Những vai diễn “để đời” của Ryan Reynolds trên màn ảnh bên cạnh siêu nhân “lầy” Deadpool

zunzin  - Theo Helino | 21/05/2018 03:57 PM

Vai diễn Deadpool - một nhân vật với tính cách “lầy lội, bựa” độc nhất vô nhị trên màn ảnh đã mang lại sự nổi tiếng cho diễn viên Ryan Reynolds.

Sau ba tuần thống trị màn ảnh, bom tấn siêu anh hùng của Marvel Studios nay phải nhường lại vị trí dẫn đầu khu vực Bắc Mỹ cho tên lính đánh thuê mồm mép, ưa bạo lực. Deadpool 2 đã tạo lên một cơn sốt khắp các phòng vé, bộ phim đã tạo được ấn tượng riêng cho mình nhờ phong cách “không giống ai”, ngoài những pha hành động đẹp mắt là kèm theo những mảng hài hước đầy tính mỉa mai.

Bộ phim không chỉ mang lại doanh thu cao cho hãng Fox mà đã trở thành một thương hiệu ăn khách cho hãng phim này. Không những thế vai diễn Deadpool - một nhân vật với tính cách “lầy lội, bựa” độc nhất vô nhị trên màn ảnh đã mang lại sự nổi tiếng cho diễn viên Ryan Reynolds.

Nhắc đến anh chắc mọi người chỉ nghĩ đến Deadpool vì nhờ vai diễn này tên tuổi của anh mới bắt đầu được tỏa sáng. Nhưng ngoài vai này anh còn xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim hay khác, mọi người hãy cùng điểm danh lại những bộ phim này nhé.

Van Wilder : Party Liaison (2002)

Ryan Reynolds vào vai Van Wilder - một anh chàng siêu quậy đã mùi đũng quần những 7 năm trên ghế nhà trường, thế nhưng chuyện tốt nghiệp với chàng ta vẫn là một điều quá xa vời. Được bao vây quanh bởi một đội ngũ những người hâm mộ và có cả một trợ lý riêng, cuộc sống của Van giống như một ông hoàng trong trường hoc.

Thế nhưng, khi cha của Van quyết định cắt hết mọi chi phí sinh hoạt của cậu con trai cưng thì chàng ta bắt đầu phải tự thân vận động và xoay xở khốn khổ nếu muốn kéo dài cuộc sống xa hoa của mình trước đây. Câu chuyện của anh đã thu hút sự chú ý của nữ phóng viên xinh đẹp Gwen (Tata Reid). Cuộc gặp gỡ với Gwen đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và cuộc sống của Wilder.

Tác phẩm không được lòng giới phê bình bởi lối hài nhí nhố, song lại được nhiều khán giả trẻ ưa thích. Với kinh phí chỉ 5 triệu USD, phim đạt doanh thu đến 38 triệu USD. Nhờ tác phẩm này, Ryan Reynolds bắt đầu tạo dựng tên tuổi của mình.

Just Friend (2005)

Đây là bộ phim đã giúp Ryan Reynolds trở thành một ngôi sao được săn đón trong thể loại phim hài tình cảm. Just Friend kể về một anh chàng mập mạp tên Chris đã bị crush của mình từ chối tình cảm chỉ vì ngoại hình. Sau này lớn lên, Chris đã trở nên thành đạt, thon gon và đẹp trai hơn rất nhiều, anh còn có một cô bạn gái xinh đẹp. Cuộc sống của anh đột nhiên trở nên đảo lộn khi vô tình gặp lại nàng crush năm xưa và chính lúc này, Chris mới tìm thấy được con người thật của bản thân mình.

Just Friend thu về 51 triệu USD và được nhận xét là "một phim tình cảm pha hài thú vị đến bất ngờ". Trong phim, Reynolds gây ấn tượng khi hóa trang thành một chàng béo khiến nhiều người không nhận ra.

Definitely, Maybe (2008)

Trong Definitely, Maybe, anh thủ vai Will - một ông bố đang trong quá trình hoàn tất thủ tục ly dị. Như bao người đàn ông sau khi ly dị vợ, Will Haydes lâm vào hoàn cảnh "gà trống nuôi con", nhất là khi anh chỉ mới 30 tuổi còn cô con gái thì lại 10 tuổi với biết bao câu hỏi, thắc mắc. Và cô bé đã làm ông bố trẻ phải "rớt mồ hôi" khi cô bé thắc mắc về thời trai trẻ, về tình yêu của ông bố... và về "hậu quả" của ngày hôm nay. Khi con gái Maya (Abigail Breslin) hỏi về lý do ly dị, anh kể cho cô bé ba cuộc tình của mình nhưng không tiết lộ ai là mẹ Maya.

Với lối tường thuật hấp dẫn, giới phê bình đã có lời khen cho bộ phim, đây là một tác phẩm hấp dẫn với dàn diễn viên trẻ tài năng.

Chaos Theory (2008)

Phim này mặc dù ít được biết đến nhưng lại là một trong những tác phẩm Ryan Reynolds diễn xuất tự nhiên nhất. Nội dung xoay quanh một người đàn ông luôn cảm thấy nhàm chán trong cuộc sống của mình vì anh luôn phải tự đặt ra những khuôn khổ kỷ luật về thời gian và phải tuân theo nó chính giác đến từng giây.

Tuy nhiên điều này đã khiến cho người vợ của anh cảm thấy không hạnh phúc và quyết định chỉnh đồng hồ của chồng mình trễ 10 phút. Để rồi từ đây, một loạt các biến cố xảy ra khiến cho anh hiểu được giá trị thật sự của cuộc sống.

X-Men Origins: Wolverine (2009)

Đây là lần đầu tiên Ryan Reynolds được tham gia vào thế giới Marvel. Trong X-Men Origins: Wolverine, chúng ta đã được thấy Ryan Reynolds đóng vai Deadpool một lần. Ban đầu, Reynolds chỉ định góp mặt chớp nhoáng, song các nhà sản xuất quyết định tăng thêm đất diễn cho anh. Tài tử gây ấn tượng bởi việc tập luyện cùng kiếm cho các màn đánh đấm. Tuy nhiên, hình tượng Deadpool của anh trong phim không được đánh giá cao bởi cứng nhắc và quá khác nguyên tác.

The Proposal (2009)

Nhiều khán giả khen ngợi và xem đây là phim tình cảm pha hài nổi bật nhất năm 2009. Reynolds thủ vai chàng trợ lý Andrew phải đóng vai hôn phu của sếp Margaret (Sandra Bullock) khi cô đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ. Để có thể diễn trọn vai tình nhân, Andrew đưa Margaret về ra mắt đại gia đình và gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. Sự kết hợp ăn ý của Reynolds với đàn chị Bullock làm nên thành công cho phim.

Buried (2010)

Trong bộ phim Ryan Reynolds trong vai tài xế xe tải tỉnh dậy trong cỗ quan tài. Phim xoay quanh cuộc chiến sinh tồn của nhân vật này. Khi đọc kịch bản, Reynolds biết anh sắp đối mặt với một thử thách ghê gớm, đây là vai diễn hiếm hoi tài tử thể hiện khả năng diễn nội tâm mạnh mẽ, chứ không chỉ đóng khung vào mẫu nhân vật điển trai.

Cả anh lẫn đạo diễn Rodrigo đã nhận được hàng tấn lời khen khi khai thác thành công kịch bản này, hầu hết mọi người coi xong đều sẽ cảm thấy ngứa ngáy vì cách xây dựng không gian hẹp rất tuyệt vời trong phim.

Green Lantern (2011)

Vượt qua nhiều ứng viên nặng ký, Reynolds được mời thủ vai người hùng Hal Jordan (Green Lantern) trong bộ phim. Nhân vật là một phi công bất ngờ được trao một chiếc nhẫn quyền năng, phải đương đầu với một kẻ hủy diệt trong vũ trụ.

Bộ phim đã thất bại cả về chất lượng lẫn doanh thu, và trở thành một cơn ác mộng của Ryan Reynolds khiến đến bây giờ anh cũng không muốn ai nhắc đến vai diễn đó của anh.

Safe House (2012)

Safe House là một bộ phim hành động giật gân khá thành công nhờ diễn xuất ăn ý của cặp đôi Ryan Reynolds và Denzel Washington. Ryan vào vai lính mới Matt của Cia còn Denzel là một đặc vụ phản bội Tobin.

Tobin đã bị bắt ngay lúc tái xuất ở Cape Town và được đưa tới Safe House, tên gọi những căn nhà được CIA xây nên nhằm thực hiện các nhiệm vụ tình báo bí mật. Tuy nhiên một nhóm lính đánh thuê đã tấn công ngôi nhà buộc Matt phải cứu Tobin và bước vào một hành trình áp giải cực kỳ nguy hiểm.

R.I.P.D. (2013)

Đây được xem là tác phẩm "thảm họa" của Ryan Reynolds ,bộ phim cũng gây thất vọng với doanh thu 78 triệu USD, trong khi kinh phí lên đến 130 triệu USD.

Jeff Bridges và Ryan Reynolds thủ vai hai cảnh sát quá cố, sau đó trở thành người chuyên săn lùng các hồn ma. Nếu tài tử gạo cội vẫn có khoảnh khắc đáng nhớ, Reynolds hoàn toàn mờ nhạt trong phim. Anh không để lại bất kỳ ấn tượng gì về cả vai diễn lẫn diễn xuất của mình.

The Voices (2014)

Đây là lần hiếm hoi chàng trai hiền lành Ryan Reynolds biến thành kẻ xấu. Trong The Voices, anh hóa thân thành nhân viên vận chuyển Jerry. Anh là một người rất hiền lành, dễ mến nhưng ban đêm lại là kẻ giết người hàng loạt man rợ.

Nguyên nhân của mọi việc bắt nguồn từ căn bệnh hoang tưởng được di truyền từ mẹ và chắc chắn bạn sẽ phải rùng mình trước sự thay đổi tâm lý đột ngột của anh chàng này cùng với những cảnh giết người bạo lực.

Mississippi Grind (2015)

Đây cũng là một bộ phim ít được biết đến thậm chí là lu mờ hẳn trong sự nghiệp của Ryan Reynolds nhưng lại rất là hấp dẫn. Ryan Reynolds trong phim vào vai một tay chơi bạc trẻ đã liên kết với một tay chơi bạc lão làng đang lâm vào cảnh nợ nần. Cả hai sẽ cùng nhau tham gia một giải đấu Poker nổi tiếng ở New Orlands nhằm kiếm lấy số tiền thưởng khổng lồ đủ sức thay đổi cuộc đời cả hai.

Deadpool (2016, 2018)

Phim gây sốt và rất thành công tạo một bước đột phá trong sự nghiệp Ryan Reynolds. Anh thủ vai chính Deadpool - siêu nhân có lối hành xử khác người rất lập dị. Tác phẩm ghi điểm nhờ bám sát truyện tranh gốc và xây dựng mẫu nhân vật chính phá cách với lối ăn nói bỗ bã, hay chửi thề và thường xuyên trò chuyện trực tiếp với khán giả.

Phim khai thác được tối đa tài năng của Ryan Reynolds ở cả mảng hài lẫn hành động. Phong cách tưng tửng, diễn hài với gương mặt tỉnh bơ và cái miệng liến thoắng của Reynolds hoàn toàn chinh phục khán giả. Deadpool thu về 783 triệu USD.