Những dự án phim bom tấn bị đình trệ vì bản quyền

SmiLe  - Theo Helino | 30/01/2018 03:22 PM

“The Incredible Hulk 2”, “Namor” hay “The Last of Us” là những dự án phim hứa hẹn nhưng vẫn chưa thể được “bật đèn xanh” vì lý do bản quyền.

The Incredible Hulk 2:

Người Khổng lồ xanh của Marvel Cinematic Universe đã có tập phim riêng mang tên The Incredible Hulk (2008) với ngôi sao Edward Norton. Nhưng do bất đồng với Marvel Studios, anh sau này phải nhường vai lại cho Mark Ruffalo. Hiện bản quyền phát hành các bộ phim về Hulk đến nay vẫn thuộc về Universal, còn bản quyền sản xuất thì đã về tay Marvel Studios.

Do đó, Người Khổng lồ xanh có thể xuất hiện bên cạnh nhóm Avengers, hay tong phim riêng về Thor. Nhưng để Hulk có chuyến phiêu lưu riêng thứ hai thì chưa. Marvel Studios cần phải thương thảo với Universal, giống như những gì họ đã làm với Sony và nhân vật Spider-Man, thì khán giả mới có thể sớm thấy The Incredible Hulk 2.

Namor, The Sub-Mariner:

Ở nguyên tác truyện tranh Marvel, Namor là “người đột biến đầu tiên” và là vua của Atlantis (tức tương tự Aquaman của DC). Các nhà làm phim thực tế muốn đưa Namor lên màn ảnh từ năm 1997, và dự án rốt cuộc được hãng Universal “bật đèn xanh” vào năm 2004.

Ghế đạo diễn ban đầu thuộc về Chris Columbus, rồi Jonathan Mostow, nhưng cả hai đều sớm rút khỏi dự án. Thành công lúc này của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) khiến fan của Namor thực sự nóng ruột. Trên thực tế, nhân vật nay thuộc quyền kiểm soát của Marvel Studios, nhưng những hợp đồng trong quá khứ liên quan tới Universal khiến giám đốc Kevin Feige và cộng sự đến giờ vẫn chưa thể tìm ra giải pháp cần thiết.

The Last of Us:

Xuất hiện trên hệ máy PS3 vào mùa hè 2013, The Last of Us thuộc dòng sinh tồn mau chóng trở thành một trong những tựa trò chơi bán chạy nhất mọi thời đại, và nhận vô số lời khen ngợi từ giới phê bình. Sau thành công đó, đạo diễn game - Neil Druckmann - phấn chấn tiết lộ rằng nhà làm phim nổi tiếng Sam Raimi sẽ chuyển thể trò chơi của anh lên màn bạc.

Song, mọi chuyện gần như không có bất cứ tiến triển gì trong vòng bốn năm qua. Raimi cho biết: “Tôi đã gặp Druckmann, nhưng cậu ấy đã bán bản quyền cho Sony”. Giờ thì mọi chuyện hoàn toàn nằm trong tay Sony, nhưng hãng phim vẫn tỏ ra im tiếng. Trong lúc đó, giới game thủ đang chờ đợi The Last of Us 2, dự kiến ra mắt trên hệ PS4 vào năm 2019.

Halo:

Game nhập vai hành động với trận chiến sống còn giữa nhân loại và các sinh vật ngoài hành tinh là một điểm sáng của hãng Microsoft trong lĩnh vực trò chơi. Halo tới nay đã biến thành thương hiệu lớn, có truyện tranh ăn theo, và lập tức rơi vào “tầm ngắm” của Hollywood. Năm 2005, kịch bản chuyển thể được Alex Garland hoàn thành cho Microsoft, và “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ đã đạt được thỏa thuận với Fox cùng Universal.

Guillermo del Toro là đạo diễn đầu tiên đến với dự án, nhưng mau chóng phải rút lui do bận làm Hellboy II (2008) và nhường ghế cho Neill Blomkamp. Rắc rối xảy ra từ 2006 khi Universal thuê người viết lại kịch bản, còn Fox thì đe dọa rút khỏi dự án. Hậu quả là tác phẩm điện ảnh chuyển thể của Halo bị “mắc kẹt” giữa hai ông lớn trong hơn 10 năm qua.

Friday the 13th, Part 13:

Thứ sáu ngày 13 là loạt phim kinh dị nổi tiếng xoay quanh tên sát nhân đeo mặt nạ bóng chày Jason Voorhees, ra đời từ năm 1980. Giống như nhiều thương hiệu kinh dị khác, nhân vật bị “vắt kiệt” trong lúc không đem tới nhiều sáng tạo mới về mặt nội dung. Nhưng tập phim thứ 12, tái khởi động Friday the 13th, ra mắt năm 2009 lại là thành công tại phòng vé.

Điều đó khiến nhà sản xuất mau chóng muốn làm tiếp phần 13. Song, khó khăn về mặt kinh tế khiến cả New Line Cinema (thuộc Warner Bros.) và Paramount không thể đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Warner Bros. rút trước, rồi ngay cả Paramount cũng dẹp bỏ dự án. Khúc mắc còn nằm ở chỗ nhà biên kịch Victor Miller nay muốn lấy lại toàn bộ quyền sở hữu thương hiệu, và khiến Friday the 13th, Part 13 vẫn nằm trong bóng tối.

Candyman 4:

Đầu thập niên 1990, tài tử Tony Todd gieo rắc nỗi sợ hãi trên màn ảnh rộng bằng nhân vật “ông kẹ” Candyman trong bộ phim cùng tên. Song, Candyman: Farewell to the Flesh (1995) và Candyman: Day of the Dead (1999) lại là những tác phẩm kinh dị đáng quên. Bất ngờ xảy ra vào năm 2004 khi Tony Todd tiết lộ rằng anh sẽ tiếp tục tham gia Candyman 4.

Nhưng bản quyền nhân vật Candyman đã luân chuyển qua tay rất nhiều đơn vị, từ Propaganda tới Sony, rồi Columbia tới Artisan (nay đổi tên thành Lionsgate). Liệu khi Candyman 4 ra rạp, số tiền lãi sẽ được chia như thế nào? Do không tìm được đáp án thích hợp, dự án đến giờ coi như đã đổ bể, dù có tin đồn cho rằng đây là tập phim mà Candyman đối đầu với Pinhead - gã đầu đinh của thương hiệu Hellraiser.

Phim tiểu sử về Janis Joplin:

Janis Joplin là một trong nữ rocker vĩ đại nhất lịch sử. Nhưng cô đã qua đời ở tuổi 27 vào năm 1970 sau khi dùng heroin quá liều. Trong suốt hơn 40 năm qua, có rất nhiều ngôi sao muốn được hóa thân thành Janis Joplin, kể lại câu chuyện cuộc đời cô trên màn ảnh, như P!nk, Zooey Deschanel, Renée Zellweger, Courtney Love, Reese Witherspoon…

Song, bản quyền âm nhạc và những yếu tố khách quan cứ thế đeo bám hết dự án tới dự án khác. Gần nhất, đạo diễn Jean-Marc Vallée cùng Amy Adams đã lên kế hoạch thực hiện Get It While You Can về cuộc đời Janis Joplin vào năm 2017. Nhưng những tranh cãi giữa các công ty sản xuất đã khiến mọi chuyện đổ vỡ.