Khái quát lịch sử phát triển RPG (Phần cuối)

Invisible  | 19/11/2011 02:05 PM

Cuộc hành trình RPG đang dần đi đến hồi kết...

 
RPG thâu tóm Internet

Trải qua một giai đoạn phát triển huy hoàng, những người hùng RPG lần lượt đổ bộ lên đấu trường online. Mặc dù ban đầu chỉ là những câu hội thoại đơn giản hay những tính năng mua bán, trao đổi item qua mạng, nhưng rồi thì với tốc độ bùng nổ internet, thế giới RPG cũng không thể ngồi yên một chỗ mãi được.
 
Neverwinter Nights mở đầu xu hướng.

Dẫn đầu trào lưu với việc kết hợp công cụ giao lưu, trò chuyện trực tuyến vào game gồm có Club CaribeNeverwinter Nights. Sierra Online tiếp bước với The Realm Online với hơi hướng của một game nhập vai nhiều người chơi đúng nghĩa. Không từ bỏ miếng mồi béo bở, Ultima Online tận dụng đồ họa 3D và lối chơi đơn giản ở phiên bản gốc để hòa trộn thành một sản phẩm thu hút được lượng lớn người chơi.
 
Thị trường game MMOs bắt đầu phát triển mạnh sau khi EverQuest xuất hiện. Không phải tự nhiên mà nó còn được gọi là “Evercrack”, MMORPG này (có lẽ đây cũng là lần đầu tiên cái khái niệm này được hình thành một cách đầy đủ nhất) bị coi là kẻ phá vỡ quan hệ xã hội và thay vào đó là những clan ảo, cộng động ảo trong một xã hội ảo.
 

MMORPG tiếp tục với bàn tay của mình sang địa hạt consoles. Phantasy Star Online được phát hành cho hệ Sega Dreamcast vào năm 2001, Final Fantasy XI Online suất xưởng năm 2006 thâu tóm hệ máy Xbox. Xu hướng này vẫn tiếp tục đến tận ngày nay, ví dụ điển hình đó là DC Universe Online trên hệ PS3 vào năm nay, và Final Fantasy vào cuối 2012.

Một kỉ nguyên mới của RPG

Game thủ say mê RPG từ những năm 90 ít ai là không biết đến hình ảnh nhân vật phản diện Sephiroth – "siêu sao" xuất hiện trong kha khá những tựa game của Square. Và chắc chắn rằng cũng khó ai có thể quên được cảnh tượng hắn cầm cây trường đâm xuyên lưng Aerith. Đây là một hình ảnh khá táo bạo mà nhà sản xuất Final Fantasy đã mạnh dạn khai thác. Trước đây, RPG được coi là một tựa game khá thuần, phần lớn chỉ tập trung vào cuộc phiêu lưu người hùng, dẹp bỏ quái vật mang hòa bình với thế giới, và trên hết nó tránh xa bạo lực mạnh.
 
Cảnh tượng làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh của RPG.

Và từ bấy giờ (có lẽ bởi quá phẫn nộ bởi hành động của Sephiroth), hàng loạt anh hùng “thế hệ mới” xuất hiện. Không còn những nhân vật vô hồn nhái theo Dungeons & Dragons đi kèm với bảng chỉ số khô khan. Cốt truyện game ngày càng trở nên sâu sắc, mâu thuẫn giữa cái thiêc – ác được đẩy lên cao trào và đem lại sự phấn khích khó tả.
 
Mặc dù không đươc đánh giá cao như Final Fantasy, nhưng Suikoden 2 đã tạo nên một nét riêng cho chính mình nhờ vào cách dẫn truyện chứa đầy cảm xúc: nhân vật chính tham gia xây dựng cho mình 1 đội quân với vampire và những con quái vật trong truyền thuyết nhằm tiêu diệt tên bạo chúa khát máu và tàn bạo. Trong cuộc hành trình, nhân vật chính thậm chí sẽ phải đối mặt với chính người bạn thuở nhỏ của mình và có quyền lựa chọn giết hoặc cứu người bạn đó.
 

Tiếp sau đó, The Legend of Zelda: Ocarina of Time - một trong những game RPG hay nhất mọi thời đại,  được phát hành trên hệ máy Nintendo 64. Game là sự kết hợp hoàn hảo giữa hành động,  phiêu lưu và giải đố cùng với 1 cốt truyện tuyệt vời. Hơn nữa đó là những gì mà nhà sản xuất muốn gửi gắm thông qua câu truyện: tình yêu, sự trưởng thành và lòng dũng cảm chỉ được bộc lộ một cách rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất khi phải đứng trước thử thách mà thế lực độc ác chi phối.

RPG thế hệ thứ 6

Tiếp tục sử dụng công thức làm game RPG đang ngày càng trở nên thịnh hành, điển hình là series Final Fantasy với hệ thống nhiệm vụ hoành tráng, bối cảnh ấn tượng cùng với hình tượng nhân vật chính mang vẻ đẹp của cả hai phái. Sự kết hợp hoàn hảo này đã giúp cho dòng game đạt được nhiều thắng lợi về mặt tài chính cũng như khiến cho Sony ngày càng tin tưởng những chiến dịch quảng bá hệ máy Playstation 2 bằng những game RPG.
 

Với nhiều tựa game RPG nổi tiếng và có lượng fan đông đảo như Tales of Grandia, Final Fantasy.... được phát hành trên hệ máy này, PS2 đã trở thành console bán chạy nhất trong lịch sử mà không một hệ máy nào cùng thời điểm đó có thể đạt được.

Mặc dù Gamecube được chống lưng bởi The Legend of Zelda: The Wind Waker hay Xbox với những tuyệt phẩm của Bioware như Star Wars: Knights of the Old RepublicJade Empire, PS2 vẫn giữ vững vị trí độc tôn trong mảng game RPG.
 

Hệ máy của Sony tiếp tục củng cố vị thế của mình khi nhà phát triển game Square sau này trở thành Square Enix cho ra đời Final Fantasy X được sở hữu độc quyền. Phiên bản mới giới thiệu với người chơi nhiều cải tiến về gameplay như chế độ Conditional Turn-Based Battle (chiến đấu theo lượt có điều kiện) và Overdrive - phát triển từ Limit Break từ các phần trước. Đi kèm với đó là nền đồ họa tuyệt vời, phiên bản này trở thành một cơn sốt lớn trong suốt một quãng thời gian dài.
  
Những đoạn phim cắt cảnh ấn tượng với các nhân vật có biểu cảm khuôn mặt sống động , kịch bản và lời thoại được đầu tư kĩ lưỡng, Final Fantasy tiếp tục cuộc hành trình của mình chinh phục con tim của không biết bao game thủ. Vô hình chung, nó biến PS2 trở thành hệ máy console lí tưởng cho những gamer mong muốn được chơi những game RPG không chỉ với gameplay đặc sắc mà còn có đồ họa và kết cấu truyện lôi cuốn.
 

PS2 còn là nơi ra đời của loạt game Shin Megami Tensei. Dòng game mang nhiều yếu tố tâm lí này chưa bao giờ đạt được doanh thu khả quan ở thị trường Bắc Mĩ nhưng điều đó đã được xóa bỏ với phiên bản Nocture khi người chơi được đặt trong bối cảnh đất nước Nhật Bản đổi nát sau chiến tranh. Thay vì cố gắng ngăn chặn ngày tận thế, nhân vật chính lại muốn trở thành bá chủ thế giới?! Một sự đổi mới độc đáo cho dòng game RPG khi xóa bỏ cái mác “người hùng trừ gian diệt bạo” gắn với nó trong suốt những năm trước đó.

RPG hôm nay và hai trường phái Đông - Tây

Sau khi làm một vòng trở về quá khứ, bây giờ chúng ta hãy quay về với hiện tại. Cho đến ngày nay thì có vẻ như hầu hết các sản phẩm đều có yêu tố RPGs trong gameplay. Nó xuất hiện ở NBA 2k12 khi bạn nâng cấp cầu thủ của mình. Cũng như vậy khi bạn nâng cấp trang bị trong tựa game sandbox Batman: Arkham City. Nó ở khắp mọi nơi.
 

Tuy nhiên, sự tràn lan của các tựa game RPG trong những năm qua đã khiến một số gamer cảm thấy mệt mỏi sau hàng giờ cày kéo. Hầu hết những game có tính RPG thuần túy đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng. Cả White Knight Chronicles trên PS3 lẫn Blue Dragon and Lost Odyssey trên Xbox 360 đều không tìm thấy chỗ đứng ở thị trường châu Mĩ. Đồng thời, có khá ít game thuần RPG xuất hiện trên Nintendo Wii.
 
Điều này bởi chính khẩu vị người chơi đã có sự phân hóa lớn. Phương Đông thường bắt chước kiểu chiến đấu theo lượt và thiết kế nhân vật theo kiểu anime của Nhật. Còn ở Mĩ, các tựa game lớn như Mass Effect,  Dragon Age, Elder Scrolls, Fallout đều có những nét tương đồng với các game RPG đi trước. Bối cảnh rộng lớn, không khí u ám bào trùm và đặc biệt hơn cả, những pha hành động được lên ngôi.

Bạn có thể thấy rõ điều này trong Dark SoulsSkyrim, những kĩ năng và phép thuật người chơi sử dụng để tiêu diệt kẻ địch lấy nền tảng từ những bậc tiền bối đã xây dựng nhiều năm trước đây.

Lời kết:

Được xây dựng nên từ những viên gạch lát nền vững chắc, những tựa game RPG ngày nay đã và đang tạo nên một làn sóng lớn, một làn sóng của đam mê và cuồng nhiệt, một làn sóng mang tên RPG. Bạn không tin ư, hãy thử nhìn vào bảng đề cử những tựa game hay nhất năm thì biết!
 
Tham khảo tại IGN.