6 hiệu ứng hình ảnh bị lạm dụng nhiều nhất trong game

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/06/2015 0:00 AM

Phần lớn trường hợp, chúng khiến cho game trở nên rối rắm hơn chứ không thời thượng như hãng phát triển nghĩ.

Đồ họa là lớp áo bên ngoài của video game được tạo ra bởi các hãng phát triển với tiêu chí sản phẩm của mình trông thật bắt mắt nhất có thể. Nhưng không phải cứ càng phô diễn nhiều kĩ thuật phức tạp thì đồng nghĩa game sẽ càng đẹp. Một số hiệu ứng bóng bẩy hiện nay khiến game trở nên rối rắm hơn, thậm chí gây khó chịu cho game thủ. Sau đây sẽ là danh sách một số tính năng vô bổ phổ biến mà các nhà phát triển nên ngừng sử dụng càng sớm càng tốt.

Làm mờ chuyển động (Motion blur)

Đây là một trong những hiệu ứng bị lạm dụng nhiều nhất trong các game hiện nay. Vốn được sử dụng để mô tả việc tăng tốc đột ngột trong thể loại đua xe, giờ đây nó được dùng ngay cả ở những môi trường chẳng có bất kì vật nào chuyển động hay tệ hơn nữa là khi xoay chuyển camera trong game. Trong các tình huống này, Motion blur không những làm thế giới xung quanh trở nên hỗn độn mà còn gây cảm giác buồn nôn cho người chơi.

Ngoài làm mờ thế giới xung quanh nhân vật khi quay camera, còn một kiểu motion blur nữa là làm mờ chính nhân vật khi di chuyển. Không cần giải thích nhiều về sự vô nghĩa trong trường hợp này, tại sao có người lại không muốn tận hưởng chuyển động mượt mà và sắc nét của nhân vật với tốc độ khung hình cao trên chiếc PC mạnh mẽ cơ chứ?

Bụi mờ trên ống kính

Một xu hướng đồ họa mới xuất hiện trong những năm gần đây là bắt người chơi quan sát thế giới qua một lớp bụi mờ. Nhưng thay vì để những hạt bụi lơ lửng dưới ánh nắng và tô điểm những khoảng không gian trống, các nhà sản xuất lại khiến chúng bám vào mắt nhân vật và cản trở tầm nhìn trong game.

Đây là một nỗ lực nhằm tạo không khí điện ảnh cho game, nhưng có lẽ những nhà thiết kế quên rằng game thủ FPS nhìn thế giới qua con mắt nhân vật chứ không phải ống kính camera. Không giống thấu kính quang học, mắt người không bám bụi và cũng không nhìn thấy những quầng sáng tán xạ. Những hiệu ứng trên không cung cấp thêm thông tin gì về thế giới trong game mà còn làm mờ đi rất nhiều chi tiết quan trọng.

Ở góc nhìn thứ ba việc bắt chước hiệu ứng của ống kính cũng khiến game giảm đi tính chân thực, đặc biệt trong những game lấy bối cảnh trung cổ khi mà camera chưa hề được phát minh. Có người sẽ nói “Game of Thrones” vẫn có những quầng sáng, nhưng đó là vì không thể quay phim mà không dùng thấu kính, còn không có lý do gì bắt game thủ phải chịu đựng những vấn đề kĩ thuật không đáng có.

Quang sai

Giả lập ống kính máy quay có lẽ vẫn chưa đủ, những nhà thiết kế đồ họa còn muốn bắt chước những chiếc máy quay lỗi thời! Thấu kính của những chiếc camera này có chất lượng thấp và không thể hội tụ ảnh vào một điểm chính xác trên phim, hậu quả là hiện tượng quang sai: viền ảnh bị mờ đi và tách thành những đường đỏ-lục-lam.

Một chiếc camera với lỗi này đáng bị vứt vào sọt rác, tuy vậy game hiện nay lại sử dụng nó ngày càng nhiều. Những đường viền xanh đỏ thay cho các đường thẳng sắc nét làm hỏng toàn bộ môi trường game mà rất nhiều công sức phải bỏ ra để thiết kế; và giống như các hiệu ứng bắt chước camera khác, nó là một vật cản giữa game thủ và thế giới trong game. Thay vì là một người lính đi giải cứu tổng thống, người chơi sẽ cảm thấy như đang xem phim về giải cứu tổng thống. Chỉ một hiệu ứng nhỏ nhoi cũng có thể cắt đứt sự kết nối giữa câu chuyện và người chơi.

Nhiễu film (Film grain)

Những hạt nhiễu nhỏ li ti do sử dụng các cuộn phim nhựa đã được loại bỏ bởi các thiết bị quay phim số hóa, ngoại trừ trong video game, nơi mà công nghệ số nỗ lực đưa chúng trở lại và tiếp tục làm vấy bẩn màn ảnh mà chẳng có lý do thuyết phục nào.

Nhiễu phim gây khó chịu không khác gì những âm thanh nhiễu, hẳn không ai có thể chịu đựng được nếu toàn bộ âm thanh của game có thêm những tiếng rè rè từ loa. Ngay cả đối với những trường hợp mà hiệu ứng này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của game, ví dụ như Left 4 Dead muốn tạo cảm giác của một phim zombie hạng B, việc tắt nó đi vẫn khiến game sạch sẽ và dễ nhìn hơn nhiều. Thật may mắn, hầu hết các game đều có tùy chọn giảm bớt hoặc tắt hoàn toàn những hạt nhiễu khó chịu này.

Độ sâu trường ảnh (Depth of Field)

Độ sâu trường ảnh hay DOF là một thuật ngữ của giới nhiếp ảnh chỉ khoảng lấy được nét trên ảnh, còn các chi tiết ngoài vùng đó sẽ bị nhòe đi. Có thể thấy sự lạm dụng hiệu ứng này ngay trong trailer mới đây của Batman: Arkham Knight. Rocksteady đã mất công tạo ra một thế giới cực kì chi tiết cho người chơi khám phá, nhưng đồng thời lại làm mờ đi cảnh vật môi trường khi người chơi tập trung nhìn vào thứ gì đó.

Dù trông khá ổn trong trailer nhưng trên thực tế với DOF nhà sản xuất đã cả gan làm thay việc điều tiết cho con mắt game thủ. Không những tước mất từ người chơi quyền tập trung nhìn vào bất kì điểm nào mình muốn trên màn hình, hiệu ứng này còn khiến game chạy ì ạch hơn rất nhiều.

Một ví dụ điên rồ khác của lạm dụng DOF là nhiệm vụ Singapore trong Battlefield 4. Khoảng lấy nét chỉ giới hạn trong chiếc xuồng trong khi toàn bộ những chi tiết khác trong nhà xưởng mà nhà sản xuất cất công thiết kế đều không thể quan sát được.

Lóe sáng (Lens flare)

Lóe sáng là hiện tượng gây ra bởi sự phản xạ ánh sáng trong lòng ống kính khi có một nguồn sáng mạnh chiếu xiên vào. Đây không hẳn là một hiệu ứng thừa, vì độ sáng của màn hình chỉ có giới hạn nên gần như không có các nào khác để thể hiện một nguồn sáng mạnh trong game.

Tuy nhiên cũng giống như các hiệu ứng ánh sáng khác như Bloom hay HDR, lóe sáng thường bị lạm dụng trong game. Ví dụ như trong bức hình từ Syndicate ở trên, bóng đèn sáng chói phía xa gần như làm mất hết khả năng quan sát của game thủ. Một số game khác lại sử dụng nó một cách ngớ ngẩn như trong bức ảnh chụp từ The Evil Within dưới đây, lóe sáng xuất hiện quanh những chiếc đèn khí gas chứ không phải đèn pin công suất lớn.

Những trường hợp ngoại lệ

Mặc dù sẽ tốt hơn nếu tất cả những hiệu ứng nêu trên biến mất hoàn toàn, nhưng trong một số trường hợp chúng sẽ có ích nếu được sử dụng đúng chỗ giúp tạo nên một sắc thái nhất định hoặc đóng góp cho gameplay.

Trong Alien: Isolation, DOF bị giới hạn khi nhìn qua máy quét buộc người chơi cân nhắc thiệt hơn khi sử dụng thiết bị này. Thậm chí hiệu ứng quang sai của game cũng có thể chấp nhận như một cách tái hiện không khí phim viễn tưởng từ những năm 70, mặc dầu Amanda Ripley nên sớm đi khám mắt thì hơn.

Những chiếc đèn lóe sáng cùng với vạch đen trên-dưới màn hình hay các hạt nhiễu trong The Evil Within được đưa vào nhằm cản trở khả năng quan sát của người chơi, nhưng dù sao ý đồ của nhà sản xuất là muốn tạo ra cảm giác bụi bặm và bất an.

Dòng game Metro dù bị ám ảnh bởi hiệu ứng lens flare nhưng lại tận dụng hiệu ứng bám bụi rất tốt. Khi người chơi đeo mặt nạ chống độc, máu me và các chất bẩn khác có thể bám lên và che mất tầm nhìn, nhưng có thể lau sạch chúng với một nút bấm. Đây là một cách hiệu quả giúp game thủ cảm thấy nhập tâm hơn vào thế giới của game.

Dù vậy, motion blur xem ra là một hiệu ứng hoàn toàn vô dụng trong game hiện nay và cần được xóa sổ càng sớm càng tốt.

>> 8 tựa game mà cái chết vẫn còn đáng sợ