Những tựa game bom tấn nhưng được ra mắt theo cách tệ hại nhất trên thế giới

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/01/2017 04:36 PM

Rất nhiều thương hiệu game đình đám cho ra mắt các phần tiếp theo nhưng sau đó đã bị ném đá rất nhiều bởi không thể chuẩn bị được ngày ra mắt chu toàn nhất có thể.

Final Fantasy XIV (2010)

Phải mất hàng năm trời, Square Enix mới tiết lộ ra thêm thông tin về siêu phẩm mới của mình, tựa game MMORPG Final Fantasy XIV. Thế giới của Final Fantasy từ trước đến nay vốn đã quá tuyệt vời nên cũng không khỏi khiến cho cộng đồng game thủ kì vọng quá nhiều để rồi sau đó phải thất vọng tràn trề với phần thứ 14 của loạt game đình đám này.

Nhiều game thủ từng phàn nàn rằng phiên bản được bán cho game thủ vẫn còn chưa được hoàn thiện. Giao diện dành cho người dùng thực sự là một đống rắc rối khiến cho người chơi vô cùng khó tiếp cận. Game còn bị phàn nàn bởi cách sửa lỗi của mình khi mà các game thủ đang rối tinh rối mù thì họ chẳng có chút động thái nào để gỡ rối cho tình hình này.

Diablo 3 (2012)

Phiên bản đầu tiên của Diablo do Blizzard Entertainment ra mắt vào đầu thập niên 90 đã để lại rất nhiều kỉ niệm đẹp trong cộng đồng game thủ. Tựa game này thậm chí còn tạo ra một nền tảng cho các tựa game nhập vai sau này đến mức ngày nay, gameplay của Diablo vẫn được coi là một chuẩn mực cho thể loại game này.

Phiên bản Diablo 2 ra mắt vào năm 2000 thậm chí còn thành công hơn nữa và đã được giới game thủ tạo ra rất nhiều bản mod bên lề. Vào năm 2012, Diablo 3 được ra mắt và đã phá kỉ lục với 3,5 triệu bản được bán ra trong 24 giờ. Bạn thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra khi tựa game vốn từng chỉ là Single Play này được đặt trên sever của Blizzard và 3,5 triệu game thủ cùng đăng nhập vào 1 lúc thì sẽ có chuyện gì xảy ra? Đấy là còn chưa kể tới thời gian thai nghén lên tới 12 năm thực sự là một quãng thời gian chờ đợi quá dài.

Sim City 5 (2013)

Sau lỗi chí tử của Blizzard với Diablo 3, người ta nghĩ rằng các công ty game đã có được bài học về việc chuẩn bị đường truyền, cơ sở hạ tầng internet tốt nhất có thể khi ra mắt tựa game của mình. Nếu nghĩ thế thì bạn đã nhầm rồi nhé. Bởi ngay sau đó thì SimCity 5 đã lặp lại sai lầm tương tự và đổ hết thành công cũng như hình ảnh đẹp mà SimCity 4 gây dựng trong lòng độc giả từ năm 2003 xuống sông xuống bể.

Khi phần 5 của SimCity ra mắt vào tháng 03 năm 2013, game thủ cũng đã phải (cũng có thể coi là được) chơi game online trên hệ thống của EA. Thế nhưng, số lượng lớn game thủ cùng đăng nhập trong ngày đầu tiên đã khiến cho sever bị quá tải. Sự cố này phải mãi một thời gian sau mới được khắc phục hoàn toàn.

Battlefield 4 (2013)

Lại là một tựa game khác của EA xuất hiện trong danh sách và có ngày ra mắt tồi tệ không kém gì so với người anh em của mình ở trên. Danh tiếng của tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất Battlefield thực sự đã được gây dựng một cách vững chãi trong rất nhiều năm trời, là tựa game nằm lòng của biết bao thế hệ game thủ.

Thế nhưng, phiên bản Battlefield 4 ra mắt trên Xbox One và PlayStation 4 cũng đẫ phá hỏng tất cả. Game thủ liên tục phát hiện ra lỗi trong game cũng như bị crash liên tục mà chẳng có chút lời giải thích nào từ phía nhà phát hành. Thậm chí EA sau đó còn bị vướng vào 1 vụ kiện bởi dịch vụ quá tệ hại của mình.

Halo: The Master Chief Collection (2014)

Trong khi Battlefield của EA phải ra mắt trên một loạt các platform khác nhau thì Halo của Microsoft lại chỉ ra mắt trên Xbox. Halo và Halo 2 cuối cùng cũng đã được đưa lên PC nhưng đến năm 2014 nhưng vẫn còn khá nhiều câu chuyện để kể về chuỗi ngày ra mắt thảm họa của các phần game này, đơn cử như hề Halo: The Master Chief Collection chẳng hạn.

Khi được ra mắt, game đã đạt được đỉnh cao về doanh số nhưng đồng thời số lỗi cũng theo đó mà nhiều lên. Người chơi gặp phải các tin nhắn báo lỗi liên tục khi find match. Tình trạng này vẫn cứ thế kéo dài mãi cho đến tận cuối năm 2014.