10 tựa game bạn sẽ phải hối hận suốt đời nếu chơi

Kemag  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/12/2015 03:04 PM

Không chỉ hối hận, mà mãi về sau này có lẽ chính bạn cũng sẽ phải đặt dấu hỏi vì sao hồi đó mình lại ngây thơ chơi chúng đến vậy?

Trước nay chúng ta đã biết nhiều đến những tựa game hay hoặc thuộc vào hàng bom tấn trên thế giới; vậy còn những sản phẩm dở tệ thì sao? Thị trường mỗi năm cung ứng tới hàng trăm đầu game mới, dĩ nhiên trong số đó không thể nào chỉ có game đáng chơi được, vẫn có những cái tên mà nhắc đến ai cũng phải "rùng mình" vì nó quá dở tệ.

Dưới đây là danh sách 10 ứng viên xứng đáng với giải "Game dở tệ nhất trong lịch sử", có lẽ chúng đã khiến hàng nghìn game thủ phải hối hận suốt đời sau khi chơi thử (xem clip cụ thể bên trên)

1. E.T.: The Extra-Terrestrial (1982)

Nếu bạn đã từng xem series "Game trong mắt ông già" (Clueless Gamer) thì chắc hẳn vẫn còn nhớ clip "Game thời "đồ đá" dưới con mắt ông già" mà trong đó có sự xuất hiện của E.T.: The Extra-Terrestrial. Mặc dù phiên bản điện ảnh cực kỳ thành công nhưng tựa game ăn theo này lại thuộc vào hàng thảm họa thực sự trên hệ máy cũ Atari. Game nhàm chán và khó hiểu đến mức không thể tin nổi.

2. Drake of the 99 Dragons (2003)

Ra mắt năm 2003 trên hệ máy Xbox, Drake of the 99 Dragons nhanh chóng trở thành một trong những sản phẩm dở tệ nhất trên hệ máy này. Game có đồ họa không đến nỗi nào nhưng lại lâm vào thảm họa vì cách thức điều khiển nhân vật quá kém, góc quay camera không hợp lý cùng với gameplay nghèo nàn.

3. Pac-Man (1982)

Phiên bản Pac-Man trên hệ máy Atari 2600 năm 1982 luôn được giới game thủ xếp vào hàng tệ hại, dù phiên bản gốc của nó trên dòng máy thùng luôn được hâm mộ trên toàn thế giới. Nguyên nhân là vì những thay đổi trong gameplay cũng như đồ họa khiến trò chơi trở nên nhàm chán hơn hẳn so với phiên bản gốc.

4. Steel Battalion: Heavy Armor (2012)

Được quảng bá là tận dụng cực tốt nền tảng Kinect của Xbox 360, thế nhưng Steel Battalion: Heavy Armor lại gây thất vọng lớn khi trò chơi thường xuyên không thể nhận biết đúng cử động của người chơi và thường xuyên đưa ra hành động sai khác trong game. Đây cũng là một trong những game đề tài người máy bết bát nhất trong lịch sử.

5. Aquaman: Battle for Atlantis (2003)

Aquaman: Battle for Atlantis không chỉ có đồ họa dở tệ với mô hình nhân vật xấu xí như những năm 199x cùng cử động chẳng có gì mượt mà, nó còn sở hữu gameplay nhập vai của nó đã bị phá nát khi hệ thống combo hoạt động đầy lỗi, điều khiển nhiều lúc không thể thực hiện được những hành động đơn giản nhất.

6. Link: The Faces of Evil và Zelda: The Wand of Gamelon (1993)

Series Legend of Zelda luôn thuộc vào hàng kinh điển của làng game thế giới, thế nhưng 2 tựa game ăn theo là Link: The Faces of Evil và Zelda: The Wand of Gamelon trên hệ máy cũ Philips CD-i lại thuộc hàng dở tệ. Một phần dẫn tới điều này do kinh phí đầu tư thấp, dẫn đến từ đồ họa, gameplay tới âm thanh đều không thể chấp nhận được.

7. Ride to Hell: Retribution (2013)

Ride to Hell: Retribution kể về câu chuyện của anh chàng Jake Conway trong hành trình báo thù một băng nhóm xe mô tô tàn bạo được gọi là The Devil’s Hand trong bối cảnh những năm 1960. Với một cốt truyện hứa hẹn như vậy nhưng trò chơi lại gây thất vọng cùng cực khi gameplay nghèo nàn, điều khiển nhân vật quá khó khăn, khâu lồng tiếng dở tệ và trên hết là không thể hiện được lối chơi thế giới mở như quảng cáo.

8. Dr. Jekyll and Mr. Hyde (1988)

Ăn theo bộ phim nổi tiếng cùng tên, thế nhưng Dr. Jekyll and Mr. Hyde phiên bản game lại trình diễn một màn chơi nghèo nàn với nhân vật chỉ biết "đi tới đi lui", không hề thể hiện được chút gì theo cốt truyện gốc. Đây là một trong những trò chơi nhảm nhất trên hệ máy NES.

9. Big Rigs: Over the Road Racing (2003)

Đây chắc chắn là tựa game đua xe thất bại nhất, và cũng được nhiều tạp chí dán mác "không bao giờ nên mua". Nguyên nhân tới từ nền tảng đồ họa như thời đồ đá cùng với hàng tá lỗi xuất hiện trong đường đua. Hãy thử tưởng tượng bạn có thể lái chiếc xe tải của mình xuyên qua mọi vật thể trong game để hiểu được nó dở đến thế nào.

10. Superman (1999)

Nếu vừa xem xong phim Superman rồi chơi tựa game này, bạn sẽ tưởng như anh chàng siêu nhân của mình đang "bơi" giữa không gian chứ không phải là bay. Đồ họa dở tệ khiến nhân vật trông như một gã hề và gameplay nhàm chán kiểu xưa cũ khiến trò chơi thất bại thảm hại trên hệ máy Nintendo 64.