10 tựa game giống nhưng lại... phá đám lẫn nhau

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/09/2015 0:00 AM

Những sự trùng hợp đến kì lạ trong làng game hoặc đơn giản, các nhà làm game này đã sử dụng chung cùng một nguồn ý tưởng mà không hay biết.

Hiện tượng “trùng lặp” vốn khá phổ biến trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt với các bộ phim bom tấn của Holywood. Chẳng hạn như hai bộ phim Armageddon và Deep Impact của năm 1998 đều lấy nội dung Trái Đất bị thiên thạch đe dọa, hay Hercules và The Legend of Hercules năm 2014, hoặc Olympic has Fallen và White House Down. Lịch sử điện ảnh có vô vàn các tác phẩm tương đồng, nhưng thú vị là ngành công nghiệp game cũng không thiếu những trường hợp như thế. Hãy cùng điểm qua những “cặp song sinh” của làng game qua danh sách dưới đây.

Infamous (05/2009) và Prototype (06/2009)

Siêu anh hùng và sandbox dường như là hai khái niệm không thể dung hòa tuy nhiên hầu hết các tựa game hội tụ cả hai yếu tố này đều thành công và đáng nhớ. Đáng tiếc là những game như vậy thường rất hiếm hoi, vì công sức bỏ ra cho một game siêu anh hùng tốt lẫn một thế giới mở rộng lớn gần như tương đương với hai tựa game thông thường. Thật bất ngờ, vào mùa hè năm 2009 không chỉ một mà tới hai tựa game siêu anh hùng sandbox cùng ra mắt.

Cả Infamous lẫn Protype đều xoay quanh một nhân vật đời thường bất đắc dĩ có được sức mạnh đáng sợ. Người chơi đều được tự do lựa chọn một trong hai hướng đi: trở thành anh hùng hay một tên tội phạm. Tuy có ý tưởng tương đối giống nhau nhưng hai nhà phát triển đều cố gắng tạo ra bản sắc riêng. Có lẽ họ đã mắc sai lầm khi quyết định phát hành hai game chỉ cách nhau có 2 tuần, cuộc đụng độ trực tiếp giữa các siêu anh hùng này đã ảnh hưởng tới doanh số của cả hai.

Psi-Ops: The Mindgate Conspiracy (06/2004) và Second Sight (09/2004)

Hiện tượng hai tựa game cùng ra mắt vô tình có chung ý tưởng và gây thiệt hại cho nhau không hề hiếm trong ngành công nghiệp game. Khó có thể mô tả nối thất vọng của một nhà phát triển đang tự tin về sản phẩm độc đáo của mình thì bất ngờ chạm trán một tựa game có ý tưởng tương tự.

Tuy nhiên thật ngu ngốc khi hai tựa game về thần giao cách cảm lại không thể đoán trước một bản sao của mình đang xuất hiện. Chỉ phát hành cách nhau có 10 tuần, Psi-Ops và Second Sight đã ngáng chân nhau và cùng ngã xuống bùn. Cả hai đều cố gắng mang đến sự mới mẻ cho thể loại game bắn súng góc nhìn thứ 3 vốn đang bão hòa, nhưng sự tương đồng về nội dung lẫn thời điểm phát hành khiến mọi nỗ lực trở nên vô ích.

Blur và Split Second (05/2010)

Khiến một tựa game trở nên nổi bật luôn là vấn đề nan giải, kể cả trong những tình huống thuận lợi nhất. Những bài review và bình luận thường sử dụng biện pháp so sánh khi viết về một tựa game mới, đơn giản vì nói “Tương tự như game x...” dễ dàng hơn nhiều mô tả dài dòng. Không có thể loại nào khó tìm thấy sự độc đáo hơn đua xe, bởi những chiếc xe và đường đua dù chân thực tới đâu về cơ bản vẫn chỉ là nhấn 4 phím WASD mà thôi.

Tuy vậy của Blur và Spit Second đều tìm được đáp án cho vấn đề trên qua những mánh khóe thông minh. Blur tự biến mình thành game Mario Kart phiên bản trưởng thành với các màn chọi xe, còn Split Second gây ấn tượng nhờ những pha cháy nổ chân thực. Nhưng thật không may, việc ra mắt cách nhau có một tuần đã khiến cả hai mất đi cơ hội tỏa sáng.

World of Warcraft và EverQuest 2 (11/2004)

Cuối năm 2004 đã xảy ra cuộc đối đầu giữa hai gã khổng lồ, một bên là hậu bản được mong chờ của tựa game MMO lớn nhất thời đó, một bên bước tiến của Blizzard với thương hiệu Warcraft vào vùng đất MMO màu mỡ. Có thể coi đây chính là thời điểm quyết định dẫn tới sự thống trị của World of Warcraft trong nhiều năm sau đó.

Trận chiến giữa cái tên lớn nhất trong thể loại MMO và ngôi sao mới nổi diễn ra cực kì khốc liệt khi cả hai phát hành chỉ cách nhau chưa đến 2 tuần. Khách quan mà nói cả hai game đều rất tuyệt và xứng đáng được nhiều người chơi. Nhưng trên thực tế WoW không những vượt trội hơn đối thủ mà còn thu hút được lượng người chơi đông đảo hơn và Everquest II bỗng nhiên trở thành bàn đạp cho tựa game này tiến lên.

Arabian Magic và Arabian Fight (1992)

Bắt chước các ý tưởng từ điện ảnh là chiêu trò khá thường gặp trong giới làm game. Lấy Contra làm ví dụ, tựa game này đã cố gắng che giấu hành động sao chép của mình một cách vụng về, đến nỗi có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng với bộ phim Aliens của James Cameron ra mắt 8 tháng trước đó.

Arabian Magic và Arabian Fight là hai game arcarde khá tốt nhưng có nhiều điểm tương đồng đáng ngờ. Tại sao cả hai nhà phát triển đều có ý tưởng làm game về Ả Rập, một bối cảnh chưa từng được khai phá trước đây, thay vì những game bắn súng thông thường? Câu trả lời có lẽ là bộ phim hoạt hình Aladin mà Walt Disney phát hành cùng năm đó.

Tuy nhiên vì Aladin công chiếu sau khi cả hai tựa game ra mắt, có lẽ ai đó đã đánh hơi thấy cơ hội ngay từ khi trailer bộ phim tung ra, hoặc cả 3 studio độc lập (bao gồm Walt Disney) cùng “vô tình” quyết định 1992 là năm của Phương Đông huyền bí.

(Còn tiếp)

>> 10 tựa game hiếm và đắt bậc nhất thế giới