[GameK Tiểu Sử] Sega Dreamcast - Thất bại cay đắng của lịch sử ngành game

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/09/2015 10:25 PM

Dreamcast giống như một "ảo mộng cuối" của Sega trong nỗ lực tấn công thị trường máy chơi game thế giới

Trong bài viết thuộc chủ đề GameK Tiểu Sử ngày hôm nay, chúng ta sẽ không đến với một nhân vật, một con người nổi tiếng trong ngành game thế giới hay tại Việt Nam. Thay vào đó, chúng ta sẽ nhìn lại lịch sử của một… thiết bị, một máy chơi game console, thứ từng được Sega coi như kẻ cứu rỗi cho cả tập đoàn sản xuất thiết bị game đáng gờm nhất trên thế giới.

Nhắc đến cuộc chiến máy chơi game thế hệ thứ 6, bắt đầu vào khoảng những năm 1998 đến 2000, hầu hết game thủ Việt đều chỉ nhớ tới những cái tên như Xbox, GameCube hay tượng đài một thuở, PlayStation 2. Cũng chính trong cuộc đua này, PlayStation 2 đã trở thành một trong những cỗ máy chơi game thành công nhất lịch sử với 153 triệu máy đã được bán ra. Con số này, ở thời điểm hiện tại vẫn là mơ ước của rất nhiều hệ máy chơi game mới như PS4 hay Xbox One.

Nhiều ngày qua, Sony đã bỏ tiền tấn để làm marketing cho sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt PlayStation, vốn là 09/09/2015 tại Bắc Mỹ. Điều này có nghĩa là hôm nay, 10/09 theo giờ Việt Nam chính là sinh nhật lần thứ 20 của PlayStation. Thế nhưng trùng hợp và trớ trêu thay, ngày hôm nay cũng chính là ngày 16 năm về trước Sega cho ra mắt cỗ máy chơi game Dreamcast, giấc mơ đã tan vỡ của Sega, ông lớn một thời xứ mặt trời mọc.

Vậy chuyện gì đã xảy ra?

“Ảo mộng cuối cùng” của gã khổng lồ

Cá nhân tôi rất mong các bạn độc giả tìm đọc cuốn Console Wars, ra mắt vào năm 2014 của tác giả Blake Harris. Dĩ nhiên nội dung cuốn sách không đề cập tới cuộc đời ngắn ngủi của Sega Dreamcast, thế nhưng chính cuộc chiến giữa SNES của Nintendo, cái tên đã quá quen thuộc với game thủ 8x hay 9x chúng ta, với Genesis, cỗ máy chơi game thế hệ thứ 4, cũng như lịch sử của nhân vật được coi là mascot của Sega, chú nhím xanh Sonic the Hedgehog.

Dĩ nhiên cả hai cỗ máy “Thổ Tinh” (Saturn) lẫn Genesis chẳng thể nào cạnh tranh nổi với những cái tên quá đỗi mạnh mẽ trên thị trường thời bấy giờ. Tính riêng trường hợp của Sega Saturn, ngay cả bản thân Bernie Stolar, chủ tịch Sega of America khi đó đã phải cay đắng thừa nhận “Saturn không phải tương lai của chúng tôi” và cho rằng nó “đã chết từ trong trứng nước”.

Ngay từ những năm 1997, khi đối thủ trực tiếp của Sega Saturn là Nintendo 64 và Sony PlayStation vẫn còn đang ngự trị trên đỉnh vinh quang với doanh số máy cao ngất ngưởng, Nintendo bán được 32 triệu máy N64, còn Sony thì hể hả với 102 triệu máy PlayStation đến tay game thủ, thì Saturn đã được cha đẻ xác định ngày “về viện bảo tàng” với vỏn vẹn 9,5 triệu máy được bán ra.

Sega Saturn

Khi đó sau hội chợ E3, Soichiro Irimajiri, tân chủ tich Sega đã làm một việc vô tiền khoáng hậu: Mời “người dưng” về phát triển cỗ máy chơi game tiếp theo. Đó chính là Tatsuo Yamamoto của IBM Austin. Tuy nhiên, nhóm phát triển phần cứng sẵn có do Hideki Sato lãnh đạo không muốn bỏ dở công việc (có lẽ đây là điều mà cựu chủ tịch Stolar đã đề cập). Đây là nguyên nhân khiến ban đầu Dreamcast có đến hai mẫu thiết kế khác nhau.

Kết quả, gần hai năm sau, Dreamcast ra đời. Sở hữu cấu hình tương đối khủng vào thời bấy giờ như chip đồ họa PowerVR của VideoLogic, CPU SuperH SH4 200MHz, 16MB RAM và thậm chí là cả modem kết nối internet để chơi mạng. Vào thời bấy giờ, với cấu hình như vậy, Dreamcast xứng đáng là một trong số những cỗ máy chơi game với cấu hình mạnh nhất những năm 1998, 1999, thời điểm cỗ máy ra mắt. Đây chính là thành quả mà Hideki Sato cùng đồng nghiệp tạo ra, vốn sở hữu tên mã Katana.

Kèm theo đó là không ít những tựa game có chất lượng dành cho Dreamcast, một vài trong số đó đã trở thành huyền thoại, phải kể tới như Shenmue và Shenmue II, Sonic Adventure, Tom Clancy’s Rainbow Six hay Virtua Cop 2…

Trong thời gian đầu, Dreamcast đã chứng tỏ mình là một trong những hệ máy thành công nhất trong lịch sử của Sega với hơn 300.000 máy đã được đặt trước chỉ tính riêng tại thị trường Mĩ và 500.000 máy đã được tiêu thụ trong hai tuần đầu tiên (tính cả 225.132 máy bán hết veo trong 24 giờ đầu tiên; kỷ lục được ghi nhận trong lịch sử công nghiệp game). Trên thực tế, do tình hình bán chạy trong điều kiện khả năng đáp ứng hạn chế, Sega không thể thỏa mãn các đơn đặt hàng.

Thế nhưng, đôi khi câu nói “Tiên phát chế nhân” vô cùng đúng đắn, nhưng đôi khi xuất phát sớm quá, những đối thủ sẽ nắm được điểm yếu trong thiết bị của bạn, và cho ra đời những cỗ máy mạnh mẽ hơn gấp bội.

Shenmue II, tượng đài một thuở, tựa game tạo nên cuộc cách mạng game nhập vai

Hệ quả, ngày 04/03/2000, PlayStation 2 ra đời. Cỗ máy sở hữu CPU Emotion 300 MHz, 32MB RAM cùng “cơ cấu” đồ sộ game đến từ hàng trăm nhà phát triển trên toàn thế giới đã đóng chiếc đinh đầu tiên vào cỗ quan tài dành riêng cho Dreamcast. Sớm nhưng là điều tất yếu.

Nếu như Square từng có “Ảo mộng cuối cùng”, tựa game Final Fantasy cứu sống cả công ty trong cơn bĩ cực, thì cỗ máy được Sega mong chờ sẽ đưa hãng trở lại thành công vốn có hóa ra lại là “bản tình cuối” kết thúc chuỗi ngày phát triển máy chơi game không mấy thành công của thương hiệu này khi chỉ có hơn 10 triệu máy Dreamcast được bán ra, trong khi GameCube của Nintendo thì sở hữu tới 74 triệu máy.

Vì đâu đến nỗi?

Ngoại trừ Xbox 360 với nền tảng Xbox Live danh giá, bất kỳ cỗ máy chơi game nào mở màn cho thế hệ console kế tiếp đều không gặt hái được thành công đáng có. Tiếc thay, bên cạnh Wii U, thì Dreamcast lại là một cái tên như vậy. Khi những chiếc console thế hệ thứ 5 vẫn còn đang được bày bán rất chạy, thì Sega đã nhanh nhảu cho ra mắt Dreamcast.

Chính sự nhanh nhảu này của Sega đã cho thấy sự đoảng trong tầm nhìn và tư duy thiết kế máy chơi game của hãng. Những thiết bị ra mắt sau, dù chỉ muộn 1 đến 2 năm, nhưng đều sở hữu cấu hình mạnh hơn Dreamcast rất nhiều. Cộng với việc bắt tay với các hãng phát triển game lớn, cả PlayStation 2 lẫn Xbox đều có được hàng loạt tựa game hay như series Final Fantasy, GTA III hay với Xbox là huyền thoại một thời, Ninja Gaiden, tựa game nổi tiếng vì độ khó khủng khiếp vào thời điểm bấy giờ.

Với Sega, việc trông chờ vào những studio phát triển game như AM2 đã cho thấy sự gò bó trong việc tạo ra thư viện game, thứ quyết định sống còn của một hệ máy chơi game. Không ít tựa game đa nền đã quyết định bỏ rơi Dreamcast trong khi những phiên bản cho PS2, Xbox hay GameCube vẫn được ra mắt đều đặn.

Thêm vào đó, định dạng đĩa do chính Sega phối hợp cùng Yamaha phát triển, GR-ROM đã thất bại một cách thảm hại trước định dạng của tương lai lúc bấy giờ, đó là DVD. Có thể GD-ROM có dung lượng cao hơn so với CD-ROM, định dạng được PlayStation hỗ trợ, thế nhưng 1GB liệu có thể nào so sánh được với 4,7GB của một chiếc DVD trên PlayStation 2 hay Xbox? Ngay cả đĩa dành riêng cho GameCube cũng có dung lượng 1,5GB, tương đối thoải mái cho các nhà phát triển game ở Nintendo.

Ấy là chưa kể, lỗ hổng bảo mật nằm ở mã boot đĩa CD trong BIOS của Dreamcast có thể kích hoạt các chức năng đa phương tiện (gọi là Mil-CD) cho các loại CD nhạc trên thị trường Nhật Bản, tạo điều kiện cho giới hacker lợi dụng.

 

Tình hình càng trở nên bi đát hơn đối với Dreamcast khi Xbox và GameCube ra đời, đánh dấu chấm hết cho cho hệ máy này.

Ngày 31/1/2001, Sega tuyên bố ngừng sản xuất Dreamcast vào tháng 3 năm đó, mặc dù có đến 50 đến 60 đầu mục trò chơi đang trong quá trình phát triển sắp được tung ra thị trường. Ngay lập tức giá máy Dreamcast hạ xuống đến mức chóng mặt chỉ còn 50 USD. Vào cuối năm 2002, giá máy Dreamcast mới được bán tại Anh là 40 bảng, ngoài ra chiếc console này còn được dùng làm quà khuyến mãi cho các hợp đồng điện thoại.

Dù tuổi thọ ngắn ngủi (11/1998 - 3/2001), Dreamcast vẫn là một trong những console được đánh giá cao nhất vì có lượng trò chơi khá ấn tượng xét tới mặt bằng cấu hình console thời bấy giờ (lên tới 636 game).

(Tổng hợp từ PCWorld, Wikipedia và nhiều nguồn)