Counter Strike phiên bản mới - Tìm lại hoàng kim cho FPS game

PV  | 31/12/2011 10:00 AM

Liệu Global Offensive có đủ sức nhất thống cộng đồng Counter Strike trong tương lại?

Trong thời hoàng kim của Counter Strike, tựa game này của Valve không phải e ngại gì khi thừa nhận mình chính là trò chơi multiplayer được ưa chuộng nhất trên khắp hành tinh. Chẳng cần nhìn đâu xa, vào đầu những năm 2000 tại Việt Nam, không khí dồn dập của những trận Counter Strike vẫn luôn hiện hữu tại bất kì cửa hàng game nào, ngay cả khi internet vẫn còn chưa phổ biến.

Theo một số thống kê, sau khi đã im hơi lặng tiếng được khoảng 7 năm, cộng đồng Counter Strike vẫn duy trì được ở khoảng 50 nghìn người chơi thường xuyên và 40 nghìn đối với Counter Strike: Source. Đây quả thực là một con số không tồi đối với một trò chơi đã có tuổi đời 13 năm. Thế nhưng những con số đó chẳng bõ bèn gì so với những tháng ngày mà Counter Strike vẫn còn thống trị trong cộng đồng game thủ toàn cầu.


Trên thị trường giờ đang tồn tại bốn phiên bản của tựa game bắn súng này là Counter Strike, Counter Strike: Condition Zero, Counter Strike: SourceCounter Strike Online. Đã từng có một thời gian cộng đồng game thủ dậy sóng bởi những cuộc tranh cãi xem phiên bản nào là xuất sắc nhất trong cả series. Mặc dù vậy, “thay vì mất công đo đếm hai thứ vốn đã chẳng thể so sánh, tại sao không đoàn kết tất cả lại và làm nên một thời kì hoàng kim như năm xưa” - Đó chính là suy nghĩ của Valve.

Trước khi hy vọng quá nhiều vào một tựa game có thể nghiền nát mọi đối thủ cạnh tranh, game thủ nên mường tượng về Global Offensive như một bản Counter Strike được hồi sinh dưới “da thịt” mới là đồ họa và những công nghệ tiên tiến hơn. Bạn cũng có thể coi nó như một bản CS 1.7 hoặc CS: S1.1 nếu muốn. Mặc dù đây không phải là một tựa game Counter Strike được phát triển mới hoàn toàn nhưng dù sao Valve cũng đã đưa vào game rất nhiều chi tiết cải tiến đáng giá.
 

Đầu tiên phải kể đến là Casual Mode. Đúng với tên gọi của nó, đây là phần chơi cho phép các game thủ tập sự được thoải mái thử nghiệm mà không cần quan tâm tới việc phải sử dụng lượng tiền ra sao cho khoa học nhất. Mới vào game, tất cả sẽ được trang bị áo giáp và một số tiền lớn đủ để mua bất kỳ kiểu loadout nào bạn thích. Những game thủ lão luyện cũng có thể sử dụng phần chơi này để tập sử dụng các loại súng đắt tiền bất cứ lúc nào họ muốn. Khi đã chán Casual Mode, người chơi chỉ việc tham gia vào một server nào đó đang chạy phần Competitive Mode để thử sức với những trận đấu thực thụ.

Sự “khiêm tốn” của Counter Strike trong nhiều năm trở lại đây đã tạo điều kiện để một loạt tên tuổi mới như Modern Warfare làm vương làm tướng. Trò chơi đàn em này cũng đã mang đến nhiều đổi mới cho phần chơi online với hệ thống điểm kinh nghiệm và hệ thống level khá thú vị. Tuy nhiên, đây không phải là con đường mà Counter Strike: Global Offensive sẽ chọn. Ngay từ đầu, đội ngũ phát triển cũng không muốn copy một yếu tố không góp phần tạo dựng “chất” Counter Strike trong nhiều năm qua.


Thay vì bố trí người chơi với cùng level vào các server nhất định như tựa game của Activision, Counter Strike: Global Offensive sẽ phân loại game thủ dựa trên khả năng thực sự của họ. Hiện tại, nhà sản xuất vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết liên quan đến phần này.

Điều thú vị nhất liên quan đến dự án Counter Strike: Global Offensive ở thời điểm này có lẽ là việc Valve đang mời một loạt những game thủ chuyên nghiệp tham gia vào quá trình play-test tại trụ sở của họ. Những cá nhân xuất sắc này đang cố gắng hết sức để phiên bản mới của Counter Strike có thể đáp ứng yêu cầu của mọi đấu trường khắc nghiệt nhất.
 

Vào khoảng 6 năm trước, Counter Strike đã từng khiến rất nhiều người trông đợi vào những giải đấu quy mô đại diện cho một môn thể thao thi đấu đỉnh cao trong giới game thủ. Đáng tiếc là việc cộng đồng bị phân tán đã khiến ước mơ này dần trở nên xa vời. Và giờ đây, với sự trở lại của CS: Global Offensive, ít nhất chúng ta hoàn toàn có quyền nuôi dưỡng hi vọng vì rất nhiều con người vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng để hàn gắn ước mơ đó.
Xem thêm:

pc