Những món đồ chơi khủng quán net cao cấp nào ở Việt Nam cũng có

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/02/2017 0:00 AM

Đây gần như là những tiêu chuẩn ngầm để thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với các quán net tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại

Bàn phím cơ

Những bàn phím cơ học đều có trọng lượng xấp xỉ khoảng 3 pounds (hơn 1kg). Với khối lượng như vậy cộng với những miếng cao su nằm bên dưới chiếc bàn phím (lớn hơn hẳn so với chiếc bàn phím Dell mà trước đây chúng tôi từng sử dụng), thực sự thiết bị này ít bị di chuyển. Điều này rất hữu dụng vì chúng tôi thực sự khó chịu khi bàn phím cứ bị trượt đi khi đang sử dụng.

Hiển nhiên bàn phím cơ học không được thiết kế phục vụ việc di chuyển chỗ ngồi. Mà thời đó không đơn giản cứ bỏ tiền mua bàn phím về chơi luôn như bây giờ. Cái thời sinh viên tiền ăn, tiền xe cộ, tiền học còn phải chắt chiu, thì việc có một thú chơi để rót tiền vào gần như là một thứ gì đó kỳ cục và có phần điên rồ trong mắt nhiều người, bạn bè, cha mẹ và những người quen của tôi. Việc bỏ ra 3 4 triệu Đồng mua bàn phím về chỉ để... gõ cho sướng tay, là một người "ngoại đạo", chắc chắn bạn sẽ thấy sự dở hơi trong lựa chọn đó.

Giờ đây, nhà nhà phím cơ, người người mech key, từ rẻ đến đắt không thiếu lựa chọn, và dĩ nhiên là chất lượng đôi lúc được mô tả hoàn hảo trong tầm giá. Có một điều mà tất cả mọi game thủ đều đồng tình với nhau trong quá trình chơi game, đó là cảm giác bấm của mech cũng sướng hơn so với bàn phím cao su rất nhiều. Chính vì thế, để quảng bá tên tuổi, các phòng máy chơi game cao cấp ở Việt Nam cũng bỏ tiền đầu tư cho những chiếc bàn phím vì nó phục vụ được tất cả mọi người, thay vì chuột chơi game xịn.

Lý do là, không phải ai cũng cần chuột quá đắt tiền, nếu là game thủ CS:GO hoặc Overwatch hay các game FPS, họ sẽ sử dụng chuột và config của riêng họ, không quan tâm tới chuột của quán. Mua chuột quá cao cấp về cũng làm tăng khả năng bị mất cắp hoặc hỏng hóc vì bản thân game thủ cũng là những người cực kỳ bất cẩn, không phải lúc nào cũng biết giữ gìn đồ đạc. Còn phím cơ thì khác. Ai cũng sẽ thích chơi game hay gõ chat Facebook trên một chiếc bàn phím đắt tiền và cái sự đắt tiền được mô tả qua trải nghiệm trên từng nút bấm.

Ghế chơi game "xịn"

Để có thể đặt được độ thoải mái cao nhất khi chinh chiến trong thế giới ảo thì bên cạnh các loại máy tính cấu hình cao, gear xịn thì vấn đề 'ngồi sướng' cũng rất quan trọng. Đó chính là lý do mà các game thủ Việt đã để dành tiền để mua cho mình một chiếc ghế chơi game xịn, thay vì tận dụng các loại ghế gỗ, ghế văn phòng khá khó chịu khi ngồi lâu.

Nắm bắt được đặc điểm thích "màu sắc" của game thủ Việt, các cửa hàng, nhà phân phối phần cứng máy tính, gaming gear, đồ chơi cho game thủ tại nước ta cũng kịp mang về những mẫu ghế chơi game cao cấp đến từ các hãng như DXRacer, AKRacing, Maxnomic hay NeedforSeat. Thậm chí nhiều đơn vị công ty tại Việt Nam, ví dụ như Hồng Quân, cũng chế tạo những mẫu ghế với mức giá rẻ hơn nhiều để phục vụ không chỉ những phòng máy chơi game cao cấp mà còn cả những game thủ muốn sở hữu một chiếc ghế tương xứng với dàn máy tính chơi game của bản thân.

Quán net giờ đây cũng có DXRacer, cũng có những chiếc ghế cao cấp ngồi khác hẳn so với ghế nhựa hoặc ghế sắt ngày xưa, mà thậm chí công ty sản xuất ghế chơi game ở Việt Nam cũng bỏ tiền đầu tư mở quán game, thì thử hỏi làm sao ghế ngồi lại không sướng được cơ chứ!

Màn hình 144Hz

Ở thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh của AMD và Nvidia là một trong những yếu tố khiến cho những game thủ không mấy mặn mà với những màn hình 144Hz có sẵn trên thị trường mà họ muốn chờ đợi sự xuất hiện của những thế hệ màn hình 60Hz, 75Hz hay 144Hz với sự góp mặt của G-Sync đến từ Nvidia hay FreeSync đến từ AMD với những tính năng chống xé hình, lag hình hay trễ hình khi chơi game.

Về cơ bản tần số quét của màn hình chơi game càng cao thì càng tốt. Chuyện hình ảnh chuyển động trên màn hình 144 Hz sẽ mượt hơn 120 Hz, 120 Hz sẽ mượt hơn 60 Hz là điều ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng biết rằng nó chỉ đúng với điều kiện nhất định. Điều kiện đó chính là việc chiếc máy chơi game của ban (PC, Xbox, Playstation) phải xuất ra tốc độ khung hình tương đương hoặc cao hơn tần số quét của màn hình.

Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua được những màn hình với tần số quét cao, giúp mắt người phân biệt được những tựa game có khả năng hiển thị trên 60 FPS. Lấy ví dụ DOTA 2 hay CS:GO đều có thể "lên" được từ 240 đến 300 FPS, nên đôi khi màn hình 60 Hz không thể nào đáp ứng được nhu cầu của game thủ. Đó cũng là lúc những chủ quán net có bước đi đầu tư lớn để lôi kéo khách hàng của họ đến với quán bằng việc sắm những màn hình 144Hz vốn có mức giá không hề rẻ về phục vụ khách.

Hệ thống gọi đồ ăn uống tiện lợi

Ngày xưa chắc các game thủ vẫn còn nhớ việc phải gào lên gọi chủ quán để đặt đồ uống, món ăn. Giờ đây không còn như thế nữa. Bản thân các công cụ quản lý phòng máy hiện đại cũng có cả một tab để khách hàng gọi đồ ăn uống hoặc các dịch vụ một cách nhanh chóng mà không cần phải đứng dậy hay gọi bất kỳ ai, nói ngắn gọn là vô cùng tiện lợi.

Thậm chí một số phòng máy còn có cả các hệ thống dịch vụ riêng để đảm bảo rằng game thủ không bị "bỏ quên" hay order của họ thất lạc ở đâu không hay biết.