Nguồn gốc các chủng tộc giả tưởng trong phim ảnh và video game: Orc

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/08/2016 0:00 AM

Nhờ vào thành công vang dội trên toàn thế giới của “World of Warcraft”, định nghĩa về chủng tộc Orc trong nhận thức của đại đa số công chúng được hình thành.

Trong thế giới giả tưởng của các tác phẩm văn học, cổ tích, phimvideo game có tồn tại vô số những chủng tộc thần bí, được tạo nên từ trí tưởng tượng của con người để lôi cuốn khán giả. Ở loạt bài viết "Nguồn gốc các chủng tộc", chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về gốc gác, đặc điểm và sự phát triển của từng loài. Để mở màn, ta sẽ đến với chủng tộc "Orc":

Nhờ vào thành công vang dội trên toàn thế giới của “World of Warcraft”, định nghĩa về chủng tộc Orc trong nhận thức của đại đa số công chúng được hình thành, ảnh hưởng gần như hoàn toàn bởi series “Warcraft” của Blizzard. Trong thần thoại “Warcraft”, như chúng ta đã thấy ở trò chơi chiến thuật thời gian thực “kinh điển”, MMORPG và bộ phim điện ảnh mới đây, Orc luôn xuất hiện với hình ảnh những kẻ man rợ trọng danh dự. Chúng có nước da xanh, với bộ răng nanh dài, sử dụng những thứ vũ khí và áo giáp thô sơ, sống thành bộ tộc, và theo tín ngưỡng shaman (thầy cúng tế).

Mặc dù Orc trong “WoW” là hình ảnh được biết đến nhiều nhất về chủng tộc này, xong nó hoàn toàn không phải là trường phái duy nhất trong thế giới viễn tưởng. Kể cả nói riêng trong thần thoại “Warcraft”, vị trí của chủng tộc Orc đã có nhiều thay đổi so với thời điểm chúng xuất hiện lần đầu trong “Warcraft: Orcs & Humans” năm 1994. Trong tựa game đầu tiên, Orc chỉ là những kẻ man rợ tàn ác, chứ không hề thể hiện sự cao quý mà sau này đã làm nên chỗ đứng của chủng tộc này trong vũ trụ “Warcraft”. Ngay từ đầu, Blizzard đã thể hiện rằng Orc bị ảnh hưởng bởi một sức mạnh đen tối, tà ác nào đó, nhưng cũng không khai thác gì thêm bản chất thông thường của tộc này ngoài hình ảnh bạo lực, hủy diệt và tai ương.

Hình ảnh ban đầu của chủng tộc Orc không khác biệt là mấy so với trong những tác phẩm của J.R.R. Tolkien (The Lord of the Rings, The Hobbit, và tác phẩm dở dang Silmarillion). Tolkien cùng những tuyệt tác của mình đã để lại một cái bóng vô cùng lớn đối với thế giới giả tưởng fantasy. Hầu như mọi tác phẩm hiện đại thuộc thể loại này đều có chút “vay mượn” từ Middle-earth và thế giới vô song mà ông tạo nên. Tất nhiên, Orc của Blizzard cũng nằm trong số vốn “vay mượn” đó.

Tuy nhiên, trong nguyên tác của Tolkien, Orc xuất hiện với một hình ảnh rất khác so với những tác phẩm đại chúng ngày nay. Thông thường, Orc được cho là những con quái vật da xanh, có kích thước lớn hơn hẳn so với loài người, song Orc của Tolkien lại có màu da “ tái xám” hoặc “ngăm đen”, và nhỏ hơn con người. Điều này có lẽ là ảnh hưởng từ nguồn gốc của các sinh vật tại Middle-earth.

Những tác phẩm của Tolkien mang tới một vài lý giải khác nhau về nguồn gốc của chủng tộc này, song phổ biến nhất vẫn là giả thuyết chúng ta biết tới qua bộ ba phim “Chúa Nhẫn”: Orc là phiên bản tà ác của Elf. Bên cạnh đó, Orc được cho là sự thoái hóa của những chủng tộc cao quý hơn ở Middle-earth, như con quái vật Uruk-Hai của Saruman nhiều khả năng là kết quả giao phối lai giữa Orc và con người.

Tuy nhiên, kể cả trong tác phẩm của Tolkien, định nghĩa về Orc cũng không thực sự rõ ràng, đặc biệt là khi muốn phân biệt giữa Orc và Goblin. Trong dòng văn học giả tưởng hiện đại, Goblin được coi là chủng tộc “anh em họ” thấp bé và … đần độn hơn của Orc. Nhưng trong “The Hobbit” và “The Lord of the Rings”, hai thuật ngữ này thường được tác giả dùng để thay thế cho nhau.

Một nguồn gốc phổ biến khác của chủng tộc Orc đến từ “Dungeons & Dragons”. Ở đó Orc mang hình dáng rất khác so với hình ảnh hiện tại của chúng, với khuôn mặt dị dạng giống như loài lợn rừng. Về sau, chiếc mũi dài đã bị lược bỏ đi, tuy nhiên, những chiếc răng nanh dài vẫn được giữ nguyên. Còn về việc xã hội Orc được miêu tả như thế nào trong “D&D” – man rợ cao quý hay chỉ đơn thuần là man rợ - thì phụ thuộc vào từng bộ tộc và môi trường cụ thể.

Về mặt ngôn ngữ, chủng tộc Orc cũng có khá nhiều tên gọi khác nhau từ khi xuất hiện. Vào thế kỷ 17, khi sinh vật này lần đầu được biết đến tại Anh qua những câu chuyện cổ tích Châu Âu, chúng được gọi là “orke” hoặc “orge”. Về sau, người ta phân biệt rằng Ogre to lớn hơn và sinh sống độc lập hơn so với Orc, mặc dù trước đây tất cả nhìn chúng là cùng một loài: những con quái vật tàn ác trong mảnh đất thần thoại và truyền thuyết.

Nếu tiếp tục đào sâu về lịch sử của thuật ngữ này, qua những câu chuyện của “Bà Mẹ Ngỗng” của Pháp và quay trở về những câu chuyện gốc Ý đã ảnh hưởng nặng tới chúng, thì lần đầu tiên mà sinh vật orc/ogre xuất hiện là trong bộ sưu tập truyện cổ tích của Giambattista Basile người Ý. Con quái vật của ông, được gọi là huorco, huerco, hay uerco, là một sinh vật khổng lồ với bộ răng nanh sắc nhọn, với đủ mọi hình hài trong từng câu chuyện, có khi ăn thịt cả đồng loại một cách dã man, có khi lại là một sinh vật nhân từ.

Gốc gác lâu đời nhất của thuật ngữ “orc” có lẽ đến từ một vị thần ở thế giới bên kia của người La Mã – Orcus. Không giống như Hades, người cai trị thế giới bên kia, Orcus là thần chết phụ trách việc trừng trị những kẻ ác ở kiếp sau. Vị thần này hầu như chỉ được người dân ở khu vực ngoại thành thờ phụng, vậy nên qua thời gian, ông ta bị lầm tưởng là một con quái vật hoang dã, trở thành sinh vật Orc trong những câu chuyện cổ tích, và sau đó là trong tiểu thuyết giả tưởng, phim ảnh và game.

Qua thời gian, loài Orc đã tiến hóa và biến đổi để phù hợp với thị hiếu của công chúng. Từ một loài quái vật hoang dã lấy cảm hứng từ thần chết La Mã, trở thành bộ tộc man rợ, hiếu chiến, và cuối cùng là những sinh vật cao quý, với tinh thần trọng danh dự của chiến binh.

Theo Geek

5 yếu tố quan trọng nhất để có một anime hay theo khán giả Nhật Bản