Âm nhạc - một phần không thể thiếu trong game

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 16/09/2012 0:00 AM

Bên cạnh những hình ảnh, lối chơi, và thiết kế, âm nhạc trong game đang càng khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp game đang lên.

Ngành công nghiệp game ngày nay đã được công nhận là một trong những ngành giải trí đa dạng và đặc biệt nhất, luôn có những tiến bộ xuyên suốt chiều dài thời gian kể từ những ngày đầu tiên của những năm 70 cho tới nay.
 
Sự phát triển của ngành công nghiệp tiềm năng này đến từ mọi mặt, mọi lĩnh vực, với nền đồ họa chỉ 2 màu đen trắng trong Ping-Pong, nay đã vượt tầm với các hiệu ứng xuất sắc trong Series Farcry, Crysis, hay lối chơi đơn giản trên mặt phẳng cuộn ngang màn hình nay đã phát triển với cảm ứng, bắt chuyển động, và nhiều phong cách chơi, hỗ trợ bởi các công nghệ tối tân khác.
 
am-nhac-mot-phan-khong-the-thieu-trong-game
 
Trong khi các mặt khác đang được chú ý, thì âm nhạc, lại là thứ được cho là kém cạnh hơn cả, điều sau cùng về một tựa game mà người chơi để mắt. Một tựa game có âm nhạc hay dở thế nào đi chăng nữa, nếu lối chơi, đồ họa chỉ cần đạt tầm chất lượng, game thủ hoàn toàn có thể bỏ qua và thưởng thức nó. Mặc dù vẫn được coi là thứ yếu như vậy, nhưng thực sự vai trò của nó không phải là những thứ hào nhoáng bên ngoài, mà lại là những giá trị ăn sâu, thấm dần vào người chơi, điều mà game thủ khó có thể nhận ra khi vẫn đang hành trình trong thế giới ảo. Một bài hát, một đoạn nhạc hòa âm, cất lên đúng lúc, đúng thời điểm, sẽ còn ấn tượng hơn bất cứ con Boss, bộ vũ khí, giáp trụ vững chắc, hay những trận thư hùng nảy lửa nào khác.
 
Những giai điệu không bao giờ quên với bất cứ game thủ nào.
 
Khi hành trình thế giới game bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, kỷ nguyên vàng của những sản phẩm Arcade, và thế hệ máy Console thứ 2, lúc đó âm nhạc trong game vẫn còn được lưu trữ trong các dạng vật lý, như băng Cassette, hay các đĩa than. Nhưng dạng lưu trữ này, vào thời điểm đó vẫn mang những hạn chế rất lớn để có thể đạt tới tầm phổ thông trong các sản phẩm game, một phần vì giá thành vật liệu rất cao cũng như sức bền kém dưới tác động mạnh dẫn tới những khó khăn trong việc cài đặt vào các bộ máy thùng, khiến cho yếu tố âm nhạc trong dường như bị bỏ quên vào thời điểm đó.
 
am-nhac-mot-phan-khong-the-thieu-trong-game
 
Sau đó, một phương pháp hiệu quả hơn trong việc mang âm nhạc vào game được đưa ra, đó là sử dụng một con chip chuyên biệt với chức năng chuyển các mã máy tính thành các âm thanh khác nhau nhằm tạo ra một bản nhạc hoàn chỉnh, mà sản phẩm đầu tiên đi theo hướng này là tựa game Gun Fight với Chiptune, sản xuất năm 1975. Gun fight là tác phẩm dưới bàn tay của nhà làm game huyền thoại Tomohiro Nishikado, cha đẻ của Space Invaders, mà game thủ Việt Nam chúng ta vẫn quen với cái tên "bắn ruồi". Gun Fight thực ra là một cái tên khác của Western Gun - cũng là một huyền thoại cho các hệ máy thùng, lần đầu tiên mang đến khả năng tương tác với khẩu súng cũng như tự do ngắm bắn khi trải nghiệm game.
 
am-nhac-mot-phan-khong-the-thieu-trong-game
 
Mặc dù khi đó, điều này được coi là bước khởi đầu cho việc đưa âm nhạc vào trong sản phẩm game, nhưng âm thanh lúc này vẫn dừng lại ở mức đơn âm, hay các âm thanh lặp lại, hoặc sử dụng riêng biệt ở đầu hoặc giữa khác màn chơi để góp phần tạo hứng thú cho game thủ. Điển hình lúc đó là tựa Pac-Man phát hành năm 1980 với âm nhạc được soạn bởi Toshio Kai, và Pole Position phát hành 2 năm sau đó bởi Nobuyuki Ohnogi. Nhưng tựa game đầu tiên sử dụng một bản nhạc nền liền mạch, lại là Space Invaders phát hành vài năm trước đó.
 
am-nhac-mot-phan-khong-the-thieu-trong-game
 
Cuối những năm 80, thế giới chứng kiến sự ra đời của thế hệ máy Console đời thứ 4 – Sega Mega Drive, hay với cái tên Sega Genesis ở thị trường Mỹ, đem theo nhiều cải tiến ở phần cứng. Điều này mang tới lợi thế ở cả mặt đồ họa lẫn âm thanh, khi cho phép những nhạc sỹ cũng như lập trình viên có thể dễ dàng trong việc sáng tác, hoặc chỉ để đưa những bản nhạc có sẵn vào game. Sau đó không lâu, hệ máy SNES ra đời, mang chất lượng âm nhạc cao hơn khi hỗ trợ tới 8 kênh âm thanh, thậm chí còn đạt ngưỡng 16 kênh tối đa. Nhưng vì dung lượng của băng trò chơi lúc đó còn giới hạn, nên các nhà sản xuất ưu tiên khoảng trống dữ liệu cho các dòng lệnh, cũng như đồ họa nhiều hơn, dẫn tới việc mặc dù đã phát triển hơn so với trước, nhưng âm nhạc trong game vẫn chưa thể thỏa sức sáng tạo ở thời kỳ này.
 
Mặc dù khi vẫn còn kém khá xa về mặt chất lượng với ngành giải trí âm nhạc thật sự, và hạn chế cho khâu sáng tạo, nhưng tất cả sự khác biệt đó gần như biến mất hoàn toàn khi Sega Saturn và Playstation ra mắt, dánh dấu sự có mặt của ổ đĩa CD đầu tiên trong tất cả thế hệ Console từ trước tới nay.
 
am-nhac-mot-phan-khong-the-thieu-trong-game
 
Cuộc cách mạng này cho phép những nhà phát triển game gửi gắm vô số nội dung vào sản phẩm của mình, như việc Metal Gear Solid sở hữu thời lượng cutscene kỷ lục, bên cạnh chất lượng âm nhạc tăng cao, cũng như tựa Grandia đã thêm vào một số đoạn lồng tiếng để hỗ trợ cho các dòng chữ hội thoại trên màn hình. Thời điểm này đánh dấu cho một bước đi hoàn toàn mới của mảng âm nhạc trong game, khi suốt những năm về sau, các tác phẩm ấn tượng liên tục xuất hiện, ghi những dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ. Cho tới nay, thậm chí một số nghệ sỹ trong ngành âm nhạc, phim truyện, cũng thường xuyên đóng góp tài năng của mình vào các tựa game, khẳng định sự phát triển lớn mạnh của mảng âm nhạc trong thế giới giải trí tương tác.
 
Nhờ vào thành công đó, làng game thế giới cho tới nay đã chứng kiến một số lượng không nhỏ những tác phẩm âm nhạc, và một trong số những ca khúc cảm động và đáng nhớ nhất từng góp mặt có lẽ là "Eyes on Me" - ca khúc chủ đề của Final Fantasy VIII, được trình bày bởi ca sỹ nổi tiếng Faye Wong. "Eye on Me" sau khi xuất hiện trong game, đã bán được 335.620 bản ở Nhật Bản, và tới 500.000 bản trên toàn thế giới. Mặc dù không phải là bài hát thuộc lớp đầu tiên xuất hiện trong làng game, nhưng "Eyes on Me" lại đánh dấu và tác phẩm thành công vang dội nhất trong dòng game Final Fantasy nói chung, và thế giới giải trí số nói riêng.
 
Eyes on Me - Fay Wong.
 
Bên cạnh Final Fantasy, Series Metal Gear Solid cũng là một cái tên lấy được nhiều nước mắt game thủ, khi chứa đựng một cốt truyện có chiều sâu cảm xúc, khắc họa nhiều cuộc đời khác nhau của các nhân vật. Hỗ trợ không hề nhỏ trong việc chuyển tải nội dung đó tới người chơi cũng chính là phần âm nhạc trong game. Điều đáng nói là không như Final Fantasy, hay các sản phẩm nguồn gốc Nhật Bản khác, Series Metal Gear Solid không có sự xuất hiện của các ca sỹ trong nước, hoặc từ Châu Á, mà lại là sự đóng góp tư một Band nhạc có nguồn gốc từ Châu Âu, mang tên Starsailor, với ca khúc Way to Fall, trong tựa Metal Gear Solid 3: Snake Eater.
 
Way to Fall - Starsailor. 
 
Làng game thế giới trong những năm gần đây, còn chứng kiến rất nhiều tác phẩm ấn tượng khác, mà "Poet of the Muse" của ban nhạc Poets of the Fall, trong tựa game Alan Wake là một trong số đó. Đây cũng là một ban nhạc gắn liền với các sản phẩm của Remedy Entertainment, từ việc nhân vật Vladimir Lem lấy hình tượng thành viên ban nhạc là Marko Saaresto trong Max Payne, cũng như ca khúc "Late Goodbye" trong Max Payne 2: Fall of Max Payne, cũng là tác phẩm của ban nhạc này.
 
Poet and The Muse - Poets of The Fall.
 
Ngoài những ca khúc có lời xuất hiện trong các sản phẩm giải trí tương tác, thì nhạc nền, hay nhạc không lời, cũng góp phần hỗ trợ rất tốt trong các trường đoạn trong game, giúp game thủ nhập tâm, cũng như cảm nhận tốt hơn bầu không khí mà các nhà phát triển hướng tới. Trong những nỗ lực đưa âm nhạc trong game lên tầm mới này, game thủ cũng chứng kiến những nhà soạn nhạc tài bà nổi tiếng ở các thể loại giải trí khác, mà đặc biệt nhất trong số đó là Hans Zimmer, người đứng đằng sau mảng âm nhạc của các bộ phim nổi tiếng như Gladiator, Black Hawk Down, Inception, hay mới đây nhất là The Dark Knight Rises. Ông lần đầu tiên bước vào ngành game khi tham gia soạn nhạc cho tựa Call of Duty: Modern Warfare 2, và hợp tác cùng một số nghệ sỹ khác trong phiên bản thứ 2 của Crysis.
 
Rangers Lead The Way - Hans Zimmer. 
 
Âm nhạc không những đánh dấu tiềm năng của mình trong các nội dung game, nhưng cũng góp phần không nhỏ trong những Trailer quảng bá tên tuổi, mà xuất hiện dưới cả hình thức ca khúc, tới nhạc không lời. Nổi tiếng hơn cả trong mảng nhạc nền Trailer là Two Steps From Hell, một công ty âm nhạc chuyên sáng tác các tác phẩm dành cho Trailer phim và game, mặc dù cũng xuất hiện ở các sự kiến lớn như UEFA Euro 2012, hay Olympic London 2012. Những tác phẩm của Two Steps From Hell từng xuất hiện trong Trailer của các tựa game như Mass Effect 2, Mass Effect 3, và Killzone 3.
 
Heart of Courage - Two Steps From Hell.
 
Bên cạnh đó, Trailer game còn có sự xuất hiện của các bài hát khá nổi tiếng, như Mad World của Gary Jules, trong Trailer Gears of War, hay Power của Kanye West, trong Trailer Saints Row: The Third, cũng như nhiều cái tên khác.
 
 Mad World - Gary Jules.
 
Theo thời gian, ngành công nghiệp game, cũng như những lĩnh vực liên qua, như đồ họa, lối chơi, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía bên ngoài. Và âm nhạc, một gia vị không thể thiếu trong cuộc sống, nay cũng đang phát triển mạnh mẽ trong thế giới game hơn bao giờ hết, phần nào đưa cộng đồng game thủ chúng ta tới những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhằm trải nghiệm những giá trị nghệ thuật trong game một cách sâu sắc nhất. Hãy gửi lời cảm ơn tới những nghệ sỹ đã tạo ra các tác phẩm như chất lượng như vậy, và hy vọng trong tương lai, chúng ta vẫn tiếp tục được chứng kiến những giá trị nghệ thuật sâu sắc hơn nữa trong thế giới game.
 
Trong giới hạn khuôn khổ bài viết, chúng tôi chưa thể đưa ra toàn bộ các tác phẩm âm nhạc trong game, vậy nếu các bạn còn yêu thích ca khúc, bản nhạc nào, hãy đóng cho chúng tôi qua những bình luận bên dưới.