Những 'lần đầu tiên' không thể nào quên đối với game thủ Việt đời đầu

Tâm Sự Game Thủ  - Theo Helino | 03/01/2019 10:21 PM

Những chiến tích vô cùng đáng nhớ một thời trốn học đi chơi điện tử, đó là một trời tuổi thơ đầy dữ dội trong ký ức của anh em 8x 9x đời đầu.

Với những game thủ lão làng thuộc thế hệ 8x và đầu 9x, các trò chơi điện tử ngày nay tuy rất hoành tráng về đồ họa cũng như lối chơi, nhưng không đọng lại được nhiều điều. Trong ký ức của họ, mỗi khi nhớ đến những cái tên "huyền thoại" như Contra, Ninja cứu mẹ, Ninja rùa... mới thực sự là những game hay nhất, tuyệt nhất và mang lại cảm giác bồi hồi khó tả.

Đó là những tháng ngày trốn nhà đi chơi 4 nút, tranh thủ làm ván K.O trong Đấu Trường Thú, Rồng Đen... rồi về ăn cơm, và những kỷ niệm đẹp khó phai mờ trong tâm trí. Dưới đây là những lần đầu tiên đáng nhớ với mọi game thủ Việt đời đầu, khó có thể nào quên. Nếu bạn đã trải qua hết những điều này, hẳn bạn đã có một tuổi thơ vô cùng dữ dội đấy!

'Lần đầu đánh lộn'

Những lần đầu tiên không thể nào quên đối với game thủ Việt đời đầu - Ảnh 1.

Tuổi thơ dữ dội với Series Bloody Roar (Đấu Trường Thú) và Mortal Kombat (Rồng Đen).

Đấu Trường Thú chính là tên gọi quen thuộc của game thủ Việt Nam dùng để chỉ series game đối kháng Bloody Roar nổi tiếng một thời do Activision, phát hành lần đầu tiên vào năm 1997. Với nhiều phiên bản được ra mắt sau đó, Bloody Roar đã nhận được những lời đánh giá vô cùng cao bởi cộng đồng game thủ.

Trong series Bloody Roar, mỗi nhân vật có khả năng hóa thành một loại dạng thú khác nhau và những người này được gọi là Zoanthrope. Trò chơi nổi bật với những cảnh chiến đấu đầy bạo lực, mỗi nhân vật đều có thể sử dụng ở hai dạng, người và thú hóa (biến hình). Ở Việt Nam, tựa game này còn có nhiều tên gọi khác như Đấu Trường Thú, Võ Đài Thú hay Đấu Trường Đẫm Máu...

Một dòng game oánh lộn cũng rất hay nữa chính là Mortal Kombat, hay thường được gọi là Rồng Đen. Mỗi nhân vật sở hữu kỹ năng và bộ chiêu thức riêng, ấn tượng nhất là những pha kết liễu khi đối thủ "hết máu" vẫn còn in sâu trong trí nhớ của các game thủ lão làng cho đến tận bây giờ.

'Lần đầu đi quẩy'

Những lần đầu tiên không thể nào quên đối với game thủ Việt đời đầu - Ảnh 2.

Khung cảnh quen thuộc trong GTA Vice City.

Ra đời khá lâu song cũng đầy cuốn hút, cho đến nay dòng game GTA vẫn đang vô cùng thành công. Tuy nhiên với thế hệ 8x 9x đời đầu, game cướp đường phố GTA Vice City mới là số một.

Grand Theft Auto Vice City chính là tiên phong của khái niệm "thế giới mở". Thành phố Vice City rộng lớn đem đến những nhiệm vụ bên lề, vật phẩm và thậm chí là câu chuyện để người chơi có thể tương tác. Tựa game hấp dẫn tới nỗi, bạn sẽ không ngạc nhiên khi có rất nhiều người chơi bỏ qua các câu chuyện mà chỉ chạy lòng vòng quanh thành phố để chiến đấu với “cớm” và giết thời gian. Ở Việt Nam, người chơi "Gờ-ta" lại yêu thích các mã (cheat code) và phá phách thế giới hơn là hoàn thành các nhiệm vụ theo cốt truyện.

Chắc chắn đây chính là tựa game cho phép anh em làm nhiều chuyện điên rồ hơn là chỉ lên Bar, phải không nào? :)

Lần đầu đua xe

Những lần đầu tiên không thể nào quên đối với game thủ Việt đời đầu - Ảnh 3.

Tại Việt Nam, Road Rash xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 2000. Khi đó, do mạng Internet chưa phát triển, game offline phát triển khá mạnh. Trò chơi nhanh chóng chiếm được cảm tình của game thủ vì lối chơi có phần vui nhộn và gay cấn, cho phép người chơi vừa đua vừa đánh đấm miễn sao về đich số một. Với thế hệ 8x, 9x, game đã trở thành một phần kỷ niệm không thể nào quên.

'Lần đầu phá đảo'

Những lần đầu tiên không thể nào quên đối với game thủ Việt đời đầu - Ảnh 4.

Chiến tích Phá Đảo đầu tiên của đời game thủ.

Hẳn anh em đã rất nhiều lần nghe từ "Phá đảo" để chỉ hành động kết thúc hoàn toàn một tựa game. Bắt nguồn của nó chính là từ Contra, một game hầu như bất kỳ game thủ nào cũng biết hoặc một lần nghe qua, gắn liền với thời điện tử 4 nút và những lần nhịn quà sáng để dành tiền đi quẩy.

Khi tiêu diệt xong trùm cuối của Contra, xuất hiện cảnh cuối cùng là chiếc máy bay rời đi và hòn đảo bị phá hủy. Cũng kể từ đó, thuật ngữ Phá Đảo ra đời và được sử dụng suốt hàng chục năm nay, dù các game khác chẳng hề có đảo để mà bị... phá.