[GameK Đào Mộ] Matrix: Path of Neo - Khi game thậm chí còn chất hơn phim ảnh

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 26/02/2016 05:30 PM

Matrix: Path of Neo là một món ăn lạ, tạo ra được những trải nghiệm hoàn toàn mới cho người hâm mộ ngay cả khi bạn đã thưởng thức hết cả 3 phần phim

Khi nhắc đến những tựa game ăn theo phim ảnh, chúng ta sẽ mặc định coi chúng là những sản phẩm chất lượng thấp, được phát triển một cách vô cùng cẩu thả và thiếu chăm chút để kịp ra mắt cùng thời điểm với những bộ phim bom tấn. Tuy nhiên vẫn có những ví dụ ngược lại, dù chỉ ở mức tương đối. Và Matrix: Path of Neo, tựa game được ra mắt vào năm 2005 là một trong số đó.

Đến tận bây giờ, không ai có thể vỗ ngực tự hào mình hiểu hết các ẩn ý của Ma Trận, bộ phim khoa học viễn tưởng kể về chàng hacker Thomas Anderson, một con người bình thường như bao người khác. Nhưng có người không tin như vậy, đó là Morpheus, người sẽ giải thoát Aderson khỏi những ảo giác về thế giới anh coi là thật, nhưng thật ra là một thế giới được lập trình sẵn bởi những cỗ máy.

Kể từ giây phút Anderson thoát khỏi mộng ảo, người ta bắt đầu gọi anh là Neo, cách chơi chữ của từ One - số một. Họ tin rằng Neo là người duy nhất có thể cứu thế giới thực và đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến dai dẳng nhiều năm giữa con người và máy móc. Một quãng hành trình dài tìm câu trả lời về số phận cho Neo đang nằm trong tay bạn, bởi, bạn là Neo, ngay từ lúc bắt đầu nhận được cú điện thoại kỳ bí...

Vừa là một cao thủ quyền cước, vừa là một người có sức mạnh tinh thần giỏi hơn hết thảy, đó là 2 yếu tố khiến Neo trở thành The One huyền thoại. Trước hết là bản lĩnh võ thuật của anh. Thật sự không thể phủ định nghệ thuật chiến đấu trong game “đẹp như phim”: đòn thế dứt khoát, rõ ràng và thuyết phục. Đây là điểm hấp dẫn nhất, rất dễ khiến người chơi... ghiền nặng.

Bằng cách kết hợp các phím di chuyển, nhảy, tấn công thường, tấn công đặc biệt và Focus, đối thủ của Neo sẽ bị ám ảnh bởi cách bạn điều khiển anh đánh bại họ. Những cú đấm trời giáng tối tăm mặt mũi, cộng thêm những chiêu bay nhảy lả lướt, tránh né linh hoạt, chính sự đơn giản như thế nên nhanh thôi, bạn sẽ thành tựu tuyệt học “công phu”.

Một thế ném mạnh khiến đối phương trượt dài trên đất, hay một chuỗi liên hoàn bắt đầu bằng cảnh Neo đấm tới tấp vào thân thể đối phương (y chang... cái mền rách!) và kết thúc bằng một cú sút vào mặt khiến gã văng dính tường! Mọi đòn thế đều được mô phỏng đầy tính nghệ thuật giống bộ phim nguyên tác, nên đẹp không thể chê vào đâu được. Nó sẽ tạo cho bạn cảm giác hành động đúng nghĩa sẽ khó khăn lắm bạn mới thoát ra khỏi cảm giác ấy một khi đã bắt đầu biết Kung Fu là gì!

Bên cạnh “sức mạnh cơ bắp” là những khẩu súng thượng thặng. Nhưng, bạn không có cảm giác đang sử dụng cái gọi là súng. Sức công phá của khẩu súng lục và súng shotgun hẳn nhiên khác nhau rất nhiều. Vậy mà phản ứng của đối phương thì khá giống nhau, yếu ớt và thiếu tinh tế: thân thể văng lên hoặc rung giật thô thiển...

Bản PC không có chức năng tự động khóa mục tiêu nên khá dễ bắn đối tượng ở gần. Nhưng điều đó vẫn không “cứu vớt” được số phận bi thảm của các pha đấu súng – chúng đều trở nên vô nghĩa chừng nào camera khó chịu của game còn tồn tại, thậm chí bạn còn cảm giác mình đang bắn vào không khí. Thế là những ý nghĩ u ám lại đến với bạn:” Mình bắn dở!”. Rồi bạn “nổi khùng”, vứt súng, lao vào... đánh tay đôi mà quên đi một sự thật phũ phàng: súng ống cùng đạn dược là cách tiêu diệt đối phương nhanh nhất.

Hỗ trợ cho những đòn thế mạnh mẽ và những phát súng... trật lất là quyền năng của Neo: Focus, một đặc trưng rất riêng của Ma Trận. Shiny đã biết cách biến nét độc đáo đó thành một công cụ chiến đấu tuyệt vời - khi dùng nó, thời gian như ngừng trôi. Ta thấy rõ đường bay của những viên đạn và dễ dàng xoay người lộn một vòng ngoạn mục né tránh, hay ta có thể chạy trên tường nhẹ nhàng như đi bộ trên mặt đất, từ đó dùng tường làm bàn đạp tung mình như cánh đại bàng, bắn xối xả xuống những vật thể di động trên mặt đất theo một góc rộng mở... Càng xâm nhập sâu vào game, bạn càng giúp Neo hoàn thiện năng lực bản thân, từ từ phá vỡ các luật lệ gò bó của trọng lực để bay bổng một cách tự do...

Tuy nhiên ở năm 2005, khó có thể khen ngợi đồ họa của Matrix: Path of Neo được. Các mô hình, vật thể như được cấu tạo từ những nguyên vật liệu “tồi” nhất, đôi khi vỡ vụn và đầy răng cưa. Một lớp màu vừa mắt che phủ sự thô kệch trên cùng engine vật lý Havock chỉ là tạm đủ để thỏa mãn thị giác ngày càng khắt khe của người chơi. Còn những Neo, Trinity, điệp viên Smith... dù trông khá giống phim đấy, nhưng bộ cánh lại cũ kỹ, không đen bóng ấn tượng và đặc biệt là chuyển động lộ ra nhiều đường nét thô thiển đến ngỡ ngàng. Song hành với sự yếu kém về đồ họa của game, là một nỗ lực... nhằm “vắt kiệt sức” phần cứng của máy tính: người chơi cần một cỗ máy “cứng cáp” mới đáp ứng nổi Matrix: Path of Neo.

Xét ở một chừng mực nhất định, trong khuôn khổ những tựa game ăn theo phim, thì Matrix: Path of Neo là một món ăn lạ, tạo ra được những trải nghiệm hoàn toàn mới cho người hâm mộ ngay cả khi bạn đã thưởng thức hết cả 3 phần phim đầy hấp dẫn của anh em nhà Wachowski.

(Tổng hợp)