Những điều bạn có thể chưa biết về bộ giáp của Iron Man

Kandy K  - Theo Helino | 19/01/2018 11:59 PM

Dù là một nhân vật quen thuộc trong vũ trụ điện ảnh Marvel nhưng Iron Man vẫn còn khá nhiều bí ẩn chưa tiết lộ về bộ giáp của mình.

Bộ gáp nguyên bản có cả một máy ghi âm băng

Nhắc đến Iron Man, khán giả ai cũng nghĩ ngay đến những bộ giáp công nghệ cao, được trang bị những hệ thống máy tính vô cùng phức tạp. Ấy vậy nhưng ở thời kì đầu khi vừa mới được ra mắt vào thập niên 60, góc nhìn về công nghệ của thời đó tương đối lạc hậu so với ngày nay nên chúng ta mới được thấy một "phát minh" cổ điển như băng ghi âm xuất hiện trên bộ giáp của Iron Man.

Vâng, bạn không nghe nhầm đâu, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1963, bộ giáp của Iron Man có cả một thiết bị ghi âm chạy băng. Ở thời kì đó thì đây là một công nghệ vô cùng tiên tiến, còn với thời đại hiện nay thì có lẽ bộ giáp của Iron Man có cổng USB cũng còn là kì quặc chứ đừng nói đến máy chạy băng.

Bộ giáp của Iron Man có cả hệ thống đi tiểu riêng

Trong phần phim thứ 3 của mình, Iron Man từng đứng trên sân khấu và trả lời một câu hỏi vui của các fan hâm mộ, đó là anh ta... đi tiểu như thế nào trong bộ giáp. Câu trả lời là anh ta cứ thế tiểu luôn ra bộ giáp thôi, không cần làm gì khác cả.

Thực tế thì từ bộ giáp The Space Armor (Model 5) của Iron Man, anh ta đã "cải tiến" và lắp vào thêm cho nó một hệ thống giúp việc đi vệ sinh trở nên dễ dàng hơn. Theo đó thì bộ giáp này được thiết kế cho những chuyến du hành vũ trụ với bộ phận cung cấp thức ăn, nước uống, oxy và cả bộ phận thu gom... chất thải từ cơ thể người sử dụng ngay tại chỗ.

Iron Man có cả một bộ giáp tàng hình

Tony Stark chế tạo ra rất nhiều bộ giáp cho những mục đích khác nhau của mình. Có bộ thì giúp anh du hành không gian, có bộ thì giúp Iron Man đi tới vùng lạnh giá, có bộ lại chuyên dùng để khắc chế lại Hulk hay các thành viên khác của Avengers.

Ngoài ra thì Iron Man còn có một bộ giáp có khả năng tàng hình. Đó chính là Model 7, được ra mắt năm 1981 với khả năng hấp thụ toàn bộ sóng radar khiến cho bộ giáp này vô hình trên các loại radar quân sự. Không những thế, bộ giáp này sau đó còn được lấy làm cảm hứng tạo ra model 21 vào năm 2002 làm từ những sợi kim loại trong suốt. Đến năm 2013 thì Model 43 còn bá đạo hơn khi có thể bẻ cong cả ánh sáng chiếu vào bộ giáp để tạo ra phiên bản tàng hình tuyệt đối.

War Machine là bộ giáp của Iron Man ở thập niên... 90

Nếu là một fan hâm mộ của Iron Man thì hẳn bạn sẽ thấy rằng bộ giáp War Machine mà Iron Man trang bị cho Jim Rhodes, người bạn thân của anh chỉ được lắp thêm những món vũ khí khá sơ sài. Đó chỉ là những khẩu súng đại liên, một vài quả tên lửa "cùi bắp" nếu không muốn nói là một trong số chúng còn chỉ làm cảnh và không thể sử dụng được.

Những món đồ chơi này thực sự chẳng là gì nếu so với súng phóng năng lượng hay phát tia laser cực xịn của Iron Man. Lý giải cho điều này thì bạn cần phải biết rằng War Machine vốn được xuất hiện vào năm 1992, dưới sự sáng tác của họa sĩ Rob Liefield và ở thời điểm đó thì... chỉ có súng, súng, súng thật to mới là mốt của những siêu anh hùng trên truyện tranh mà thôi.

Thậm chí bản thân Tony Stark còn chính là một bộ giáp

Bộ giáp Extremis (Model 29 ra mắt năm 2006) thực sự là một bước tiến lớn của Iron Man trong công nghệ chế tạo giáp. Sau khi tiêm vào cơ thể mình một biến thể của virus Extremis để cơ thể có thể tự phục hồi những vết thương nặng, Tony Stark đã tự biến mình thành một dạng nửa người nửa máy.

Với biến thể mới dạng nửa người nửa máy này của mình, Iron Man đã có thể tự mô phỏng lại một bộ giáp ngay từ chính cơ thể mình, tự sửa chữa lại cơ thể khi bị thương, sử dụng các chức năng như một bộ giáp công nghệ cao bình thường. Tóm lại là anh ta lúc đó khá giống Cyborg bên vũ trụ DC.

Phiên bản điện ảnh của Tony có nhiều bộ giáp hơn

Tony Stark là một nhà phát minh lỗi lạc với hàng loạt bộ giáp khác nhau. Thế nhưng mỗi một bộ giáp đều được anh phát triển dần dần thông qua cốt truyện đã kéo dài cả hàng chục năm trong thế giới truyện tranh siêu anh hùng Marvel.

Tính riêng trong 54 năm ra mắt khán giả, Tony Stark trong truyện tranh sở hữu tới 52 bộ giáp khác nhau. Như vậy thì trung bình cứ 1 năm, các tác giả truyện tranh phải sáng tạo ra một bộ giáp mới cho Tony Stark trên truyện tranh. Còn trên phim thì sao? Chỉ mới qua 9 năm nhưng Tony Stark của Robert Downey Jr. đã được thay tới... 47 bộ giáp khác nhau...