Những cặp nhân vật game cùng cha khác... ông nội

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/08/2015 0:00 AM

Sự tương đồng về thiết kế giữa những cặp nhân vật game này là chuyện không cần phải bàn cãi.

Hàng trăm ngàn nhân vật video game đã được tạo ra và việc có những điểm tương đồng giữa họ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên một số nhân vật giống nhau tới mức dường như nhà phát triển lười biếng đã quyết định dùng hai tổ hợp CTRL C, CTRL V thay cho sự sáng tạo. Đáng buồn là trong quá khứ người ta còn đưa ra được nhưng lời giải thích hợp lý, còn hiện nay việc sao chép thiết kế dường như đã trở thành một xu thế. Hãy cùng điểm qua một số cặp bản sao trong thế giới game, hy vọng họ sẽ không bao giờ chạm trán nhau vì khi đó không gian thời gian có thể dễ dàng bị xáo trộn.

Sora và Sion

Sự tương đồng ở đây khá hài hước nhưng cũng dễ hiểu vì cả hai đều được thiết kế bởi Tetsuya Nomura huyền thoại của Square Enix và dòng game Final Fantasy. Có thể coi Sora trong Kingdom Hearts như phiên bản trẻ tuổi của Sion từ The Bouncer. Cả hai đều có cùng phong cách thời trang đeo xích lủng lẳng và nhiều phéc-mơ-tuya, cùng kiểu tóc tua tủa lẫn trang phục. Nếu chưa chơi The Bouncer trước đó, bạn sẽ không thể hiểu tại sao mọi người đều gọi Sora là Sion.

Tuy nhiên thiết kế trang phục của Sora rõ ràng lấy cảm hứng từ chuột Mickey, cử chỉ thể hiện sự tôn trọng với huyền hoại của Disney trong sản phẩm hợp tác giữa Square Enix và hãng này. Mặc dù với găng tay trắng, quần xóoc đỏ và giày vàng, vẫn có thể thấy rõ Sora là Sion trong trang phục cosplay chuột Mickey.

Mad Max và Rico

Max Điên có vẻ đã phát ngán những vụ nổ cũng như nhảy qua lại những chiếc xe trong tựa game mới của mình và quyết định chuyển sang khám phá thế giới nhiệt đới Just Cause 3. Nghiêm túc mà nói nhân vật chính cả 2 game này chỉ là một người. Họ có cùng độ tuổi, cùng màu tóc, cùng kiểu tóc, cùng vết sẹo ở lông mày phải, càng kiểu râu, cùng chiếc mũi nhọn, cùng làn môi mỏng, cùng ánh mắt gườm gườm (dù ảnh bên trái đeo kính áp tròng xanh) và cùng độ dốc lông mày.

Điểm khác biệt duy nhất chúng ta có thể nhận thấy là lông mày Rico “Max” bị gãy khúc mà nguyên nhân có lẽ xuất từ sức nóng của một vụ nổ.

Ellie và Jodie

Đây là một trường hợp khá nổi tiếng bởi mẫu thiết kế Ellie trong The Last of Us đã bị thay đổi trước khi phát hành do nữ diễn viên Ellen Page không đồng ý cho Naughty Dog sử dụng hình ảnh mình trong game. Nhưng mỉa mai thay, phiên bản sửa đổi của Ellie thậm chí còn giống Ellen hơn, chỉ khác màu mắt. Có vẻ sử dụng kính áp tròng đang trở thành một xu hướng trong game.

Tuy nhiên cô Page lại cho Beyond: Two Souls sử dụng hình ảnh của mình, và kết quả là chúng ta có một Ellen Page phiên bản game và một “không phải Ellen Page” phiên bản game với vẻ ngoài đều giống... Ellen Page. Lúc này cô Page có lẽ sẽ biết ơn Naughty Dog hơn là Quantic Dream vì ít ra hãng không để nhân vật chính khỏa thân.

Kirby và Jigglypuff

Jigglypuff dường như là hậu quả của việc ai đó cắm một cái ống vào mông Kirby và bơm phồng nó lên. Nếu không tính đến tai và tóc, cả hai nhân vật này không khác gì nhau. Đều là những quả bóng màu hồng, có những mẩu lồi ra thay cho tay chân, nụ cười nhỏ bé với cái lưỡi hồng, đôi mắt to tròn theo phong cách manga. Hai nhân vật tròn từ đầu tới chân này dường như là anh chị em ruột với nhau.

Thiết kế của Kirby lẫn Jigglypuff đều theo nguyên mẫu những đứa trẻ bụ bẫm. Khi nhìn thấy thứ gì đó có mặt tròn, mắt to, miệng nhỏ, não bộ chúng ta tự động dán cho chúng mác “đáng yêu”. Có lẽ đây chính là lý do Nintendo không ngại ngần lặp lại cách thiết kế rất tiện dụng này.

Alex Taylor và Gordon Freeman

Không quá nhiều nam chính trong game có kiểu tóc hớt ngược và đeo kính, trên thực tế chỉ có hai nhân vật như vậy. Với sự nổi tiếng của Gordon Freeman và dòng game Half Life, đáng nhẽ ra Ubisoft nên khôn ngoan hơn thay vì bê nguyên xi hình ảnh nhân vật này vào Alex Taylor trong The Crew.

Điều đáng thất vọng nhất khi chơi game có lẽ là phải chứng kiến nhà khoa học của Half Life trở thành một tay đua đường phố, đồng thời có thể cất tiếng nói được nhờ sự lồng tiếng của diễn viên Troy Baker. Nếu có đến một ngày nào đó Half Life 3 được phát triển và người ta quyết định để Gordon Freeman nói, Troy Baker có lẽ sẽ lại được nhận niệm vụ lồng tiếng cho nhân vật này.

Mighty the Armadillo và Sonic the Hedgehog

Trong bức hình được chụp trong game Knuckles Chaotix ở trên, nhân vật Mighty the Armadillo thậm chí trông còn giống Sonic the Hedgehog hơn cả Sonic the Hedgehog. Nhiều người có lẽ nghĩ Mighty đơn giản là bản sao của Sonic với đôi tai giả và cái mai của loài thú có mai armadillo, một biện pháp nhằm giúp Sonic xuất hiện cả bên ngoài vai trò nhân vật chính (như trong tựa game thử nghiệm Sonic Crackers).

Tuy nhiên sự thực Sonic mới là bản sao của Mighty. Ban đầu Sega dự định sử dụng Mighty làm nhân vật đại diện cho dòng game mới, tuy nhiên thú armadillo nhanh chóng được thay bằng nhím vì những cái gai nhọn phù hợp để tấn công kẻ địch hơn. Về sau, Sega sử dụng lại hình mẫu bị loại này trong SegaSonic the Hedgehog và sau đó là Knuckles Chaotix.

Chris trong Thomas Was Alone và nhân vật chính của Adventure

Phía bên trái là Chris từ tựa game Thomas Was Alone và bên phải là người anh hùng không tên trong tựa game cổ điển Adventure trên hệ máy Atari. Chris trông có vẻ bạc màu hơn, có lẽ do tuổi tác, tuy nhiên với 4 góc vuông y hệt nhau, hai nhân vật này chắc chắn là một.

>> Bộ mặt ít ai biết của những nhân vật game nổi tiếng