Hãng game "đủ ăn" hai năm chỉ nhờ làm game kinh dị cực khó

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/10/2015 03:22 PM

Doanh thu của tựa game kinh dị SOMA chỉ sau 10 ngày ra mắt đã cho phép nhà phát triển "ăn không ngồi rồi" trong 2 năm tới

Như các bạn đã biết, SOMA là một tựa game kinh dị mới đến từ Frictional Games, hãng game đã rất nổi tiếng với series game rợn tóc gáy Amnesia đã được chính thức tung ra kể từ ngày 22/09 vừa qua. Sau 10 ngày cập bến Steam cùng cửa hàng trực tuyến của PS4, Frictional Games đã hoan hỉ công bố rằng 92 nghìn bản game đã được "tẩu tán". Một con số đáng mơ ước của những nhà phát triển game vừa và nhỏ trên khắp thế giới.

Hãy cùng làm một phép tính nho nhỏ. Một key SOMA bản quyền có giá 30 USD trên Steam và trên cửa hàng ảo PlayStation Network. Với 92.000 bản game được bán ra, nhà phát triển game đã ẵm gọn hơn 2,7 triệu USD, tương đương khoảng 55 tỷ Đồng. Nhà phát triển game Frictional Games cho biết, với khoản tiền này, họ sẽ có thể thoải mái "ăn không ngồi rồi" trong 2 năm tới.

Tuy nhiên để "hoàn vốn", nghĩa là kiếm lại đầy đủ khoản tiền đã bỏ ra để phát triển SOMA, thì Frictional sẽ phải bán được ít nhất là 300 nghìn bản game. Dĩ nhiên họ không phải vội vàng, vì trong quá khứ, hai phiên bản Amnesia đã bán được cả trăm nghìn bản chỉ trong 1 tuần đầu tiên ra mắt.

SOMA là sản phẩm mới nhất đến từ studio Thụy Sĩ Frictional Games, những người đã làm nên tên tuổi thông qua tựa game kinh dị rất thành công Amnesia: The Dark Descent. SOMA lấy bối cảnh một trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển, nơi vì lý do nào đó không hề tồn tại một bóng người mà thay vào đó là những con robot với hình dạng vô cùng kì dị. Giống như Amnesia, phần lớn thời gian trong SOMA người chơi sẽ dành để khám phá, ẩn nấp, quan sát môi trường xung quanh hòng lẩn trốn khi không hề có bất cứ món vũ khí tự vệ nào trong tay.

Cốt truyện của SOMA được hé lộ dần dần qua những ghi chép để lại của các thành viên trung tâm nghiên cứu, qua những loại máy móc ghê rợn hiện diện ở khắp nơi hay các đoạn hội thoại ghi âm thay vì lời dẫn cụ thể nào đó. Bằng cách này, người chơi buộc phải sử dụng tư duy cùng trí tưởng tượng để hình dung ra chuyện gì đã xảy đến với nơi này. Các fan của thể loại kinh dị chắc hẳn đang thắc mắc câu hỏi: "SOMA có đáng sợ hay không?", và đáp án là có.

Nhưng đừng nghĩ rằng SOMA sẽ sử dụng những thủ pháp hù dọa gây giật mình để khiến bạn cảm thấy sợ hãi. Amnesia được yêu thích bởi cảm giác hồi hộp và căng thẳng tột độ khi bạn biết rằng có thứ gì đó đang tiến đến gần mình trong khi vẫn phải tiếp tục lay hoay tìm cách mở một cánh cửa để tiến về phía trước. Về cơ bản SOMA cũng giống như vậy. Tồn tại nhiều loại quái vật dị dạng trong game, mỗi trong số chúng lại mang một đặc điểm khác nhau mà bạn cần phải hiểu rõ để qua mặt chúng chứ không đơn thuần chỉ có nấp và chạy.

Một lý do khiến nỗi sợ hãi trong SOMA trở nên thuyết phục đó là đồ họa của game rất đẹp và chi tiết. Dù cách chơi hấp dẫn, rõ ràng chúng ta không thể khen ngợi Amnesia ở khía cạnh hình ảnh khi phần lớn các khung cảnh trong game đều giống nhau một cách đơn điệu, texture sơ sài ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn năm 2010. Với SOMA, người chơi có thể dễ dàng nhận thấy nỗ lực của Frictional Games trong việc cải thiện vấn đề này. Thực tế từ trước khi game ra mắt các đoạn trailer cùng gameplay của SOMA cũng đã nhận được nhiều khen ngợi từ phía game thủ.

Nếu phải so sánh, SOMA mang nhiều nét tương đồng với Alien: Isolation, đặc biệt ở lối chơi theo kiểu "mèo vờn chuột". Tất nhiên bạn sẽ vào vai người bị săn đuổi, có điều trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển tồn tại nhiều loại quát vật khác nhau thay vì chỉ một con Alien duy nhất. Như đã đề cập ở trên, đặc điểm của mỗi loại sẽ ảnh hưởng tới cách mà bạn lẩn trốn. Ví dụ như một sinh vật chỉ phát hiện ra bạn nếu bạn nhìn thẳng vào nó, vì thế chừng nào camera còn chúc xuống đất, ngửa lên trời hay đi đâu đó miễn sao không để lọt sinh vật kia vào khung hình, nhân vật chính có thể tiến đến sát nó mà vẫn bình an vô sự. Kẻ thù của bạn ở tình huống này chính là sự tò mò của bản thân.