Nhìn lại 5 vụ drama lùm xùm tốn giấy mực nhất làng game 2016

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/01/2017 04:25 PM

Những câu chuyện khiến cộng đồng game thủ cũng như cả làng game quan tâm nhất cũng như gây ra nhiều tranh cãi nhất trong năm 2016 vừa rồi

Bản thân game PC là một nền tảng mở. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể can thiệp và chỉnh sửa những file hệ thống của game, mod game. Một game PC có thể được tạo ra bởi cả một đội ngũ hàng trăm người, nhưng đôi lúc chỉ cần 2 người đã có thể làm ra một game indie cực hay rồi. Chính vì việc dễ dàng tiếp cận và phát triển như vậy, mà bản thân game PC nhiều khi cũng có những drama gây tranh cãi, tốn nhiều giấy mực phân tích và tranh luận.

Năm 2016 cũng không phải là ngoại lệ. Dưới đây là những câu chuyện khiến cộng đồng game thủ lẫn cả làng game thế giới quan tâm nhất cũng như gây ra nhiều tranh cãi nhất:

ARK: Scorched Earth

Áp lực đè lên hệ thống thử nghiệm game mới Steam Early Access thực tế chỉ tăng lên kể từ khi nó ra mắt vào tháng 03/2013. Đành rằng nó là nơi rất nhiều siêu phẩm được đến tay người chơi và cũng nhờ Early Access, chúng mới được hoàn thiện một cách tối đa, lấy ví dụ như Darkest Dungeon, Don't Starve, Subnautica, Divinity: Original Sin,... thế nhưng vẫn có rất nhiều người ngần ngại không muốn mua một tựa game chưa hoàn thành vì lo sợ sẽ bị lừa.

ARK: Scorched Earth là một cái tên như vậy. Game ổn, không có vấn đề gì phải phàn nàn về chất lượng. Thế nhưng Studio Wildcard đã sai lầm ở chỗ đòi game thủ phải bỏ 20 USD ra để mua bản DLC này về tài khoản Steam mới cho phép họ chơi thử, mà đó là thời điểm ARK thậm chí còn chưa hoàn thiện. Rất nhiều fan của ARK: Survival Evolved đã tỏ ra vô cùng tức giận vì tựa game chưa hoàn thiện này mua đã mất 60 USD, bây giờ lại còn phải bỏ thêm 1/3 tiền key bản quyền để mua thêm DLC nữa. Như vậy là, theo những game thủ này chia sẻ, họ phải mất đến hai lần tiền cho một game chưa phát triển xong!

Về phần Wildcard, họ vẫn bảo vệ ý kiến của mình và cho rằng việc ra mắt và thử nghiệm DLC mới sẽ giúp họ phát triển những nội dung đi kèm cho ARK dễ dàng hơn. Nhưng cái lý này không phải ai cũng chấp nhận và cũng thấu hiểu.

Nostalrius

Một trong số những server World of Warcraft lậu nổi tiếng nhất thế giới là Nostalrius đã chính thức đóng cửa hồi tháng 05/2016. Mọi thông tin đã được đội ngũ vận hành server WoW này công bố trên trang chủ, cùng với đó là một bức thư của Blizzard Entertainment gửi cho đội ngũ Nostalrius yêu cầu họ phải đóng cửa server hoặc hãng game khổng lồ này sẽ tiến hành những thủ tục pháp lý.

Ở thời điểm đông nhất, Nostalrius có đến 10.000 người cùng chơi game, và hơn 800 nghìn tài khoản đã được đăng ký, theo những người quản lý cụm server lậu này. Và nếu bạn còn hoài nghi thì, đây là lần đầu tiên có một nhà phát hành game online lớn như Blizzard phải viết thư để xin server game online lậu đóng cửa.

Nhiều nguồn tin cho rằng, chính sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng người chơi World of Warcraft đã khiến cho Blizzard phải sờ gáy cả những server lậu dường như không có chút ảnh hưởng gì đến doanh thu của gã khổng lồ. Theo công bố kinh doanh hồi tháng 08/2015 của Blizzard, hiện tại World of Warcraft - Ông hoàng game online từ trước tới nay hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhẹ do số lượng người chơi đã rớt xuống mức 5,6 triệu người - cực thấp so với con số hơn 10 triệu người hồi ra mắt phiên bản Warlords of Draenor năm ngoái.

Thế nhưng, đứng trước sức ép của cộng đồng game thủ, Blizzard đã phải mời cả admin của Nostalrius đến gặp mặt, dù rằng điều này vẫn không thay đổi quyết định đóng cửa server game lậu rất được yêu quý này. Đến tháng 12, Elysium, một server lậu khác sử dụng phiên bản World of Warcraft đầu tiên (vanilla) đã được mở cửa, sử dụng toàn bộ dữ liệu cũ của Nostalrius.

Scandal... mông nhân vật của Overwatch

Hồi tháng 03, cộng đồng người chơi Overwatch đã bàn tán về việc tạo hình chiến thắng của nữ nhân vật Widowmaker có phần quá... nóng bỏng. Cụ thể, sau khi dành chiến thắng trong trận đấu, Widowmaker sẽ... quay mông về phía màn hình và điều này khiến người chơi cảm thấy phản cảm. Vấn đề này trở nên nóng khi một game thủ có tên Fipps cho rằng tư thế ăn mừng chiến thắng của nhân vật Widowmaker trong Overwatch là lố bịch, gợi dục và cần phải bị xóa khỏi trò chơi. Ngoài ra, game thủ này cũng nhấn mạnh rằng Overwatch cần phải bỏ hết các nội dung có tính gợi dục để giúp cho trò chơi này phát triển hơn.

Bài viết này sau đó đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng người chơi Overwatch, khi nhiều người lại phản bác rằng việc cắt bỏ những nội dung có phần "gợi dục" như trên sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của tựa game này. Không chỉ có vậy, một số người còn nói rằng... tư thế pose hình này chẳng có tí gợi dục nào. Và có vẻ như cuộc tranh cãi này vẫn không có hồi kết.

Dẫu vậy, cuối cùng thì Blizzard cũng quyết định xóa tư thế pose hình chiến thắng của nữ nhân vật Widowmaker khỏi Overwatch. Thậm chí, chính giám đốc sản phẩm Overwatch của Blizzard cũng lên tiếng rằng bản thân và đội ngũ thiết kế của Blizzard xin lỗi vì tư thế pose hình này lại gây khó chịu cho người chơi.

Scandal cá cược của CS:GO

Một vụ lùm xùm đã nổi lên trong cộng đồng người chơi Counter Strike: Global Offensive (CS:GO) khi hai streamer khá nổi tiếng trên Twitch là Trevor "TmarTn" Martin và Tom "ProSyndicate" Cassell đã lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình để quảng cáo cho trang web cá cược do chính họ thành lập.

Mang tên gọi CSGOL****, trang web này cung cấp hình thức chơi may rủi khi những người tham gia sẽ đóng góp những bộ skin vũ khí của mình vào trong một chiếc hộp may mắn, và người thắng cuộc được lựa chọn ngẫu nhiên sau đó sẽ được sở hữu toàn bộ số skin nằm trong hộp. Giá trị của món đồ mà game thủ đưa vào hộp càng cao thì khả năng giành chiến thắng càng lớn.

Sau khi vụ việc nói trên bị một YouTuber với nickname "HonorTheCall" phanh phui, hai game thủ thành lập ra trang web cá cược đã nhận được lời cảnh cáo từ phía Valve. Ban đầu, hãng phát hành này đã đưa trang web cá cược nói trên vào danh sách đen và khuyên game thủ tránh xa để tránh nguy cơ bị lừa đảo, nhưng ở thời điểm hiện tại thì lệnh "cấm vận" đã được dỡ bỏ.

Ngay sau đó, Valve đã lên tiếng cấm các trang web cá cược vật phẩm trong game của CS:GO trong các trận đấu chuyên nghiệp cũng như chơi cờ bạc bằng đồ ảo. Rất nhiều các trang web khét tiếng đã dần bị xóa sổ, tạo ra một cộng đồng CS:GO trong sạch và ổn định hơn.

Thậm chí hai trang cá cược thể thao điện từ hàng đầu thế giới hiện nay là DOTA2Lougne và CSGOLounge đã chính thức tuyên bố dừng hoạt động. Đây được coi là “lời đầu hàng” của họ trước chiến dịch “bàn tay sắt” do Valve phát động.

No Man's Sky

Không cần phải nói, No Man's Sky là quả bom xịt đáng thất vọng nhất trong năm 2016. Thế nhưng nếu chỉ là bom xịt thì còn đỡ, đằng này chính những lời hứa của Hello Games ban đầu đao to búa lớn như thế nào, thì khi game ra mắt nó lại gây thất vọng bấy nhiêu.

Được Hello Games ra mắt vào tháng 8 năm 2016, No Man’s Sky ngay lập tức đã tạo nên cơn sốt trên thị trường game thế giới. Thậm chí khi tựa game này chưa được phát hành chính thức, nó cũng đã gây được tiếng vang lớn và thu hút sự quan tâm của rất nhiều game thủ.

Với sức nóng của mình, No Man's Sky dễ dàng vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng những tựa game đang hot nhất trên Steam. Theo thống kê được cập nhật, trong ngày đầu tiên ra mắt đã có tổng cộng 212.620 người chơi (cùng lúc) tham gia khám phá thế giới rộng lớn của No Man's Sky. Thành tích này giúp sản phẩm của Hello Games vượt qua nhiều trò chơi cũng rất thành công khác kể từ đầu năm 2016 đến nay như Dark Souls 3, XCOM 2, Stardew Valley.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, “tấm mặt nạ” của No Man’s Sky đã nhanh chóng bị lật tẩy. Trò chơi này phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng cho đến những nhà chuyên môn. Với một lối chơi vô hồn, nhạt nhòa và lập đi lập lại, No Man’s Sky đã bị nhiều người ví như quả bom xịt lố bịch nhất của năm 2016.

Xét một cách khách quan, No Man’s Sky không phải là một trò chơi quá tồi tệ đến nỗi phải vùi dập hay tẩy chay. Tuy nhiên sản phẩm này vẫn bị “ném đá” dữ dội với nguyên nhân chính xuất phát từ sự kì vọng quá lớn mà hãng phát triển Hello Games đã tạo ra thông qua những lời hứa hẹn cực kì hấp dẫn. Nhưng không phải lời hứa nào của Hello Games cũng trở thành sự thật trong sản phẩm chính thức, và điều này đang tạo ra những hiệu ứng vô cùng tiêu cực cho cộng đồng game thủ lẫn những nhà chuyên môn.