Những mánh siêu đơn giản nhận biết game online có "hút máu thần chưởng" hay không

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/12/2016 0:00 AM

Chỉ cần tỉnh táo một chút, bạn sẽ phân biệt được giữa việc tìm kiếm doanh thu và "hút máu", cố gắng kiếm tiền từ game thủ chơi MMO miễn phí

Có thể nói, nếu game online của những năm đầu tiên thuần túy mang tính chất giải trí, đồng thời là nơi để game thủ thể hiện đam mê, đẳng cấp PK, cày cuốc,…thì ngày nay, những giá trị đó hầu như đang dần dần thay đổi. Vẫn những tựa game nhập vai, đồ họa thậm chí vô cùng xuất sắc, cộng đồng game ngày càng lớn mạnh, nhưng thật khó để tìm thấy ở họ một niềm đam mê như ngày xưa khi mà giờ đây, đẳng cấp game được phân biệt vô cùng rạch ròi bởi... số tiền mà một game thủ bỏ cho nhân vật trong thế giới ảo.

Nhắc tới thời kỳ game huy hoàng là nhắc tới cái thời quán net mọc lên khắp nơi, cũng như các chủ quán net ghi tiền máy bằng “cuốn sổ huyền thoại”. Khi đó, đâu đâu người ta cũng thấy Audition, Võ Lâm Truyền Kỳ, CSO, Gunbound,…

Những bang hội được lập nên nhiều như mây, thậm chí các team còn chủ động đi khiêu chiến đối thủ tại các tỉnh thành mà chưa cần có hệ thống Liên Đấu Server như bây giờ, các diễn đàn sôi nổi bàn luận chiến thuật, hướng dẫn, và khái niệm “trâu vàng” chuyên cày cuốc cũng xuất hiện từ đấy. Có thể nói, đó là cái thời của những game thủ 8x với đam mê vô cùng tận, khi game vẫn là một hình thức giải trí phi lợi nhuận (nếu có, vẫn chỉ là bày bán các bộ trang phục chỉ mang tính thời trang chứ không ảnh hưởng đến lực chiến nhân vật).


Ai mà chẳng muốn bá trong game online?

Ai mà chẳng muốn bá trong game online?

Những thành tích thu gặt được trong thế giới ảo này, chỉ có thể có được bằng công sức cày cuốc ngày đêm: tích lũy kinh nghiệm để lên cấp, farm đồ không ngừng nghỉ để ghép vũ khí, PK mọi lúc mọi nơi để khẳng định “đẳng cấp phải mạnh”. Chính vì bỏ công sức cực khổ, nên hầu như các game thủ thời đó, ai ai cũng bùng cháy một tình yêu game mãnh liệt, cộng đồng game cũng vô cùng gắn kết và bền chặt.

Còn giờ đây, “nhà phát hành hút máu” lại là điệp khúc muôn thuở của cộng đồng game thủ Việt, hay cụ thể hơn là một phần những game thủ không bỏ tiền đầu tư cho nhân vật của mình trong những game miễn phí.

Mới đây nhất, bản báo cáo của SuperData đã chỉ ra một điều vô cùng rõ ràng: Những game online miễn phí là những sản phẩm hút máu game thủ khủng khiếp nhất. Biểu đồ top 10 game có doanh thu cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2016. League of Legends - Liên Minh Huyền Thoại dẫn đầu với 582 triệu USD, các vị trí còn lại trong top 5 lần lượt là Crossfire, Dungeon Fighter Online, World of Warcraft và World of Tanks.


6 trong số 10 game online doanh thu cao nhất là game miễn phí

"6 trong số 10 game online doanh thu cao nhất là game miễn phí"

Ngoại trừ World of Warcraft, đểm chung của chúng là gì? Đó đều là những game online miễn phí. Có những cách rất đơn giản để game thủ nhận ra rằng mình đang bị một NPH hút máu. Thế nhưng trong lúc đang mải mê với thế giới ảo, chắc chắn nhiều người trong số họ sẽ chẳng nhận ra. Chỉ cần tỉnh táo một chút, bạn sẽ phân biệt được giữa việc tìm kiếm doanh thu và "tận thu", cố gắng kiếm tiền từ game thủ chơi MMO miễn phí:

Người chơi không ham nạp tiền cày top? Mở ngay server mới!

Trên lý thuyết (ít nhất là nghiệm đúng với thị trường Việt Nam), việc mở server mới có tác dụng phục vụ game thủ của một tựa game khi server cũ đã quá đông, dẫn tới việc đôi lúc việc chơi game gặp nhiều khó khăn như khó đăng nhập trong giờ cao điểm hay server thiếu đi sự ổn định cần thiết… Thế nhưng với tâm lý ham đua top của game thủ Việt, đôi khi việc mở server mới còn là công cụ kiếm tiền cho các nhà phát hành.


Cứ mở server mới là hứng thú cày top lại được... reset.

Cứ mở server mới là hứng thú cày top lại được... reset.

Theo công thức cũ áp dụng cho những game client nhập vai, trong khoảng từ 3 đến 4 tháng, một server mới sẽ được mở ra. Khi mở một server game online mới, doanh thu tháng đầu tiên mà nhà phát hành có được sẽ đạt mức cực đại, lúc này server mới sẽ thu hút cộng đồng game thủ tham gia và cố gắng đua top. Để đua top, rõ ràng không thể chỉ chơi miễn phí.

Những tháng kế tiếp, doanh thu sẽ giảm dần cho tới khi nhà phát hành phải mở server mới để phục vụ nhu cầu “cày top” của gamer. Khi đó, những người chơi đều phải cày lại từ đầu nên cơ hội để game thủ có thể đứng vào danh sách những nhân vật mạnh nhất server cũng rộng mở hơn.

Đó là công thức cũ, đối với những webgame với vòng đời ngắn hơn rất nhiều so với game online client, vòng quay server mới sẽ trở nên ngắn hơn rất nhiều. Một tháng, thậm chí chỉ 1 2 tuần, một server mới đã ra đời để một mặt chiều lòng game thủ, mặt khác thu về lợi nhuận cho nhà phát hành.

Ép đồ xịt nhiều đến phát nản

Những “đại gia” trong game như BeoKaka chẳng hạn, tất cả đều bỏ vào game những khoản tiền khổng lồ, và trong số đó, một phần không nhỏ số tiền đều được “đốt” vào việc nâng cấp, cường hóa, khảm nạm trang bị, công đoạn mà chúng ta hay gọi là “ép đồ”. Để thực hiện thao tác như thế này, nhiều khi những món vật phẩm trong cash shop là yêu cầu không thể thiếu, và đó cũng sẽ là một trong những nguồn thu vô cùng hứa hẹn cho các nhà phát hành.


Đập đồ đã khó, những món kích thích tỷ lệ thành công lại phải mua bằng tiền thật.

Đập đồ đã khó, những món kích thích tỷ lệ thành công lại phải mua bằng tiền thật.

Đối với những game thủ, việc bắt họ bỏ ra một lúc một lượng tiền lớn để có được một món trang bị như ý gần như là điều không thể. Thế nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi để đạt được điều này, game thủ cần bỏ một khoản tiền nhỏ để “nâng cấp” món trang bị vốn có của họ. Nhiều lần như vậy, từng chút, từng chút một, chưa biết chừng khoản tiền game thủ bỏ ra để ép đồ sẽ còn lớn hơn nhiều so với khoản tiền mua đứt một món trang bị.

Đến bình máu còn phải mua bằng tiền thật

Đây đang được coi là một trong số những cách hút máu bị cộng đồng game thủ lên án nhất. Thông thường với những game nhập vai nói chung, game thủ sẽ cần tới rất nhiều những vật phẩm thiết yếu như bình máu, mana (thường được gọi bằng đủ cách khác nhau trong game). Chính vì thế, việc game thủ cày cuốc kiếm vàng chỉ để mua những vật phẩm thiết yếu trong game rồi… tiếp tục cày không phải là điều quá lạ lùng.


Một trong những cái tên vô địch trong ngành hút máu thần chưởng

Một trong những cái tên vô địch trong ngành "hút máu thần chưởng"

Thế nhưng có không ít nhà phát hành đã “mạnh dạn” đưa cả những món đồ không thể thiếu này vào… cash shop để dụ dỗ game thủ bỏ tiền thật. Dĩ nhiên không trắng trợn tới mức đưa tất cả vật phẩm vào cửa hàng tiền thật, nhưng ở level cao, lấy ví dụ những bình máu thông thường khó lòng có thể hồi máu hiệu quả cho nhân vật trong game, người chơi lại buộc lòng bỏ tiền để nuôi nhân vật mình đang cày kéo.

Lột xác trang bị cũ, thay chỉ số cho thêm phần bá đạo

Đây là một trong những phương pháp hút máu game thủ đã và đang được áp dụng vô cùng thành công trong tựa game bắn súng Đột Kích. Cùng một trang bị, cùng một chỉ số, thế nhưng việc thay đổi skin, hay nói cách khác là thay đổi vẻ bề ngoài của mỗi món vũ khí luôn khiến cho cộng đồng game thủ phải thèm muốn và làm mọi cách để sở hữu nó.


Có vũ khí mới ai mà chẳng máu sở hữu?

Có vũ khí mới ai mà chẳng máu sở hữu?

Chính vì thế, mỗi lần ra mắt vũ khí mới, nhà phát hành tựa game lại thu về bạc tỷ, chủ yếu là vì tâm lý chuộng hình thức của những game thủ Việt.

Tung ra event đua top, nạp thẻ

Sử dụng những phần thưởng bằng hiện vật hoặc những vật phẩm ảo đầy giá trị đối với bất kỳ game thủ nào hâm mộ một tựa game online, nhà phát hành sẽ dễ dàng tạo ra một event đua top tưởng chừng như vô cùng có lợi cho game thủ, nhưng kỳ thực là một hướng đi giúp tăng thêm doanh thu cho NPH.


Nếu thấy việc nạp thẻ trở thành một event game, hãy bỏ qua nó ngay lập tức.

Nếu thấy việc nạp thẻ trở thành một event game, hãy bỏ qua nó ngay lập tức.

Đặc biệt là những event đua top hoặc nạp thẻ nhận mã số quay thưởng, khi đó game thủ sẽ cố gắng nạp càng nhiều thẻ càng tốt và cày kéo với hy vọng mình sẽ là một trong những người may mắn giành được giải thưởng giá trị. Càng nhiều người nạp thẻ, nhà phát hành sẽ càng được lợi, và những event tiếp sau nữa sẽ tiếp tục nối đuôi nhau ra mắt.