bất ngờ như đã đề cập và trên hết, vì nguyên nhân mà không hiểu tại sao Capcom vẫn chưa chịu sửa đổi trong 10 năm qua kể từ Resident Evil 4 - sự hiện diện của một nhân vật khác bên cạnh người chơi, xóa bỏ hoàn toàn cảm giác đơn độc buộc phải có ở thể loại game survival horror.

Nếu phải đơn độc một mình, Revelations 2 đã có thể kinh dị hơn.

Sạn

Giống như mọi trò chơi khác, Revelations 2 cũng không tránh khỏi những hạt sạn nhỏ, ví dụ như quái vật bị mắc kẹt sau tường, người bạn đồng hành của chúng ta có xu hướng thích đâm đầu vào chỗ nguy hiểm, hướng dẫn nút bấm bị lộn ngược hay tình huống mà người viết bị phát hiện và tấn công bởi quái vật ở trong nhà mặc dù còn chưa hề mở cửa. May mắn là những tình huống như vậy chỉ xuất hiện đúng một lần trong cả quá trình chơi, vì vậy mà hoàn toàn có thể bỏ qua được.

Kết

Công bằng mà nói, Resident Evil: Revelations 2 không phải là một tựa game hành động kinh dị xuất sắc. Dù vậy qua những gì mà nó đã thể hiện trong 3 chương vừa qua, có thể khẳng định rằng Capcom đang đưa thương hiệu Resident Evil đi đúng hướng và it nhất thì so với Resident Evil 6 hồi năm 2012, nó còn là một tựa game đáng chơi hơn rất nhiều.

Không còn quá sa đà vào hành động, không còn những màn Quick Time Event thừa thãi đến mức lố bịch, Resident Evil: Revelations 2 rất xứng đáng có mặt trong bộ sưu tập của các fan hâm mộ Resident Evil. Kết thúc trò chơi ra sao, xin nhường lại cho bạn đọc tự khám phá trong phần 4 mới được phát hành gần đây.

>> Resident Evil 6 đã được Việt hóa hoàn chỉnh