Bạn đã phải là game thủ "sành điệu" hay chưa?

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/10/2015 03:30 PM

Những game thủ hardcore thường cho rằng khẩu vị của mình hơn hẳn so với số đông.

Trong văn hóa của phương Tây, từ "snob" được dùng để chỉ những người am hiểu sâu rộng về một lĩnh vực bất kì nhưng kèm theo đó là thái độ khinh thường những người có cùng sở thích nhưng không sành sỏi bằng, ví dụ như một người thích nghe nhạc cổ điển chỉ thoáng qua cũng biết tác phẩm đang nghe là của nhà soạn nhạc nào với một người chỉ nghe để thư giãn đơn thuần.

Khi mà video game đang dần được công nhận như một hình thức nghệ thuật mới với nhiều thể loại đa dạng khác nhau không thua kém gì phim ảnh lẫn âm nhạc, trong cộng đồng game thủ cũng bắt đầu hình thành nên những "snob" với sở thích chơi game (có thể hiểu nôm na là một game thủ "sành điệu"). Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 5 dấu hiệu để nhận biết xem bạn có phải là một "snob" hay không.

Không quan tâm tới hãng phát triển

Nếu bạn từng tẩy chay tất cả các sản phẩm đến từ một thương hiệu bất kì như Microsoft, Apple, Sony, Nintendo, Activision, EA... vì cho rằng họ chỉ giỏi "vắt sữa" hay lý do nào đó đi nữa thì bạn rõ ràng chưa phải là một game thủ sành điệu. Các "snob" sẽ không bỏ qua bất kì hệ máy, hãng phát triển, thể loại game nào miễn sao đó là một sản phẩm chất lượng.


Kì thị không có trong từ điển của game thủ hardcore.

Kì thị không có trong từ điển của game thủ hardcore.

Không quan tâm đến tầm cỡ của một tựa game

Các tựa game bom tấn chưa chắc đã hấp dẫn bằng những sản phẩm indie nhỏ lẻ với kinh phí phát triển kém hơn hàng nghìn lần, và chiều ngược lại cũng vậy. Một game thủ sành điệu là người phải biết chọn lọc chứ không nhận định phiến diện về video game dựa trên kinh phí hay số lượng người tham gia phát triển nó.


(Hình minh họa).

(Hình minh họa).

Biết cách thưởng thức game cũ lẫn game mới

Trong điện ảnh và âm nhạc đều tồn tại hai trường phái phân biệt rõ rệt: Cổ điển và hiện đại. Video game cũng vậy. Khi thưởng thức một tựa game cũ như Final Fantasy VII, chúng ta không thể cứ xoáy vào nền đồ họa vuông vức thô sơ của nó mà thay vào đó, cần phải mở rộng tầm nhìn để cảm nhận cái hay ở những khía cạnh khác.

Không quá bận tâm tới điểm số đánh giá

Các bài review mang đến cho game thủ một cái nhìn tương đối chi tiết về tựa game mà họ đang muốn chơi, kèm theo đó là một điểm số ước chừng về chất lượng dựa trên thang điểm 10 hoặc 100 là hoàn hảo. Thực tế khẩu vị của mỗi game thủ ít nhiều đều khác nhau nên chưa chắc game hay của người này đã hấp dẫn đối với người khác. Vì thế một game thủ sành sỏi chắc chắn sẽ không vì điểm số thấp mà bỏ qua một trò chơi mà mình cảm thấy hứng thú. Còn nhớ Yugioh Forbidden Memories trên hệ máy PS1 không? Tựa game này chỉ được có 50/100 điểm theo Metacritic mà thôi.

Cực kì ghét những tay chơi casual

Trong thời buổi thị trường game di động phát triển như hiện nay, ngay cả những bà mẹ bỉm sữa cũng đã biết giải trí bằng video game trong lúc rảnh rỗi. Đối với bộ phận những game thủ có tuổi thơ lớn lên cùng các hệ máy chơi game thứ thiệt, khi nghe đến những cái tên như Candy Crush, Farmville, Fruit Ninja chắc chắn không ít người sẽ nhíu mày hay thậm chí còn thể hiện thái độ "khinh thường" ra mặt đối với những ai tự xưng mình là game thủ mà suốt ngày chỉ loanh quanh với những trò chơi như vậy. Nếu cảm thấy mình cũng có những triệu chứng như trên thì bạn xem ra cũng khá "sành điệu" đấy!

Theo Kotaku

>> Dấu hiệu nhận biết bạn là một gamer hardcore