Cuộc chiến của máy chơi game Console trên thế giới

SmiLe  Theo Saigondautu | 05/09/2014 03:20 PM

Hãng trò chơi điện tử khổng lồ Nintendo vào cuối tháng 7 đã công bố kết quả kinh doanh trong quý II-2014 ở mức 74,7 tỷ yên (0,71 tỷ USD), giảm 9,47 tỷ yên so với cùng kỳ năm trước do chi phí cao trong việc quảng bá dòng sản phẩm Wii U console.

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử luôn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa 3 thương hiệu nổi tiếng: Sony (PlayStation), Nintendo (Wii) và Microsoft (Xbox). Kể từ năm 2006, Sony chỉ đứng ở vị trí thứ 2 về doanh thu, thế nhưng từ quý I-2014, Sony đã vượt qua Nintendo để giành lại ngôi quán quân trong cuộc chiến máy trò chơi cầm tay - console.

Hãng trò chơi điện tử khổng lồ Nintendo vào cuối tháng 7 đã công bố kết quả kinh doanh trong quý II-2014 ở mức 74,7 tỷ yên (0,71 tỷ USD), giảm 9,47 tỷ yên so với cùng kỳ năm trước do chi phí cao trong việc quảng bá dòng sản phẩm Wii U console. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính vào tháng 3, việc sụt giảm doanh thu trong 3 năm liên tiếp đã đưa ra những thách thức khó khăn cho thương hiệu từng là “ông trùm” của ngành công nghiệp giải trí ảo.

Cuộc chiến của máy chơi game Console trên thế giới

Nintendo cho biết công ty đã bán được 510.000 máy trò chơi Wii U trên toàn cầu từ tháng 4 đến tháng 6-2014, tăng 160.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Việc gia tăng phần lớn là nhờ vào sự ra mắt của phần mới nhất của trò chơi đua xe nổi tiếng, Mario Kart 8, đã tiêu thụ được 2,82 triệu bản trong quý II.

Dù vậy, công ty cũng tuyên bố bị thua lỗ hoạt động 9,4 tỷ yên vì tổng chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí cố định đều vượt quá lợi nhuận gộp. Trong năm tài chính 2014, Nintendo giữ nguyên mức dự báo doanh số bán hàng 590 tỷ yên và lợi nhuận ròng 25 tỷ yên.

Sau 6 năm thất bại và khoản lỗ 10 tỷ USD với dòng sản phẩm PlayStation 3 (PS3), Sony đã đánh dấu bước trở lại của mình trong năm 2013 bằng hệ máy trò chơi cải tiến Play Station 4 (PS4). Theo thống kê trên toàn thế giới từ nhật báo Nikkei vào cuối tháng 7, chỉ riêng trong năm tài chính 2013, Sony đã dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số với 18,7 triệu sản phẩm, đứng thứ nhì là Nintendo với 16,3 triệu sản phẩm và hãng Microsoft ở vị trí thứ ba với 11,6 triệu máy trò chơi được bán ra.

Dòng sản phẩm PS4 của Sony được tiêu thụ mạnh hơn gần 1,3 lần so với đối thủ Wii U từ Nintendo dù được phát hành trễ hơn 1 năm. Theo nhận định từ Sony, hãng sẽ bán thêm được khoảng 20,5 triệu máy trò chơi trong năm 2014. Không dừng lại ở đó, Sony đang lên kế hoạch thành lập một mạng lưới dịch vụ điện tử, nơi người dùng có thể tự do chia sẻ thông tin, xem phim, nghe nhạc hay chơi game.

Với 10 triệu chiếc bán ra từ tháng 11-2013, PS4 hiện đang chiến thắng trong cuộc chiến console mới nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch Sony Worldwide Studios, Shuhei Yoshida, gần đây đã tiết lộ thậm chí Sony cũng không thực sự biết chính xác lý do tại sao.

Có lẽ câu trả lời nằm ở sự lựa chọn của người tiêu dùng. Một nghiên cứu từ Nielsen cho thấy 31% chủ sở hữu PS4 không sở hữu sản phẩm đời trước của Sony, PS3, nhưng đã sở hữu một máy Xbox 360 hay Wii và 17% không sở hữu bất kỳ máy trò chơi đời cũ nào. Khảo sát được thực hiện tại Hoa Kỳ trên 1.200 game thủ trong độ tuổi từ 7-54 tuổi vào giữa tháng 2 và tháng 4. Những con số nhấn mạnh lý do tại sao với mức giá thấp hơn, PS4 lại có thể đánh bại đối thủ Xbox One.

Những trò chơi hấp dẫn trên thị trường đều có thể được trải nghiệm trên cả hai hệ máy, nhưng giao diện điều khiển tương thích bắt buộc người chơi phải có cùng một loại máy để có thể chơi cùng nhau. Vì vậy với mức giá 499USD cho Xbox One và 399USD cho PS4, nhóm người dùng sẽ suy nghĩ lại về 100USD chênh lệch giữa 2 sản phẩm, dù PS4 không được trang bị cảm biến hoạt động Kinect như Xbox.

Còn về Nintendo, dù gây được ấn tượng trong Hội chợ Triển lãm trò chơi điện tử E3 2014, nhưng trên thực tế công ty không thay đổi kịp so với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia cho rằng dòng game Mario hay Pokémon sẽ không còn là “mỏ vàng” của công ty và họ cần phải chuyển hướng vào việc sản xuất đồ chơi để tăng doanh thu.

 

>> Đồ họa game trong tương lai sẽ như thế nào?