Những vị tướng gây hiệu ứng “hoảng sợ” cho đồng đội mỗi khi xuất hiện trong Liên Minh Huyền Thoại (Phần 1)

Zed  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/03/2017 0:00 AM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Nhóm tướng mà mỗi lần chúng được khóa vào là kèm theo không ít tiếng thở dài từ chính đồng đội.

Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ đến với một chủ đề vui vẻ, mang tính for fun một chút. Chắc hẳn bất kỳ người chơi Liên Minh Huyền Thoại nào cũng có cho mình một danh sách những vị tướng mà mỗi khi chúng được chọn đều khiến bạn phải bồn chồn tự hỏi: “Gã này một là sẽ gánh team, hai là thành cây ATM vô hạn cho đối thủ mất thôi”.

Có thể là những tướng với chất tướng khó chơi nhưng lại được hấp dẫn nhiều game thủ cố gắng làm chủ, hay đơn giản là bộ kỹ năng của chúng chẳng có mấy tác dụng giúp team trong những trận xếp hạng căng thẳng. Thậm chí nhóm tướng này từng bị liệt vào danh sách tướng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người chơi. Không dài dòng nữa, cùng điểm danh những vị tướng gây hiệu ứng “hoảng sợ” cho đồng đội mỗi khi xuất hiện.

Vayne

Vayne??? Có nhầm lẫn gì không? Đây là vị tướng luôn nằm trong nhóm hyper carry số 1 trò chơi, sở hữu vô vàn highlight mãn nhãn, được các xạ thủ hàng đầu ưa thích bậc nhất cơ mà. Không nhầm đâu, đừng để phần nổi hào nhoáng đó làm mờ mắt bạn.

Không phủ nhận sức mạnh, khả năng đặc trị tank bá đạo của Vayne nhưng vẫn phải đặt ra không ít dấu hỏi về độ hiệu quả thực sự của cô nàng Thợ Săn Bóng Đêm. Điểm yếu chí mạng của Vayne là vô cùng yếu kém khi đi đường, chỉ có từ hòa đến thua trước hầu hết kèo tướng.

Kịch bản quen thuộc mỗi khi Vayne xuất hiện là đường dưới sẽ bị đẩy sâu tận trụ và người chơi Vayne cần cực kỳ khéo léo để có thể giữ khoảng cách lính không bị xạ thủ đối phương bỏ quá xa. Vấn đề nằm ở chỗ phần lớn người chơi luôn vào trận với tâm lý muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ. Vậy là mọi lý thuyết đều bị vứt xó hết. Pick tướng late mà lại muốn thắng đường, snowball đối thủ. Thật mâu thuẫn!

Kể cả với một số người ý thức được điều này và chơi hòa hoãn thì vẫn xin nhắc lại một lần nữa, Vayne đi đường rất, rất yếu. Kể cả bạn có chơi tốt đến mấy mà gặp phải những kèo cỡ Caitlyn, Varus đi cùng hỗ trợ cấu máu cũng phải khổ sở vô cùng. Đồng đội mỗi khi thấy Vayne first pick chỉ biết cầu nguyện bằng một cách thần kỳ nào đó đường dưới không tan nát sau 20’.

Teemo

Xét về mức độ bị kỳ thị thì Teemo khó có đối thủ. “Pick con khác được không bạn?”; “Thích Teemo à? Tao troll”,… Vô vàn câu chuyện bi hài về gã Trinh Sát Nhanh Nhẹn này ngày ngày xuất hiện dày đặc trên Đấu Trường Công Lý. Cái tên dễ gây mất đoàn kết nội bộ ngay từ khâu Cấm Chọn nhất trò chơi.

Thực tế thì Teemo vẫn có khá nhiều điểm mạnh riêng, nếu không đủ tỉnh táo hoặc trong tay người chơi tốt thì sẽ gây không ít khó chịu. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà vị tướng này bị kỳ thị đến vậy. Teemo siêu mỏng manh và kém cơ động. Gặp phải những kẻ đi rừng ăn thịt hung hãn cỡ Elise, Lee Sin, Kha’Zix,… thì Teemo bất đắc dĩ trở thành cây ATM uy tín cho đối phương.

Chắc chắn việc pick một vị tướng mà ai cũng quá rõ là sức đóng góp cho đội sẽ rất hạn chế để rồi liên tục nuôi xanh đối phương sẽ gây sự ức chế không hề nhẹ cho đồng đội. Quá nhiều những cãi vã nội bộ với tâm điểm là gã Yordle này rồi.

Một tanker nào đó dù có thọt đôi chút nhưng vẫn sẽ tạo được ảnh hưởng nhất định trong giao tranh. Còn Teemo thì sao? Ngay cả khi xanh tới nóc, thì tính từ mạnh nhất có thể dành cho hắn chỉ là “khó chịu” mà thôi, huống chi là trường hợp ngược lại. Trong những trận đấu vui vẻ thì Teemo là lựa chọn hoàn toàn hợp lý, nhưng khi bạn muốn dồn toàn lực hướng đến chiến thắng thì làm ơn hãy chôn Teemo đi.

Tahm Kench

Tahm Kench là vị tướng hỗ trợ có bộ kỹ năng đơn giản, nhanh làm quen nhưng lại rất khó để chơi tốt. Kỹ năng W Đánh Chén chắc hẳn phải nằm trong số chiêu thức bá đạo nhất Liên Minh Huyền Thoại. Tahm Kench dễ dàng vô hiệu hóa cả tấn sát thương, chiêu cuối của đối thủ nhồi vào đồng đội chỉ bằng một cú nuốt gọn ghẽ.

Nhưng cũng chính khả năng nuốt đồng đội tưởng như bá đạo này lại bị không ít người chơi lạm dụng để troll trong các trận đấu. Kể cả khi không troll thì sử dụng chiêu thức này hợp lý cũng không phải đơn giản. Cần tầm bao quát giao tranh thật tốt từ người điều khiển để dùng Đánh Chén đúng lúc. Nặng thì nuốt đồng đội rồi nhả vào giữa đội hình địch, nhẹ thì nuốt nhầm hoặc nuốt sai chỗ, sai thời điểm.

Thêm cả chiêu cuối Du Ngoạn Thủy Vực nữa. Với những đội chơi ăn ý thì đây là chiêu thức gây đột biến, tập hợp khi giao tranh nổ ra rất tốt. Nhưng với một gã Tahm Kench xa lạ thì chiêu cuối của hắn có thể dẫn bạn đến một nơi vô cùng mông lung nào đó. Bệ Đá Cổ đối phương chẳng hạn. Sẽ phải đặt câu hỏi “Liệu gã này có chơi nghiêm túc không hay định troll?” sau khi Tahm Kench được khóa.

Master Yi

Master Yi có khả năng dọn giao tranh cực tốt, sát thương tay cực cao, ác mộng với các tướng chủ lực vào giai đoạn giữa trận nếu xanh xao. Nhưng điểm hạn chế khiến hắn làm đồng đội phải lo lắng khi ra trận thì nhiều không kém. Giai đoạn đầu trận Master Yi sẽ đóng vai “công chúa ngủ trong rừng”, trừ khi bạn là những vị tướng bổ sung khống chế siêu mạnh cỡ Lissandra, Maokai còn không thì khó mà trông mong hắn chịu ló mặt ra đường.

Chỉ biết hi vọng rừng đối thủ không hủy diệt cả trận trong lúc hắn chơi với quái rừng mà thôi. Master Yi còn đáng ghét ở chỗ thường “nhường” hết phần gian khổ trong giao tranh cho đồng đội trước khi tiến tới và dọn dẹp những gì còn sót lại. Hắn có thể kiếm được vài ba điểm hạ gục hay thậm chí pentakill gì đó. Nhưng đó lại là tiền đề gây ảo tưởng, nổi máu lao vào 1vs5 với niềm tin sẽ lại hạ gục tất cả.

Tiếc là không phải ai cũng là Cowsep, thường sẽ là Master Yi băng băng bật Chiến Binh Sơn Cước lao vào và…đột tử khi dính khống chế cứng. Bộ kỹ năng đơn giản, dễ bị khắc chế nên rơi vào tay người chơi còn non kinh nghiệm thì có Master Yi trong đội chẳng khác nào chấp người cả. Tóm gọn lại thì Master Yi là vị tướng vô dụng khi không xanh, xanh rồi thì lại thành quả bom nổ chậm, tiềm ẩn nguy cơ quăng game cao bậc nhất.