Chiến tranh qua cái nhìn một chiều của game bắn súng

Truật Xích  | 10/03/2011 10:15 AM

Cái cách mà game bắn súng ngày nay xây dựng chiến tranh chỉ khiến cho chúng trở nên nhạt nhòa và thiếu tính thực tế.

Điều đầu tiên bài viết muốn khẳng định đó là tác giả không hề có bất kỳ định kiến xấu nào về các tựa game bắn súng mô phỏng chiến tranh. Những ý kiến dưới đây chỉ là cảm nhận về sự thiếu ý tưởng, sự thiếu cẩn trọng trong cách xây dựng chiến tranh trong game. Dù cho những game như Call of Duty hay Battlefield được lấy làm ví dụ điển hình cho thành công của những cái tên bắn súng mô phỏng chiến tranh đi chăng nữa thì vẫn còn quá nhiều điều mà các nhà thiết kế chưa thể làm được. Đó là cái cách mà họ “vẽ” nên khung cảnh chiến tranh còn thiếu đi tính hiện thực. Chiến tranh thực sự khốc liệt, tàn nhẫn hơn rất nhiều và những điều ấy, các nhà làm game còn phải học hỏi phim ảnh nhiều lắm.
 
 
Trước hết, hãy đặt chiến tranh lên bàn giải phẫu. Trong chiến tranh, nhiều quốc gia xung đột với nhau, khiến hàng triệu đàn ông và phụ nữ phải đứng lên cầm vũ khí. Hàng triệu sinh mạng mất đi để mang hy vọng đưa đến một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước. Họ chiến đấu và hy sinh, những người may mắn nhất thì trở về với những vết thương về thể xác, về tinh thần khi phải chứng kiến bạn thân, anh, chị, em của mình gục ngã ngay trước mắt. Có những người mất ngủ bao nhiêu năm trời sau chiến tranh, có người lại chọn giải pháp lùi sâu vào bóng tối vĩnh viễn. Từ ngữ không thể diễn tả được hết cung bậc cảm xúc của chiến tranh.
 
 
Thế nhưng, khi bạn chơi game bắn súng mô phỏng chiến tranh, bạn không hề có một chút cảm giác nào như vậy. Hãy lấy ví dụ như Modern Warfare 2 chẳng hạn. Câu truyện của game được thiết kế như thể một bộ phim James Bond sặc mùi hành động, trong đó bạn là người hùng. Tất cả những kẻ đối đầu với bạn đều được xếp vào dạng “kẻ xấu”. Nhà phát triển cho phép bạn bắn gục chúng như thể họ là những kẻ “đáng chết”. Nhưng trong thực tế, những người lính phe đối lập cũng có gia đình, cũng có vợ con, anh, chị, em và cuộc sống hạnh phúc riêng của họ. Các nhà làm game đã vô tình làm hỏng giá trị đạo đức khi mặc nhiên để cho game thủ thoải mái bắn hạ kẻ thù mà quên đi mất rằng, họ cũng chỉ là con người.
 
 
Điều thứ hai đó là hầu hết các tựa game mô phỏng chiến tranh đều tỏ ra yếu đuối trong việc xây dựng nên sự đúng – sai trong quyết định và hành động của game thủ. Tất cả những gì bạn làm theo mà nhiệm vụ của game đã chỉ dẫn đều mặc nhiên, được coi là đúng. Chiến tranh không đơn giản như vậy, nó không thể phân chia được rõ ràng qua ranh giới thiện hay ác.
 
Thêm vào đó, các nhà thiết kế game cần phải nhấn mạnh hơn vào tính cách của nhân vật. Nếu như phim ảnh có thể dựng được thành công cá tính của một người lính, những cung bậc cảm xúc của anh ta thay đổi theo từng trường đoạn của phim thì game không làm được như vậy. Nhân vật mà game dựng nên cho chúng ta là một sát nhân máu lạnh theo đúng nghĩa. Hãy để nhân vật chính được làm người thường, đó mới là cách để xây dựng bối cảnh chiến tranh theo như thực tế. Hoặc đơn giản hơn, có thể xây dựng thêm vào cho nhân vật chính một bối cảnh nền đau thương, lý do đã đẩy anh ta đến cuộc chiến phi nghĩa.

 
Một trong những giải pháp hay nhất mà các nhà thiết kế game đang cố gắng đưa vào game bắn súng mô phỏng chiến tranh đó là học theo dòng kinh dị. Cảm giác sợ sệt, run rẩy khi phải đối đầu với bóng tối, với những cuộc đột kích bất ngờ khiến cho game thủ biết như thế nào là chiến tranh. Trên thực tế, chiến tranh đáng sợ hơn bất kỳ một tác phẩm kinh dị nào, dù cho đó là tiểu thuyết, phim ảnh. Nhìn thấy bạn đồng hành của mình bị bắn gục, gia đình mình bị thiêu cháy dưới bom Napan, tất cả đều gợi lên sự đáng sợ của chiến tranh.

Nhiều người có thể cho rằng xây dựng những hình ảnh như vậy là đi ngược đạo đức, khiến cho tựa game mang tính bạo lực, gợi lại sự đau buồn của chiến tranh. Thế nhưng chỉ có vậy thì game mô phỏng chiến tranh mới thực sự là “mô phỏng chiến tranh”. Còn nếu không, đó sẽ chỉ là những tựa game bắn súng rẻ tiền, cố gắng mua vui cho người chơi trong thời đại ngày nay.