Những sự thật ít người biết về một vài trường hợp "nghiện" Fortnite quá đà

Mặt Trứng  - Theo Helino | 12/12/2018 11:59 PM

Cái gì quá cũng không tốt. Fortnite có hay thì cũng đừng nên nghiện.

Những phương tiện giải trí phổ biến thường xuyên phải đón nhận những lời chỉ trích khá gay gắt từ phía phụ huynh cũng như một số tổ chức của xã hội. Fortnite cũng tương tự như vậy. Trò chơi này có thể không có máu me, không mang đậm tính bạo lực nhưng bù lại, chính sự cuốn hút của nó đôi khi bất ngờ gây ra những tác hại khôn lường mà ngay cả Epic Games cũng chỉ biết dở khóc dở cười khi nghe tới những trường hợp sau.

Cô bé 9 tuổi nghiện Fortnite tới mức phụ huynh cần phải nhờ bác sĩ tâm lý

Đối với nhiều người, trò chơi điện tử được coi là một cách để xả hơi, thư giãn sau những giờ làm việc hay học tập căng thẳng. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã nhìn thấy và cho rằng bên trong các trò chơi như Fortnite ẩn chứa khá nhiều điều nguy hiểm. Nó có thể làm các game thủ nghiện như nghiện ma túy vậy.

Những sự thật ít người biết về một vài trường hợp nghiện Fortnite quá đà - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ có thể dễ dàng nghiện Fortnite nếu như không được kiểm soát kỹ lưỡng

Các chuyên gia lo sợ sự giải phóng dopamine của não khi chơi Fortnite có thể giống với cách heroin làm thay đổi hóa học não vậy. Điều này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, lứa tuổi mà bộ não vẫn đang phát triển.

GameRant đã đưa tin về một cô bé 9 tuổi, thường xuyên dành thời gian chơi Fortnite 10 tiếng mỗi ngày. Cô bé thậm chí còn không thèm tắm, tới mức mà còn tấn công cả phụ huynh ngay khi bố cô định tách cô bé ra khỏi Xbox. Mọi thứ tồi tệ tới mức mà bố mẹ của cô sau đó phải tìm tới bác sĩ tâm lý để giúp đỡ con gái. Và chuyên gia Steve Pope viết rằng, đó không phải là trường hợp duy nhất.

Bản Mobile của Fortnite khiến cho sinh viên trở nên lười học hơn

Khi Fortnite còn bị giới hạn trên bảng PC, mọi người có thể nghiện nó, nhưng chí ít đó là sau giờ học. Còn khi Epic Games đã mở rộng ra bản mobile, văn hóa Fortnite thậm chí xâm nhập vào từng giảng đường.

Những sự thật ít người biết về một vài trường hợp nghiện Fortnite quá đà - Ảnh 2.

Phiên bản mobile của Fortnite khiến nhiều giáo viên gặp khó

Rất nhiều giảng viên than phiền rằng sinh viên của mình, thay vì dành thời gian nghe giảng hay làm bài tập như trước giờ đây gần như cắm đầu vào những chiếc smartphone trong mỗi tiết lên lớp. Rõ ràng, so sánh giữa Fortnite và một bài giảng của giáo viên, ai cũng sẽ chọn vế đầu.

Tịch thu điện thoại di động, gửi thư cảnh báo cho phụ huynh là tất cả những gì mà giảng viên có thể làm. Epic Games còn cẩn thận làm hẳn một hình nền yêu cầu các game thủ không nên chơi Fortnite trong giờ học. Nhưng xem ra phương án này không quá hữu dụng.

Nhiều "trẻ trâu" có thể dẫn tới những pha combat ngoài đời thật

Rất nhiều người chơi Fortnite là trẻ em, và người lớn cũng bị nghiện tương đối. Và việc có quá nhiều "trẻ trâu" tham gia vào trận chiến sinh tồn đôi khi sẽ dẫn tới những trường hợp khó đỡ.

Những sự thật ít người biết về một vài trường hợp nghiện Fortnite quá đà - Ảnh 3.

Nên bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi chơi Fortnite

Lấy ví dụ của Michael Aliperti, một game thủ ở New York thì có thể thấy, Fortnite "nguy hiểm" ra sao. Aliperti đã bị cảnh sát bắt giam vào tháng 9 năm 2018 vì thực hiện các mối đe dọa với một người chơi Fortnite khác, một đứa bé 11 tuổi.

Theo cảnh sát, Aliperti đã gửi tin nhắn cho cậu bé với nội dung: "Tao sẽ tìm thấy mày. Tao sẽ tới nhà mày tối nay và f*** mày". Cảnh sát tuyên bố rằng Aliperti kích động tới mức muốn biết đứa bé học trường nào. Và họ buộc phải hành động.

Bám trụ trước giông bão chỉ để cố gắng top 1

Trường hợp này thì có lẽ là nghiện level max rồi. Vào tháng 4/2018, một cơn bão mạnh đã càn quét qua Greensboro, Bắc Carolina. Và theo đài tin tức địa phương, một thiếu niên đã bị mắc kẹt trong nhà. Anh chàng này cho biết, mình quan tâm nhiều hơn tới top 1 của Fortnite thay vì mối nguy hiểm từ cơn bão bên ngoài.

Những sự thật ít người biết về một vài trường hợp nghiện Fortnite quá đà - Ảnh 4.

Kệ bão tố, cứ phải top 1 đã

"Tôi chơi tiếp vì chỉ còn vài người còn sống trong bản đồ thôi và quyết định sẽ cố gắng đạt được top 1. Nhưng rồi mọi thứ có vẻ tồi tệ, đường dây điện bị cắt, tín hiệu mạng mất. Và đó là lúc mà tôi thấy cơn bão có vẻ nguy hiểm" - Anton Williams thừa nhận với phóng viên.