Những điều thú vị ít biết về 18 bom tấn Vũ trụ Điện ảnh Marvel

SmiLe  - Theo Helino | 18/04/2018 11:36 AM

Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) sắp sửa tung ra “Avengers: Infinity War”. 10 năm đã trôi qua, và phía sau thương hiệu bom tấn là vô số điều bí mật cực kỳ lý thú.

1. Iron Man (2008):

Tác phẩm mở đầu chuỗi 10 năm thắng lợi của Marvel Studios giới thiệu siêu anh hùng Iron Man (Robert Downey Jr.). Song hành với Người Sắt là trí tuệ nhân tạo J.A.R.V.I.S., chuyên có những màn ứng khẩu vô cùng hài hước với chủ nhân.

Tuy nhiên, ngôi sao Paul Bettany khi ấy hoàn toàn không hề hay biết mình đang lồng tiếng cho dự án này. Sau này, J.A.R.V.I.S. trở thành siêu anh hùng Vision kể từ Avengers: Age of Ultron (2015), và Bettany có cơ hội xuất hiện bằng xương bằng thịt trên màn ảnh.

​2. The Incredible Hulk (2008):

Ở bộ phim riêng về Hulk do Edward Norton thể hiện, khán giả được gặp gỡ Paul Soles trong vai khách mời (cameo) là một chủ tiệm bánh pizza. Hồi thập niên 1960, đây là nam diễn viên lồng tiếng cho Người Khổng lồ xanh của một phiên bản hoạt hình.

3. Iron Man 2 (2010):

Khán giả có thể dễ dàng nhận ra chiếc khiên của Captain America (Chris Evans) xuất hiện trong xưởng nghiên cứu của Tony Stark ở Iron Man 2. Nhưng những ai tinh mắt hơn còn thấy Người Sắt còn sở hữu một cuốn truyện tranh về người hùng nước Mỹ. Đây là thời điểm nhân vật do Chris Evans thể hiện còn chưa lộ diện trên phim.

4. Thor (2011):

Sau này, các nhà sản xuất tiết lộ các sự kiện trong Thor, The Incredible Hulk và Iron Man 2 diễn ra trong cùng một tuần lễ. Đó là cách lý giải tương đối khôn ngoan khi mỗi siêu anh hùng đều phải đối mặt với thách thức riêng, và không thể giúp đỡ hay can thiệp vào nhiệm vụ của nhau.

5. Captain America: The First Avenger (2011):

Việc Fox đang đứng trước nguy cơ bị Disney thâu tóm khiến người hâm mộ thấp thỏm chờ đợi cơ hội nhóm dị nhân X-Men đứng chung với Avengers hay Vệ binh dải Ngân hà trên màn ảnh rộng giống như nguyên tác truyện tranh. Tuy nhiên, ngay từ 2010, các nhà sản xuất của bộ phim riêng đầu tiên về Captain America từng muốn cho Magneto và Wolverine xuất hiện với vai trò cameo. Song, vấn đề bản quyền đã khiến ý định nhanh chóng tiêu tan.

​6. The Avengers (2012):

Sau khi bom tấn đóng máy, Robert Downey Jr. đã xin trưởng bộ phận thiết kế sản xuất của Marvel chữ A khổng lồ gắn trên tòa nhà Stark Tower trong phim và bị từ chối. Nhưng một năm sau, vào đúng ngày sinh nhật của mình, tài tử đã có được thứ anh muốn.

​7. Iron Man 3 (2013):

Hai tập Iron Man đầu tiên có phần nhạc phim rất hấp dẫn với các bản hard rock lôi cuốn, mạnh mẽ. Cái tên nổi bật nhất chính là nhóm AC/DC khi họ cho phép một số hit xuất hiện trong phim như Back in Black, Shoot to Thrill, Highway to Hell… Tuy nhiên, tới Iron Man 3, âm nhạc của nhóm nhạc rock đến từ Australia lại hoàn toàn vắng bóng.

8. Thor: The Dark World (2013):

Logo của Marvel Studios nay trở thành phần mở màn không thể thiếu trong mỗi tác phẩm của MCU. Nó thực tế lần đầu xuất hiện trong tập phim riêng thứ hai về Thor (Chris Hemsworth).

Đây cũng là dự án gây ra nhiều tranh cãi khi Marvel Studios quyết định thay đổi đạo diễn, từ Patty Jenkins sang Alan Taylor và khiến ngôi sao Natalie Portman (vai tiến sĩ Jane Foster) cảm thấy không hài lòng. Gần đây, Christopher Eccleston - người vào vai phản diện Malekith - nhiều lần công khai bày tỏ sự hối tiếc khi đã tham gia Thor: The Dark World.

​9. Captain America: The Winter Soldier (2014):

Captain America ghi dấu ấn mạnh mẽ trong tập phim riêng thứ hai, và không ít fan cho rằng đây chính là tập phim MCU hay nhất trong số 18 tác phẩm đã qua. Trong Captain America: The Winter Soldier, người hùng nước Mỹ chỉ dùng khiên hoặc tay không. Anh hoàn toàn không hề đụng đến súng ống như ở các tập phim khác.

10. Guardians of the Galaxy (2014):

Đưa khán giả tới một thế giới hoàn toàn khác lạ ngoài vũ trụ bao la, tập phim giới thiệu nhóm Vệ binh dải Ngân hà gặt hái thành công ngoài dự kiến đối với cả giới quan sát lẫn chính Marvel Studios. Đứng sau thắng lợi ấy là đạo diễn James Gunn. Trước đó, nhà sản xuất cho phép ông đưa một vài con sên xuất hiện trong cảnh tại hang ổ của The Collector (Benicio del Toro). Đó là chi tiết gợi nhắc tới bộ phim kinh dị trước đó của Gunn mang tên Slither (2006).

11. Avengers: Age of Ultron (2015):

Scarlett Johansson - người vào vai đả nữ Black Widow - đang mang thai trong quá trình ghi hình bom tấn thứ hai về nhóm Avengers. Để giấu bụng bầu của minh tinh và hạn chế rủi ro, đạo diễn Joss Whedon quyết định sử dụng ba người đóng thế, và họ trông thực sự giống Johansson. Thậm chí, Chris Evans có lần còn nhầm một người trong số họ chính là minh tinh, tới bắt chuyện và hỏi han tình hình sức khỏe.

12. Ant-Man (2015):

Đây cũng là dự án gây ra không ít hoài nghi sau khi Edgar Wright lừng danh rút lui khỏi ghế đạo diễn vào phút chót, bất chấp việc anh thực tế gắn bó với MCU từ trước khi Iron Man (2008) ra đời.

May mắn thay, Adam McKay đã làm tốt nhiệm vụ thay thế, và ông đã đem đến không ít thay đổi đáng giá cho phần kịch bản phim. Một trong số đó là việc McKay quyết định đưa Falcon (Anthony Mackie) vào Ant-Man sau khi theo dõi Captain America: The Winter Soldier (2014) và cảm thấy vô cùng yêu mến nhân vật. Ý tưởng nhận sự ủng hộ từ Kevin Feige và rốt cuộc đã trở thành sự thật.

13. Captain America: Civil War (2016):

Không chỉ giới thiệu Spider-Man (Tom Holland), bom tấn thường được coi là Avengers 2.5 còn mang đến nhân vật dì May mới do Marisa Tomei thể hiện. Hai phiên bản dì May trước trong các loạt phim của Sony lần lượt được giao cho Rosemary Harris và Sally Field. Điều thú vị là cả Harris, Field và Tomei đều từng nhận đề cử Oscar trong sự nghiệp của mình.

14. Doctor Strange (2016):

Ở nguyên tác truyện tranh, Stephen Strange (Benedict Cumberbatch) có một người em gái tên là Donna. Cô bé qua đời vì bệnh tật khi anh còn nhỏ, và bi kịch chính là động lực khiến Stephen sau này trở thành bác sĩ. Với phiên bản điện ảnh, Lulu Wilson đảm nhận vai Donna Strange và đã thực hiện một số cảnh quay nhất định. Tuy nhiên, đến bản phim cuối cùng, tình tiết hoàn toàn bị cắt bỏ do đội ngũ sản xuất lo ngại thời lượng của Doctor Strange sẽ trở nên quá dài.

15. Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017):

Sau những sự kiện ở phần một, Groot nay trở thành Baby Groot (Vin Diesel). Cậu có điệu nhảy nhí nhảnh trên nền nhạc ca khúc nổi tiếng Mr. Blue Sky của nhóm Electric Light Orchestra ngay đầu phim, trong lúc các đồng đội đang vất vả tiêu diệt một con quái thú liên không gian. Phần diễn xuất motion capture của Baby Groot tại phân đoạn do chính đạo diễn James Gunn đảm nhận.

16. Spider-Man: Homecoming (2017):

Giọng nói máy tính trong bom tấn riêng về Người Nhện thuộc MCU do Jennifer Connelly lồng tiếng. Ở ngoài đời, cô chính là vợ của Paul Bettany - người từng lồng tiếng cho J.A.R.V.I.S. của Iron Man và nay trở thành Vision. Trong quá khứ, Jennifer Connelly còn từng sắm vai Elizabeth Ross - người tình của Bruce Banner / Hulk (Eric Bana) - trong Hulk (2003). Tuy nhiên, bộ phim của đạo diễn Lý An hoàn toàn không liên quan tới MCU lúc này.

17. Thor: Ragnarok (2017):

Lou Ferrigno là tài tử sắm vai Người khồng lồ xanh hồi thập niên 1970 trên màn ảnh. Sau này, ông tiếp tục gắn bó với siêu anh hùng khi lồng tiếng cho nhân vật khi biến hình ở The Incredible Hulk, The Avengers và Avengers: Age of Ultron. Tuy nhiên, đến bộ phim MCU thứ tư mà Hulk xuất hiện, vai trò đó được giao trực tiếp cho Mark Ruffalo.

18. Black Panther (2018):

Bom tấn đột phá của MCU khi sử dụng dàn diễn viên hầu hết là người da đen có sự góp mặt của Lupita Nyong’o và Winston Duke, lần lượt trong vai Nakia và M’Baku. Họ từng cùng theo học trường Kịch nghệ Yale và cách nhau chỉ đúng một khóa. Năm 2012, Nyong’o và Duke rủ nhau đi xem The Avengers ngoài rạp và cực kỳ thích bom tấn siêu anh hùng. Hai người tiết lộ khi ấy họ thực sự muốn một ngày nào đó được gia nhập MCU, và ước mơ rốt cuộc trở thành hiện thực chỉ sau đó 5 năm.

19. Avengers: Infinity War (2018):

Theo Marvel Studios, 156 phút là thời lượng của bom tấn mà khán giả trên toàn thế giới đang mong đợi. Điều đó đánh dấu việc Avengers: Infinity War sẽ trở thành bộ phim dài nhất từ trước tới nay của MCU.