Những hệ lụy đáng phải suy ngẫm từ sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp eSports

zhimzhim  - Theo Helino | 07/05/2018 10:01 AM

Nếu như cuộc cách mạng số đã và đang thay đổi cách chúng ta mua sắm, trò chuyện, hẹn hò và rất nhiều điều khác nữa, thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có duy nhất thể thao là không thay đổi. Vẫn từng ấy bộ môn, vẫn luật chơi và các quy định cũ kỹ. Nhưng nên nhớ rằng, có một môn thể thao đang âm thầm bứt tốc và phát triển từng ngày, đó chính là eSports, hay còn được gọi là thể thao điện tử đấy. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự đoán, những bộ môn, hay thậm chí còn được gọi là nền công nghiệp eSports này sẽ sớm cán mức tỷ đô trong tương lai.

Matthews, ông chủ của Fnatic thành lập tổ chức này 13 năm trước, và tới nay, nó đã trở thành một trong những mô hình thể thao điện tử thành công bậc nhất thế giới. Và cũng theo ông, bên cạnh bóng đá, eSports là bộ môn thể thao phổ biến ở mức độ toàn cầu. Bất kỳ đâu, châu lục hay quốc gia nào, cũng đều có những người chơi Esport.

Thậm chí, đã có những câu lạc bộ bóng đá bắt đầu chú ý tới sự phát triển này, ví dụ như Manchester City đã bắt đầu tài trợ cho các vận động viên Fifa, hay như PSG, có cả một đội hình LMHT cũng như DOTA 2 dưới cái mác LGD.Gaming. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của nền công nghiệp này cũng dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Tại Hàn Quốc, bên cạnh Kpop, thần tượng của giới trẻ đôi khi lại là một cái tên quá quen thuộc và quốc dân, Faker, và chắc chắn, bất kỳ ai cũng mong muốn mình sẽ trở thành một Faker trong tương lai. Tại trường trung học Ahyeon, hiệu trưởng Bang Seung-ho thừa nhận rằng lực học của nhiều học sinh trở nên giảm sút, đa phần vì họ đã dành cả đêm để chơi game, tới mức sẵn sàng nghỉ luôn cả những tiết học buổi sáng.

Và ông đi tới một quyết định táo bạo, mở luôn một phòng máy tại trường, miễn rằng học sinh tới lớp đầy đủ vào buổi sáng, còn đâu chúng có thể thoải mái đi theo tiếng gọi của con tim vào thời gian rảnh. Để rồi chẳng bao lâu sau, Bang nhận ra rằng, ý tưởng của ông đã trở thành nền tảng đào tạo cho các game thủ chuyên nghiệp trong tương lai.


Hình ảnh quá dễ bắt gặp tại Hàn Quốc

Hình ảnh quá dễ bắt gặp tại Hàn Quốc

Phỏng vấn nhanh trong phòng máy, gần như tất cả đều muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp, và họ xác định cần luyện tập tối thiểu 10 tiếng mỗi ngày, tới mức mà có thể ví họ như những con nghiện, và gần như chỉ tập trung vào game thay vì nhiều vấn đề khác của cuộc sống. Sẽ tuyệt vời, nếu những con người dưới đây đạt được ước mơ, nhưng chắc chắn rằng, may mắn không mỉm cười với tất cả.

Vậy những số phận còn lại thì sao, khi mà họ đã dành cả thanh xuân với các tựa game thì liệu bên cạnh đó, họ còn trang bị được những gì cho bản thân. Nên nhớ rằng, những người mong muốn vươn tới đẳng cấp của Faker thì có rất nhiều, nhưng thành công thật sự như Faker làm được thì lại chỉ có một mà thôi.

Trong một bài phỏng vấn với Faker, anh chàng thừa nhận, mình phải luyện tập tối thiểu 12, thậm chí có khi là 14 tiếng mỗi ngày. Và khi được đặt câu hỏi, việc ngồi liên tục hơn 10 tiếng mỗi ngày chắc chắn là không tốt cho cơ thể lắm, Faker nói rằng điều này đúng, nhưng nó sẽ giúp bạn phát triển trí não.


Chơi game để thư giãn, chứ không phải tự tàn phá và làm ì ạch cơ thể của mình

Chơi game để thư giãn, chứ không phải tự tàn phá và làm ì ạch cơ thể của mình

Điều này có thể đúng, tùy theo góc nhìn của mỗi người. Chỉ có điều, eSports giờ đây có thể coi là một phần khiến cho tỷ lệ béo phì, cũng như rất nhiều bệnh liên quan tới việc lười vận động ở lứa tuổi thanh thiếu niên tăng lên chóng mặt. Thay vì ra đường và vui đùa, hoạt động cùng chúng bạn như trước, giờ đây, đa phần thanh niên lại lựa chọn cho mình lối sống khá ì ạch, ngồi một chỗ và ôm lấy PC, laptop hay thậm chí là cả Ipad và cuốn hút vào những tựa game. Không ai nói chúng là vô bổ, khi đây cũng là một hình thức giải trí, nhưng hãy cân bằng cuộc sống của mình.

Theo thống kê, LMHT phát triển ở Hàn Quốc tới nỗi, một học sinh, có thể dành từ 5-10 tiếng sau giờ học để vùi đầu vào các phòng net, trước khi về nhà, bật TV và tiếp tục xem các giải đấu chuyên nghiệp khác. Chưa nói tới việc điều này ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của họ, nhưng ít nhất, họ gần như chỉ vận động trong mỗi giờ thể dục – tiết học ít được coi trọng nhất ở Hàn Quốc. Mà như vậy, béo phì, cận thị và các bệnh liên quan tới lười vận động phát triển cũng là lẽ đương nhiên thôi.