Câu chuyện đằng sau những tựa game Nhật sai chính tả

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 23/04/2015 09:00 PM

Việc soát chính tả trong các tựa game Nhật phần lớn đều được thực hiện thủ công, dẫn đến khó tránh khỏi lỗi.

Sai chính tả là một lỗi thường gặp trong những tựa game cần tới việc dịch thuật sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, điển hình như các sản phẩm đến từ Nhật Bản. Sự khác biệt trong bộ chữ tượng hình và bảng ABC cũng như nền văn hóa khiến cho JRPG thường xuyên trở thành nơi để cho những sơ suất của nhà phát triển có cơ hội nở rộ.

Dù vậy, không phải mọi sai sót trong khâu dịch thuật đều mang tính chủ quan. Một bài phỏng vấn thực hiện bởi tạp chí Edge với Alexander Smith - chuyên viên đảm nhiệm việc dịch game đang sinh sống tại Nhật Bản đã hé lộ nhiều điều thú vị đằng sau công đoạn lắm "nhiêu khê" này.

Trước hết, ông Smith cho biết hầu hết các hãng phát triển game tại Nhật Bản đều sử dụng hình thức lưu trữ gồm 2 byte dành cho mỗi kí tự bởi xứ sở Mặt Trời mọc sử dụng loại chữ tượng hình rất phức tạp. Khi chuyển sang tiếng Anh, phương thức này vẫn được giữ nguyên và dẫn đến tình trạng thừa thãi. Chắc hẳn đã có lần bạn từng nhìn thấy những từ như kiểu "THI S" hay "TH IS" trong game Nhật rồi chứ? Đây là lỗi trình bày thường thấy trong thể loại JRPG, đồng thời cũng không ảnh hưởng quá nhiều để hãng phát triển phải chú tâm tới.

Tựa game The Sacred Blacksmith.

Đồng thời, kiểu lưu trữ này cũng khiến cho việc kiểm tra chính tả bằng những phần mềm tự động gần như không thể thực hiện được. Game nhập vai kể cả có độ dài ngắn cũng chứa hàng ngàn câu thoại, trong khi đội dịch thuật chỉ có từ hai tới ba người. Họ bắt buộc phải soát lỗi chính tả thủ công và với khối lượng công việc như vậy, sai sót là điều khó mà tránh khỏi, ví dụ như lỗi dịch thuật ở ngay đoạn đầu của Final Fantasy VII mà chắc nhiều người vẫn còn nhớ.

Why Some Japanese Games Had Such Terrible English

Bên cạnh đó, sự khác biệt về bộ chữ hay âm tiết cũng khiến việc dịch thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Anh trở nên rối rắm. Final Fantasy VII tiếp tục là một ví dụ khi phiên bản gốc trên PS1 dịch tên nhân vật là Aeris, trong khi chủ định của Square Soft muốn đặt là Aerith.

Vì vậy từ nay nếu như nhìn thấy lỗi sai chính tả nào đó trong các tựa game chuyển thể, hãy cố gắng thông cảm cho đội ngũ phát triển bởi đó nhiều khả năng nằm ngoài ý muốn của họ. Còn tất nhiên đối với những trường hợp sai ngay từ vòng gửi xe như Resident Evil "Revelaitons" hay Final "Fantsy" thì không thể chấp nhận được và xứng đáng bị ném đá rồi.

Tham khảo: Kotaku

>> Hài hước Final Fantasy soát chính tả cũng không xong