Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 02/11/2013 0:00 AM

Đáng ra trò chơi đã có thể hoàn hảo hơn.

Sau gần 1 năm chờ đợi, cuối cùng thì Battlefield 4 - một trong những tựa game bắn súng nặng kí nhất nhì 2013 cũng đã chính thức ra mắt vào ngày 29 đến 31/10 vừa qua (tùy theo từng phiên bản), tiếp tục nhấn chìm hàng triệu fan hâm mộ thể loại này vào những chiến trường khốc liệt với đủ loại vũ khí cũng như khí tài quân sự trên cả 3 mặt trận: thủy, bộ và không. Vậy sản phẩm đầu tay của DICE trên nền tảng Frostbite Engine 3 đã trình diễn như thế nào trong những ngày đầu ra mắt? Hãy cùng tìm hiểu trong bài đánh giá chi tiết của chúng tôi sau đây.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 1
 
Ấn tượng đầu tiên
 
Trước hết phải thú thực rằng, người viết không phải là một gamer có nhiều kinh nghiệm với series Battlefield, đúng vậy, mặc dù nó không phải một series có tuổi đời còn non trẻ gì nữa. Tuy nhiên các bạn cũng đừng quá lo lắng bởi gã cũng không phải một gamer quá "mù" trong thể loại FPS đến nỗi chuẩn bị viết nhăng cuội trong vài trăm chữ dưới đây cho xong bài review này.
 
Và ấn tượng ban đầu của một người chơi chưa bao giờ đến với Battlefield về Battlefield 4 là gì? Là sự khác biệt. Mặc dù đã chơi qua rất nhiều game FPS, single hay multi, online lẫn offline, người viết có cảm giác ở Battlefield 4 sở hữu yếu tố gì đó rất cuốn hút người chơi, khiến họ càng chơi càng ham và chỉ dứt ra được sau khi đã "cày" liên tục khoảng vài giờ đồng hồ.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 2
Chỉ có thể diễn tả là choáng ngợp.
 
Có thể là sự ảnh hưởng của trọng lực lên đường đạn mang đến cảm giác mới lạ, sự đa dạng trong khí tài quân sự, sự choáng ngợp trước bản đồ rộng lớn... Đó đều là những yếu tố đã từng xuất hiện trong Battlefield 3, và chắc hẳn cũng là thứ đã mang đến thành công rực rỡ cho nó. Tóm lại, nếu như bạn đã từng say mê Battlefield 3, Battlefield 4 sẽ mang lại cảm giác quen thuộc ngay từ những giờ chơi đầu tiên, còn nếu không, bạn nhiều khả năng phải dán chặt vào màn hình.
 
Bỏ qua phần bày tỏ cảm xúc của một gamer Battlefield nghiệp dư, sau đây chúng ta sẽ đi vào chuyên môn để xem Battlefield 4 có gì?
 
Chơi đơn
 
Mặc dù ít được ai chú ý hay công nhận từ trước tới nay nhưng dù sao, chơi đơn vẫn là môt phần trong cái giá 50 USD của Battlefield 4. Quả thật người ta không chú ý cũng có lý do của nó: Chiến dịch Campaign trong Battlefield 4 có thể nói là một trong những trải nghiệm FPS nhạt nhẽo nhất đối với người viết từ trước đến nay.
 
Với tổng cộng 7 nhiệm vụ và thời lượng chơi không quá 8 tiếng, toàn bộ những gì mà người chơi cần làm là tiến lên phía trước, hạ gục bất cứ thứ gì trên đường đi và thưởng thức đoạn cắt cảnh trước khi quá trình tương tự lặp lại. Có người sẽ cho rằng bản chất của thể loại FPS là vậy, tuy nhiên cùng một công thức nấu ăn vẫn có món ngon, món dở, và "đầu bếp" DICE rõ ràng chưa phải là xuất sắc trong công việc của mình.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 3
 
Cũng có những pha dàn dựng cháy nổ hoành tráng Hollywood, cũng những câu hò hét lên tinh thần giữa đồng đội với nhau trong tình thế nguy kịch, cũng có hy sinh, phản trắc. Những tất cả dường như được lắp ghép một cách vụng về, khiến người chơi dễ dàng cảm thấy sự gượng gạo ngay từ mission đầu tiên. Một người đồng đội của bạn hy sinh để 3 người khác được sống, nhưng liệu có ai quan tâm, hay cảm thấy ấn tượng trong khi thời lượng xuất hiện của anh ta mới được vài chục phút?
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 4
 
Công bằng mà nói, động lực duy nhất thúc đẩy người chơi hoàn thành phần campaign của Battlefield 4 đó là... 3 cây súng được unlock trong multiplayer.
 
Chơi mạng
 
Sau khi đã vùi dập chán chê phần chơi đơn, bây giờ chúng ta hãy tiếp tục với yếu tố đã làm nên thương hiệu Battlefield trong suốt nhiều năm qua - Multiplayer, quy mô và hoành tráng hơn bao giờ hết, tiếp tục trở lại trong phiên bản mang con số 4. Tổng cộng 10 bản đồ có kích cỡ từ cực lớn đến rất lớn là những gì Battlefield 4 mang đến cho người chơi ở thời điểm vừa ra mắt.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 5
Vẫn là những chiến trường cực kì rộng lớn.

Tương tự như Battlefield 3, phiên bản lần này cũng sở hữu số lượng kha khá chế độ chơi, nhưng phổ biến nhất vẫn là hình thức Conquest 64 người (32 vs 32) - nơi mà trải nghiệm chiến trường được truyền tải một cách hấp dẫn nhất. Dù là ai, vai trò gì, sử dụng phương tiện nào, bạn cũng sẽ tìm được chỗ đứng trong bản đồ rộng lớn, sát cánh cùng tổ đội hòng bảo vệ các điểm chiến lược hay đoạt chúng từ tay đối phương để đạt mục đích cuối cùng là chiến thắng.
 
Sau 12 giờ nướng vào multiplayer, người viết nhận thấy sự phân bố giữa 4 class Assault, Engineer, Support và Recon là rất đồng đều, không có chuyện một class nào tỏ ra "bá đạo" chứng tỏ DICE đã làm rất tốt trong việc phát huy lối chơi sẵn có từ Battlefield 3. Mỗi loại vũ khí cũng như phương tiện đều đòi hỏi quá trình luyện tập nhất định để phát huy hiệu quả, cùng với đó là rất nhiều phụ kiện, vũ khí, phần thưởng unlock được nếu như người chơi thể hiện tốt góp phần tạo ra sự lôi cuốn cho multiplayer.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 6
Vẫn là 4 class quen thuộc với hàng tá thứ để unlock.

Một tính năng đáng chú ý cũng đã được giới thiệu rất nhiều từ trước khi game ra mắt là Levolution - những công trình có thể phá hủy được trong màn chơi, tạo ra sự thay đổi lớn về địa hình kéo theo chiến thuật tấn công/phòng thủ ngay sau đó. Tòa nhà cao tầng của Siege of Shanghai, con tàu chiến ở Paracel Storm, con đập Flood Zone... chúng đều là những điểm nhấn lớn nhất trong lối chơi của Battlefield 4 so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên sự hay ho này không may lại kéo theo một nhược điểm sẽ được đề cập sau.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 7
Con đập trong Flood Zone khi phá hủy sẽ khiến mực nước toàn bản đồ dâng lên.
 
Cũng đừng quên rằng khả năng tương tác vật lý cũng cho phép người chơi phá hủy gần như bất cứ công trình nào chứ không riêng gì các vị trí đặc biệt kể trên. Thuốc nổ C4, hỏa lực từ Tank, LAV, phi cơ đều có thể thực hiện công việc này. Mọi chỗ ẩn nấp cũng vì thế mà không an toàn tuyệt đối, buộc gamer phải linh hoạt trong di chuyển.
 
Nhìn chung, đối với những người đã quen thuộc với Battlefield 3, có lẽ Battlefield 4 không phải là một cái gì đó quá đột phá. Vẫn sức hút quen thuộc ấy, nhưng đã được tinh chỉnh lại và cải tiến, chưa kể game vẫn còn 5 bản mở rộng phụ thêm trong thời gian tới đặt ra câu hỏi rằng, tại sao chúng ta lại không tiếp tục hòa mình vào chiến trường quen thuộc?
 
Chiến trường hơi nhiều... sạn
 
Khen đã nhiều, giờ đến tiết mục chê dù không muốn nhưng vẫn luôn tồn tại trong các bài đánh giá. Nhược điểm cố hữu của các tựa game online là khoảng thời gian khi mới bắt đầu vận hành thường rất lủng củng, và Battlefield 4 cũng chẳng nằm ngoài quy luật này. Chưa đến mức thảm họa như SimCity, việc kết nối vào các server Battlefield 4 ngay thời điểm mới ra mắt là rất dễ dàng, phần vì số lượng máy chủ vượt trội hơn nhiều. Tuy nhiên khi đã vào đến game, đó là lúc rắc rối bắt đầu xảy ra.
 
Phổ biến nhất và cũng dễ gây ức chế nhất là lỗi crash bất thình lình dù chơi đơn hay chơi mạng. Người chơi bắt buộc phải end task trong trường hợp này, và nó xảy ra với đa số chứ không riêng gì một bộ phận nhỏ, bao gồm cả người viết. Đặc biệt nó còn gây ức chế cao độ khi giở chứng vào lúc bạn đang sở hữu chỉ số kill/death cao và dẫn đến mất hết lượng exp kiếm được sau đó. Nguyên nhân dường như nằm ở việc alt tab trong quá trình chơi, dù sao thì sau bản patch 600MB tung ra vào ngày hôm qua, tình hình có vẻ đã sáng sủa hơn.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 8
Điểm nhấn đặc sắc nhất của Battlefield 4, tiếc thay lại là con đường ngắn nhất dẫn đến crash game.
 
Tiếp đến như đã đề cập ở trên là các công trình trọng yếu có thể phá hủy được. Các cảnh đổ vỡ ngoài đẹp mắt còn mang đến nguy cơ tiềm ẩn là làm... sập server, đến mức một số máy chủ phải hiển thị thông báo khuyên người chơi hạn chế thực hiện "Levolution". Một điểm khá kì lạ là trong giai đoạn beta, lỗi này lại không hề xuất hiện ở bản đồ Siege of Shanghai.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 9
 
Ngoài 2 hạt sạn to tướng kể trên, Battlefield 4 còn có lỗi lặt vặt khác như mất tiếng khi điều khiển xe tăng ở map Golmud Railway tạo cảm giác như "tịt mũi" cực kì khó chịu. Một số clip đăng tải trên YouTube thì cho thấy bug máy bay bị nổ banh xác mỗi khi sử dụng tên lửa của... chính mình.
 
Tuy nhiên Battlefield 4 cũng mới chỉ ra mắt được vài ngày, có lẽ chúng ta cũng nên thông cảm với DICE cùng EA trong một tựa game có quy mô khổng lồ như thế này. Hy vọng các bản vá sẽ sớm được đưa ra để khiến cho trò chơi hoàn hảo hơn.
 
Đồ họa
 
Bỏ qua phần này thì thật là thiếu sót, đặc biệt khi Battlefield 4 đã khiến gamer xuýt xao khi lần đầu xuất hiện hồi đầu năm. Xây dựng trên nền tảng Frostbite Engine 3 kế thừa từ Frostbite Engine 2 vốn nổi tiếng là nặng nề, cũng khá ngạc nhiên khi hình ảnh của trò chơi tỏ ra rất "mướt" (tất nhiên không tính đến lỗi crash bất chợt).
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 10
 
Thử nghiệm trên cấu hình tầm trung Core i5, GTX 660Ti, 8GB RAM, thiết lập all high ở độ phân giải 1600x900, Battlefield 4 cho chất lượng hình ảnh tuyệt đẹp mà không có bất kì hiện tượng trồi sụt hay khựng hình nào (dao động ở mức 60-80 FPS) kể cả trong những trường đoạn đổ vỡ cháy nổ hay bão táp ở các bản đồ thủy chiến. Mặc dù khung cảnh cực kì rộng lớn với rất nhiều chi tiết xuất hiện cùng lúc, Battlefield 4 còn tỏ ra mượt mà hơn những tựa game quy mô khiêm tốn hơn đã phát hành trong năm 2013 như Tomb Raider hay BioShock Infinite.
 
Battlefield 4: Chiến trường hơi nhiều... sạn 11
Hiệu ứng không chê vào đâu được của Battlefield 4.

Sử dụng alt tab khá nhiều trong quá trình chơi, người viết cùng không nhận thấy bất kì lỗi mất texture hay sọc hình thường gặp nào, vì vậy có thể nói đồ họa là một điểm cộng rất lớn cho sản phẩm của DICE kì này.
 
Kết
 
Với những ưu điểm kể trên, đáng lẽ Battlefield 4 đã là một tựa game FPS multiplayer hoàn hảo của năm 2013 nếu như không vướng phải rất nhiều hạt sạn ảnh hưởng tới quá trình chơi. Hạn chế về tốc độ đường truyền cũng là một trở ngại lớn đối với gamer Việt Nam khi mà lúc này số lượng server ở khu vực Đông Nam Á vẫn còn hạn chế. Dù vậy, nếu xét về tổng thể, Battlefield 4 vẫn tỏ ra xứng đáng với số tiền bỏ ra vì gameplay hấp dẫn, đồ họa đẹp mắt cùng giá trị chơi lâu dài.