Những lý do để... ghét game thủ PC (Phần cuối)

Phêu  | 25/04/2011 09:59 AM

Trong một bài viết gần đây, PC World đã tỏ ra hơi quá lố trong việc châm chọc quan điểm cá nhân của game thủ.

Những lý do đầu tiên của bài viết mà PC World đưa ra đã khá nực cười, nhưng phần sau của nó còn "chướng tai gai mắt" hơn nữa!
 
Lý do thứ năm: Họ là những con nghiện đồ họa

"Dân chơi PC thường chẳng để ý mấy đến chất lượng gameplay. Cảm hứng chủ đạo của họ nằm ở việc đắp thêm những thiết bị đắt tiền để cỗ máy khổng lồ của mình có thể chạy nhanh thêm vài khung hình một giây. Khi mà bạn dành nhiều thời gian để nhìn thông số máy hơn là chơi game: bạn không còn là game thủ nữa!"
 

Điều này... thực sự là là chụp mũ hết cỡ. Chính những game thủ PC mới là những người "khóc" to nhất về chuyện thiên hạ coi trọng hình thức hơn nội dung. Và nếu như những gì PC World nói là thật, lý do gì để những website bán game như GoG, GamersGate hay Steam vẫn đều đặn bán những tựa game cổ điển - một số trong chúng đã được làm từ cả chục năm trước?
 
Có rất nhiều người không có nhiều kiến thức về game, và ấn tượng đầu tiên của họ về trò chơi điện tử là chúng trông như thế nào. Cứ theo như lý luận trên, nếu game thủ sở hữu một chiếc Playstation 3 và điều chỉnh để nó xuất hình ở độ phân giải 1080 - không phải anh ta cũng trở thành một gã vênh váo đáng ghét hay sao?
 
Lý do thứ sáu: Họ lấy tiền đè trình độ


"Vậy là bạn vẫn muốn trở thành một game thủ PC? Dễ ợt, việc đầu tiên là mua một giàn máy khủng - chẳng hạn như bộ Origin Genesis có giá 10 ngàn USD. Muốn có hình ảnh mượt mà với nhiều hiệu ứng hơn? Hãy thử chiếc card màn hình giá 2 ngàn USD của ASUS này... Hoặc giả bạn muốn ôm máy đi chơi? Đã có chiếc laptop Lamborghini VX5 chỉ với 3 ngàn 500 USD.... chưa kể đến việc bạn có thể mua cả ba!
 
Dĩ nhiên, người ta có thể mua một chiếc Wii, một Playstation 3, một Xbox 360 và một NDS với giá phân nửa của chiếc card màn hình... nhưng làm gì có game thủ PC nào đủ thông minh để làm điều đó?"
 

Tệ quá, bởi vì đó chính xác là điều một game thủ lâu năm, có khả năng tài chính thường xuyên làm. Sở hữu tất cả các hệ máy không phải là vấn đề quá khó khăn với một người có thu nhập trung bình - đôi khi cả với game thủ Việt Nam. Đó là một khoản đầu tư một lần, có thể chia làm nhiều đợt và có giá trị giải trí lâu dài. Nếu như chiếc PC không hỏng, rất ít người thường xuyên thay mới chúng, còn với những người chuyên độ máy - họ chẳng bao giờ tự nhận mình là game thủ và thường xuyên có cách quay vòng thiết bị của mình để giảm thiểu chi phí.
 
Nhưng quan trọng hơn, những món đồ mà họ liệt kê ra trong lý do thứ sáu đều là những món xa xỉ chẳng mấy người có khả năng chạm tới. Chưa kể đến việc thực ra chúng cũng tương đương với những chiếc console mạ vàng/bạc/gỗ quý hoặc độ hình Halo mà các hãng chế tác thủ công vẫn thường làm với số lượng cực kì hạn chế.
 
Lý do thứ bảy: Game trực tuyến

"World of Warcraft..."
 

Khá ngắn gọn và giải thích được nhiều điều. Đáng tiếc, rất nhiều cậu bé đã bỏ ra hàng nghìn tiếng trong Halo 3 - buồn hơn việc tham gia một môi trường được thiết kế với ít nhiều tính xã hội. Nếu như bạn bắn súng trên mạng, thông thường câu giao tiếp thông minh nhất mà bạn nhìn thấy trong cả buổi tối thứ Sáu là "Haha, noob quá!" bởi một cậu học trò trung học.
 
Lý do thứ tám: Họ phàn nàn luôn mồm

"Game thủ PC luôn có lý do để không hài lòng. Mỗi khi một tính năng mà họ yêu thích bị bỏ khỏi trò chơi, hoặc không được làm tới nơi tới chốn, dân chơi PC giận dữ nổi loạn ở khắp nơi, trừ điểm trò chơi thậm tệ và rủa xả nó tại các diễn đàn.
 

Các bạn có để ý thấy tại sao các nhà phát hành đang dần rời xa thị trường PC không? Bởi vì họ cảm thấy không đáng phải đối mặt mới những chỉ trích vô lý mà khách hàng ngồi sau màn hình máy tính của họ liên tục ném ra. Không hiểu những gã này đang nghĩ gì, hay họ thực sự muốn đón chờ ngày chẳng còn ai làm game cho chiếc máy yêu quý của họ nữa?"
 
Tuyệt. PC World vừa miêu tả thói quen lớn nhất của... loài người. Đó là việc xảy ra với tất cả mọi thứ - chẳng cứ gì trò chơi điện tử. Khi một sản phẩm trở nên nổi tiếng, cộng đồng sẽ chú ý đến nó nhiều hơn và sự trông đợi ngày càng gia tăng. Lẽ dĩ nhiên, số lời phàn nàn và phản ứng trái chiều cũng phải tăng theo?
 

Và thực ra có gì là sai trái khi người ta muốn có những trò chơi sâu sắc hơn, hay hơn qua từng thời kì? Chẳng lẽ game thủ console là những con cừu ngu ngốc, tin bất cứ thứ gì mà nhà phát hành ném về phía họ và không có đủ trí tuệ để phân biệt đâu là game dở và đâu là game hay? Dù là cố tình trêu đùa đi nữa, bài viết này cũng đã thể hiện mức độ biên tập quá lỏng lẻo của PC World, và họ xứng đáng mất đi một lượng độc giả không nhỏ.

(Tổng hợp)
Xem thêm:

pc

phân tích