Nguồn gốc các chủng tộc giả tưởng trong phim ảnh và video game: Robot

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/09/2016 0:00 AM

Cho dù là các droid của “Star Wars”, thực thể tổng hợp như Vision của phim Marvel, hoặc rất rất nhiều ví dụ điển hình khác, bạn nhìn đâu cũng có thể thấy hình ảnh của một android, gynoid, thậm chí cyborg hay robot nói chung.

Trong thế giới giả tưởng của các tác phẩm văn học, cổ tích, phimvideo game có tồn tại vô số những chủng tộc thần bí, được tạo nên từ trí tưởng tượng của con người để lôi cuốn khán giả. Ở loạt bài viết "Nguồn gốc các chủng tộc", chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về gốc gác, đặc điểm và sự phát triển của từng loài. Lần này, chúng ta sẽ đến với một giống loài rất được ưa thích trong các thể loại khoa học viễn tưởng là “Robot”:

Ngày này, chúng ta có thấy vô số hình ảnh về nhân vật robot nổi tiếng trong văn hóa đại chúng. Cho dù là các droid của “Star Wars”, thực thể tổng hợp như Vision của phim Marvel, hoặc rất rất nhiều ví dụ điển hình khác, bạn nhìn đâu cũng có thể thấy hình ảnh của một android, gynoid, thậm chí cyborg hay robot nói chung. Nhưng trong khi robot thường gắn liền với sách khoa học viễn tưởng, phim, truyền hình và comic, chúng có nguồn gốc ra đời xa xôi đến độ ít ai ngờ tới.

Từ ngữ “robot” được sử dụng lần đầu tiên ở tít năm 1920 của thế kỷ trước, trong một vở kịch khoa học viễn tưởng có tên “R.U.R.” của nhà soạn kịch người Czech – Karel Capek. Capek là người đầu tiên sử dụng từ này trong một tác phẩm được phát hành chính thức, nhưng ông nói rằng chính anh trai của mình là Josef – một họa sĩ và một nhà văn – đã đưa ra ý tưởng từ “robot” dựa trên từ “robota” trong tiếng Czech.

Chẳng bao lâu sau đó, từ ngữ “robot” bắt đầu được sử dụng thay thế cho những từ cổ hơn, ví như “automaton” và “android”. Trong khi “automaton,” “android,” và cả “robot” hay được sử dụng ngày nay để chỉ bất cứ thực thể nào có liên tới máy móc với một bộ quy luật và nhiệm vụ nhất định, các sử dụng nguyên gốc của từ này trong vở kịch “R.U.R.” lại có nghĩa chính xác và đen tối hơn.

Ở Czech, từ “robota” thực tế có nghĩa là “lao động ép buộc”, gắn liền với hình ảnh những người nông dân nghèo khổ bị áp bức, và bản thân “robota” còn có nguồn từ một từ khác, mang nghĩa miệt thị nặng nền hơn là “rab”, tức là nô lệ. Do đó, trong tác phẩm phát hành đầu tiên nhắc tới chúng, “robot” được minh họa trên sân khấu bằng hình ảnh tầng lớp lao động, những người bị ghẻ lạnh và khinh thường bởi chủ nhân của họ, cho tới họ phẫn uất mà vùng lên đấu tranh. Cách hiểu này về “robot” vẫn tương đối phổ biến ở ngày nay, và có lẽ được thể hiện tốt nhất trong thế giới của loạt phim “The Matrix”.

Thú vị hơn khi cũng ở thời điểm năm 1920, thế giới đã đón nhận sự ra đời của một người đàn ông có công đưa khái niệm “robot” vào văn hóa đại chúng, gắn liền chúng với khoa học viễn tưởng và đưa ra cả một “bộ luật” về cách “robot” nên được vận hành. Người đàn ông đó chính là Isaac Asimov, một tác giả sách khoa học viễn tưởng nổi tiếng, đặc biệt lấy “robot” trung tâm, đã tạo ra sự ảnh hưởng lớn tới toàn bộ văn hóa đại chúng, chứ không riêng gì lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Từ Asimov, “robot” bắt đầu len lỏi một cách nhanh chóng vào vô số thể loại khác. Từ những bộ phim hạng B về du hành không gian, cho tới các siêu anh hùng và ác nhân trong truyện comic, cho tới cả những bài hát nhạc rock như “Mr. Roboto” của Styx.

Tuy nhiên hình ảnh về những thực thể kiểu như “robot” thậm chí còn có nguồn gốc từ xa xưa hơn, nhưng ở thời đó người ta không gọi là “robot” bởi từ ngữ đó chưa hề tồn tại. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng các dạng sống ảo và máy móc tự động xuất hiện trong tiểu thuyết giả tưởng, thần thoại và kể cả tôn giáo, đều mang đặc điểm giống “robot” hơn hết cả. Cổ đại nhất và sự xuất hiện đầu tiên của thực thể kiểu “robot” trong văn học phương Tây chính là ở một đoạn trong trường ca “Iliad” của Homer. Trong đó, Hephaetus, vị thần của lửa, núi lửa và thợ rèn, đã tạo ra một đội người hầu bằng vàng để giúp đỡ ông ta rèn ra bộ giáp cho Achilles.

Những lần xuất hiện của thực thể kiểu “robot” bao gồm một bộ xương khô biết cử động trong cuốn sách kinh thánh của Ezekiel, bức tượng sống Galatea của Pygmalion, và cả một bộ bàn biết chuyển động cũng được tạo ra bởi Hephaetus. Có lẽ đáng nhắc đến nhất trong tất cả “robot cổ đại” này, chính là truyền thuyết về golem của người Do Thái. Trong truyền thuyết Do Thái, tương tự như Chúa tạo ra con người từ đất sét, con người lại tạo ra một sinh vật dựa theo hình ảnh của chính mình bằng đất sét và một đống đá.

Mặc dù có sự tích về golem của người Do Thái là nổi tiếng nhất, sinh vật này cũng có thể được tìm thấy ở nhiều nguồn truyền thuyết, cổ tích khác nhau, với mỗi phiên bản lại có cách ra đời và hoạt động biến hóa ít nhiều. Hầu hết trong số đó đều có động chạm tới một ý tưởng đã trở thành trung tâm cho văn học dựa theo “robot” chính là: con người, vì muốn tạo ra sự sống của riêng mình, mà kiêu căng thực hiện một hành động nguy hiểm, chống lại ý muốn của Chúa Trời.

Một trong những hình tượng rõ ràng nhất chứng minh quan điểm này chính là tác phẩm “Frankenstein” của tác giả Mary Shelley. Sinh vật lai zombie và automaton này có rất nhiều điểm chung với “robot” hiện đại, ví như được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sống bằng dòng điện đi qua người, và có hạn chế về khả năng cử động, suy nghĩ.

“Robot” từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong các tác phẩm giả tưởng của nhân loại, xuất hiện ở nhiều diện mạo và hình thái khác nhau trước khi từ ngữ này tồn tại. Nhưng bất kể ý tường này đã có từ thời cổ xưa, “robot” vẫn là phép chuyển nghĩa giá trị và phép ẩn dụ hiệu quả để khám phá nhiều khái niệm khác nhau như sự ngạo mạn của con người, bản chất tự nhiên và trách nhiệm của việc tạo hóa, và kể cả sự đấu tranh, kinh hoàng của nạn nô lệ.

Theo Geek

Top 10 cặp nhân vật đối đầu thú vị nhất anime theo khán giả Nhật Bản